Trong khoảng thời gian gần đây, Mọt tui chú ý đến một hiện tượng khá thú vị: chữ “độc quyền” mà các nhà phát triển, phát hành game thường xuyên sử dụng đang dần thay đổi ý nghĩa của nó. Trong tự điển tiếng Anh, “exclusive” là danh từ chỉ “một thứ được phát hành bởi chỉ một nguồn duy nhất,” và tương tự trong tiếng Việt, chữ “độc” trong “độc quyền” ý chỉ một cá thể, một tổ chức “độc nhất.” Tuy nhiên khi bạn nhìn vào làng game, từ tiếng Anh đơn giản và dễ hiểu này đang bị các chuyên gia marketing của các hãng game bóp méo và bẻ cong để phù hợp với mục đích của mình.
“Độc quyền” không còn là độc quyền
Đầu tiên, Mọt muốn nói tới độc quyền theo định nghĩa của Microsoft. Trong vài năm trở lại đây, khi Microsoft thay đổi từ “độc quyền Xbox” sang “độc quyền Microsoft,” những tựa game “độc quyền Xbox” của nhà phát hành này đã mở rộng cửa chào đón game thủ PC, bởi Xbox giờ đây đồng nghĩa với bộ phận game của Microsoft, chứ không còn là tên của hệ console mà họ sản xuất. Bạn có thể nhận thấy điều này từ khi họ công bố bộ sưu tập Halo: The Master Chief Collection trên Steam, sự xuất hiện của Halo Infinite trên PC, sự ra đời của Xbox Game Pass cho PC và nhiều hành vi tương tự như đổi tên tập hợp các studio của mình từ Microsoft Studios thành Xbox Game Studios hồi tháng 2/2019 vừa qua.
Với Epic, “độc quyền” có nghĩa là… không có trên Steam, thường là trong một thời gian nhất định. Những tựa game mang tiếng là độc quyền Epic thật ra có thể được bán tá lả trên những nền tảng khác, và chỉ lên Steam sau khi quãng thời gian này kết thúc. Một ví dụ mà Mọt có thể nghĩ tới là Metro Exodus, tựa game châm ngòi cho sự chán ghét Epic Games Store trước đây. Sau khi kéo căng thần kinh của không ít game thủ, Epic công bố rằng họ sẽ “toàn tâm toàn ý ủng hộ việc bán key các tựa game không độc quyền (non-exclusive game)” và ký hợp đồng với Humble Bundle để cửa hàng này có thể bán Metro Exodus – một tựa game độc quyền Epic.
Theo lời Epic, họ sẽ không lấy bất kỳ khoản tiền nào từ những game được bán trên Humble Bundle. “Đội ngũ Epic rất hào hứng được cho game thủ nhiều lựa chọn để mua game, và đem lại cho các nhà phát triển những cách mới để đến với game thủ,” Epic cho biết. Và thế là dù Metro Exodus mang danh là độc quyền Epic, nó vẫn được bán trên Humble Bundle và thứ mà game thủ sẽ nhận được là một key để kích hoạt trò chơi trên Epic Games Store.
Và độc quyền kiểu Sony
Phương thức độc quyền của Sony thật ra cũng khá tương tự với Epic. Sau buổi stream của Sony vào rạng sáng ngày 17/9 vừa qua, không ít game thủ đã chế nhạo Sony và các đối tác khi họ cố gắng vặn vẹo những tựa game “không có trên Xbox” thành “độc quyền.”
Điều này xảy ra sau khi buổi stream kết thúc và Sony đăng tải một video gameplay của Demon’s Souls remake do studio Bluepoint thực hiện lên YouTube với dòng chữ “Not available on other consoles for a limited time. Also available on PC” (Không có trên các console khác trong một thời gian. Cũng có trên PC) ở những giây cuối cùng. Đây là tựa game Souls duy nhất chưa có mặt trên PC, nên game thủ của hệ máy này tỏ ra hết sức hào hứng mặc dù mức giá 70 USD trên console next-gen có thể cũng sẽ được áp dụng cho bản PC.
Tuy nhiên sau đó không lâu, Sony lại ẩn đoạn trailer đó đi và công bố rằng đoạn text trên là sai sót của thằng đánh máy, và “Demon’s Souls là độc quyền cho PS5.” Khi bị truy hỏi rằng liệu Demon’s Souls là độc quyền vĩnh viễn cho PS5 hay chỉ là tạm thời như Death Stranding, đại diện của Sony từ chối trả lời thẳng vào vấn đề mà chỉ quanh co lòng vòng và lặp lại thông điệp cũ “Demon’s Souls là độc quyền cho PS5.”
