Điểm lại những cú phốt “tốn giấy mực” nhất làng game năm 2019 (P2)

2019 sắp trôi qua với cả tá bom tấn đỉnh cao, những tin tức đáng chú ý và cũng chẳng thiếu những vụ lùm xùm tranh cãi đình đám bậc nhất thế giới ảo.

Bên cạnh những tựa game bom tấn, những khoảnh khắc bùng nổ và tin tức thực sự tuyệt vời, 2019 cũng đánh dấu bởi rất nhiều tranh cãi, điều mà dường như đã trở thành tiền lệ của ngành công nghiệp game từ năm này qua năm khác. Cùng KenhTinGame tiếp tục điểm lại những cú phốt đáng chú ý nhất làng game năm vừa qua nhé. Fallout 76 và mô hình trả phí

Kể từ khi ra mắt vào năm 2018, Fallout 76 dường như luôn là tâm điểm của những tranh cãi và chỉ trích. Game lỗi, server trục trặc, để lộ thông tin khách hàng, … vô số vấn đề Bethesda đã gặp phải trong quá trình phát hành game. Đến E3 2019, khi tình hình có vẻ vừa có chút khởi sắc thì một lần nữa, hãng lại tiếp tục đâm game thủ một nhát dao chí mạng với mô hình trả phí có tên Fallout 1st, nơi người chơi có thể trả phí hàng tháng 12,99 đô hoặc 99,99 đô một năm để truy cập các tính năng nâng cao của game. Nhiều người cho rằng hành động này của Bethesda đã biến Fallout 76 thành một sản phẩm pay-to-win đúng nghĩa, chỉ chăm chăm hút máu người chơi. Từ một tựa game được tung hô như siêu phẩm, con đường Fallout 76 biến thành rác phẩm cũng chỉ ngắn đến vậy mà thôi. E3 2019 để lộ thông tin cá nhân của hàng nghìn người tham gia

E3 đã có nhiều thay đổi trong vài năm nay, điển hình là việc Sony quyết định rút lui khỏi sự kiện này đã gây chấn động ngành công nghiệp game. Tháng 8, website Electronic Entertainment Expo đã vô tình để lộ bảng tính có chứa thông tin cá nhân của hơn 2000 nhà báo, streamer và những người tham dự sự kiện, bao gồm cả số điện thoại và địa chỉ. Không chỉ thế, website cũng rò rỉ cả danh sách liên lạc truyền thông từ 2004 đến 2006. Mặc dù sự cố đã nhanh chóng được khắc phục nhưng những thông tin này vẫn được lưu trong bộ nhớ đệm của trang web và có sẵn cho người dùng tìm kiếm. Sau đó, ban tổ chức đã gửi lời xin lỗi về vụ việc nhưng dẫu sao thì nó để lại nhiều nghi ngại cho những người có ý định tham gia sự kiện trong năm tiếp theo. Pokemon Sword & Shield loại bỏ tính năng National Pokedex

Sau khi công bố, người hâm mộ trên thế giới đã tràn đầy hy vọng vào một tựa game mới “làm nên chuyện” trong series dài tập này. Tuy nhiên, có vẻ mọi chuyện không được suôn sẻ như mong đợi khi Game Freak thông báo sẽ loại bỏ tính năng National Pokedex, khiến người chơi không thể chơi được tất cả các loại Pokemon. Bất mãn, người chơi bắt đầu đổ xô đến các phương tiện truyền thông xã hội để chỉ trích tựa game, thậm chí có người còn khiếu nại lên tận Nhà Trắng đòi cấm bán game. Tuy nhiên, bất chấp điều đó, Pokemon Sword & Shield vẫn là một trong những tựa game đạt doanh thu khủng nhất năm 2019 này. Riot Games bị nhân viên khởi kiện tập thể

Riot Games từ lâu đã lùm xùm với cáo buộc phân biệt giới tính và chủng tộc, nơi nhân viên nữ bị quấy rối tình dục, không có cơ hội thăng tiến và tăng lương. Tình hình tồi tệ đến mức nhân viên đã tiến hành bãi công, thậm chí đệ đơn kiện công ty vào đầu năm nay. Cuối cùng, Riot nhận trách nhiệm và bồi thường 10 triệu đô cho khoảng 1,000 nhân viên nữ đang làm việc tại công ty. Dù mọi chuyện có vẻ đã ổn thỏa, vụ kiện này đã để lại nhiều điều tiếng không hay cho cha đẻ của tựa game LoL. Hàng loạt streamer đình đám chia tay Twitch để chuyển sang Mixer

Trong khi Twitch đang gây nhiều tranh cãi vì những quyết định cấm sóng không công bằng của mình thì đối thủ Mixer đã nhân cơ hội lôi kéo một số streamer nổi tiếng về nền tảng của mình. Người nổ phát súng đầu tiên là Ninja, người đã chuyển sang livestream độc quyền cho Mixer vào tháng 8 với giá trị hợp đồng được biết là không hề nhỏ. Nối tiếp Ninja, rất nhiều cái tên khác như Shroud, King Gothalion, cũng nói lời chia tay Twitch. Đáp trả lại, Twitch gần đây cũng đã ký hợp đồng độc quyền nhiều năm với một số streamer nổi tiếng. Thật thú vị để xem cuộc cạnh tranh giữa các nền tảng sẽ còn đi xa đến đâu trong năm 2020 sắp tới này.