Tương tự, trong trailer của Final Fantasy 16 do Square Enix phát triển, game thủ có thể dễ dàng nhận ra dòng chữ chú thích “Also available on PC” dù nó bị thu lại bé tí bên dưới dòng “PlayStation console exclusive” to tướng bên trên. Sau đó, Square Enix cũng thay thế đoạn trailer này với một trailer mới không hề nhắc gì tới phiên bản PC mà chỉ hiển thị logo PS5. Trả lời báo giới về sự thay đổi này, Square Enix trả lời rằng “chúng tôi không có thông tin nào về việc liệu FF16 có được ra mắt trên các hệ máy khác ngoài PS5 hay không.”
Trong cả hai trường hợp trên, Mọt tui tin rằng dòng chữ Also available on PC bị xóa đi đơn giản là để đánh lừa game thủ. Sony muốn game thủ tin rằng Demon’s Souls độc quyền PS5 (theo đúng nghĩa đen của từ này) để bán console, còn Square Enix muốn dụ game thủ PC mua bản PS5 thay vì ngồi chờ bản PC. Đây là một chiến thuật kinh doanh thường được dân làm game gọi là “double dip” – tức ăn tiền hai lần – đã được Rockstar, Bethesda sử dụng rất thành công khi ăn tiền n lần với các phiên bản GTA V, The Elder Scrolls V: Skyrim. Để áp dụng chiến thuật này, Sony và Square Enix không thể thẳng thắn rằng “game sẽ lên PS5 trước rồi PC/Xbox theo sau,” mà phải nấp đằng sau chữ “độc quyền” để lừa game thủ.
Chỉ tiếc là game thủ cóc tin vào những trò lươn lẹo này. Nhìn vào danh sách game Final Fantasy và Souls trên Steam, chẳng ai dám nói rằng Final Fantasy 16 và Demon’s Souls remake sẽ không ra mắt trên PC. Thật ra, Mọt tui tin rằng cả hai trò chơi sẽ xuất hiện trên PC trong khoảng 6 tháng đến 1 năm sau ngày phát hành vì những gì mà Sony và Square Enix thực hiện gần đây. Bên phía Square Enix, gần như tất cả các bản Final Fantasy “hot” (cũng như Dragon Quest) đều đã lên PC trừ FF7 remake còn quá mới, còn Sony cũng đã công bố rằng họ sẽ tăng cường việc rút tiền từ game thủ PC.
Ai còn độc quyền?
Và thế là giờ đây, kẻ duy nhất còn dùng chữ “độc quyền” đúng nghĩa của nó là Nintendo. Những tựa game của ông lớn này vẫn chỉ ra mắt trên các hệ console của hãng (và mobile), còn ai muốn giả lập hay làm lại chúng trên PC sẽ đối mặt với nguy cơ bị đội ngũ luật sư hùng hậu của họ dòm ngó. Nintendo muốn ăn cả hai đầu là doanh thu console và doanh số bán game, chứ không chấp nhận chỉ lấy tiền bán game như các đối thủ.
Đây là một phương thức kinh doanh chỉ khả thi với Nintendo, bởi lâu nay họ không hề đua cấu hình như Microsoft hay Sony, và các hệ máy console cấu hình thấp của họ có chi phí sản xuất rẻ giúp đem lại lợi nhuận từ việc bán máy. Theo Mọt được biết, Nikkei nói rằng một chiếc Switch có chi phí sản xuất vào khoảng 257 USD, và nó được bán với giá 300 USD đem lại chút ít lợi nhuận. Trong khi đó, cả Xbox Series X và PS5 đều có cấu hình cực khủng, khiến người ta tin rằng cả Microsoft lẫn Sony đều chấp nhận bán máy với giá thấp hơn chi phí sản xuất và kiếm lời từ việc bán game cùng các dịch vụ kèm theo.
Có đáng không?
Việc Sony bẻ cong chữ “độc quyền” là để phục vụ mục tiêu lợi nhuận của mình, và điều đó không có gì khó hiểu. Chẳng hạn trong trường hợp Death Stranding, không ít game thủ PS4 đã hủy đơn đặt trước bản PS4 của trò chơi để chờ đợi bản PC, trong khi số ít game thủ PS4… tức giận vì game thủ PC dám có được tựa game của mình và cũng hủy đơn. Việc che giấu phiên bản PC của trò chơi sẽ giúp Sony lấy được tiền từ những đối tượng này.
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, khi game thủ gần như không còn tin vào bất kỳ một chữ nào mà các nhà phát triển / phát hành game tung ra (cũng như các tờ báo game như Mọt), việc lươn lẹo với chữ độc quyền chỉ góp phần làm cho game thủ mất lòng tin vào sự chân thành của các hãng game. Mọt tin chắc rằng trong cộng đồng game thủ chúng ta, không ít người sẵn lòng ủng hộ những nhà phát triển / phát hành biết cách bày tỏ thiện chí của mình. CD Projekt là một ví dụ: trong khi các công ty game khác chỉ có toàn anti-fan chờ đợi sai lầm để chỉ trích, CD Projekt có một đội ngũ fan trung thành sẵn sàng ủng hộ và bảo vệ họ mỗi khi có một vấn đề gì đó xảy ra.