Thông thường các tựa game hot luôn chịu phán xét là ‘hút máu’ game thủ, chỉ để cho các đại gia chơi game chứ không quan tâm đến dân cày. Chuyện ‘chơi game ABC, XYZ mà không nạp tiền thì chẳng thể mạnh được’ luôn là đề tài bàn tán, gây tranh cãi trong cộng đồng game thủ. Nhiều game thủ cho rằng, người ta sản xuất game, phát hành game chỉ nhằm mục đích ‘moi tiền’ game thủ càng nhiều càng tốt, game nào cũng sử dụng nhiều phương thức, mánh khóe bắt buộc game thủ phải nạp tiền vào game. Tuy nhiên theo một số người chơi, chuyện game thủ ‘đốt tiền’ vào game chủ yếu là do đam mê của người ta hoặc là bạn thiếu tự chủ. Nếu cứng gân sẽ chẳng có ai ‘ bắt ép’ bạn phải đổ tiền vào đó cả.
Hầu như mỗi lần có bất cứ game mới nào của nhà phát hành nào ra mắt, sẽ có một số lượng game thủ vào nhận xét về vấn đề game này có hút máu hay không hoặc cứ nhắc đến tên NPH này là biết game hút máu đến mức nào rồi. Tương ứng, game thủ cũng sẽ nhìn vào mức tiền tương ứng với cấp VIP nạp vào để đánh giá game hút máu ít hay hút máu nhiều, liệu có cơ hội nào ganh đua với những người nạp nhiều hay không?
Tuy nhiên thực tế ở một số tựa game đã chứng minh, dù có bỏ ra bao nhiêu tiền để chơi, hoặc không bỏ ra một xu nào để chơi thì cũng là do chính bản thân mình khống chế, chứ không phải do bất cứ một cái gì bên ngoài tác động vào. Ví dụ, nếu chi 2 triệu hoặc 3 triệu VNĐ chỉ vì ham mê quá độ mà không kiểm soát được khả năng chi trả của bản thân thì khi đó game thủ phải tự chịu trách nhiệm về hành động bản thân mình chứ không thể đổ tội cho game hay NPH. Và nếu đã không kiểm soát được khả năng chi trả của bản thân ở trong mô hình giải trí A, thì cũng khó có thể kiểm soát được khả năng chi trả ở một mô hình giải trí B, C, D nào đó…
Nói cách khác, việc bỏ nhiều hay ít tiền vào game hoàn toàn do chính game thủ tự nguyện chứ vẫn rất nhiều game thủ không nạp tiền vào game, chỉ bằng việc tìm hiểu cách chơi, cách kiếm tiền trong game, chăm chỉ cày kéo đứng top cấp vẫn có khả năng ‘chịu nhiệt’ với những người chơi đại gia.
Riêng đối với những người làm game, phát hành game, bản chất của họ là những nhà kinh doanh, đã là kinh doanh thì bằng mọi phương pháp, mọi hình thức để có thể thu hút được nhiều khách hàng nhất, khiến cho nhiều khách hàng rút tiền túi ra nhất để chi tiêu vào sản phẩm của mình. Trên thực tế, đúng là các mô hình kinh doanh dù có đi ngoằn ngoèo hay thẳng tắp thì cũng đều dẫn tới một kết quả duy nhất: kiếm lợi nhuận, và các NPH game online cũng nằm trong quy luật bất di bất dịch ấy. Nếu cảm thấy sản phẩm của mình đang “phất”, họ chẳng dại gì mà không tăng giá vật phẩm, miễn sao game thủ vẫn đồng ý.
Điều quan trọng ở đây là rất nhiều người chơi thường lên án hành động trên một cách mạnh mẽ, thậm chí sẵn sàng tuyên bố sắp bỏ game hoặc cạch mặt tất cả các trò chơi của NPH đó, tuy nhiên chẳng mấy chốc họ lại quay lại vì không vượt qua được sự cám dỗ. Và thế là tất cả tạo nên một cái vòng luẩn quẩn: game tăng giá – khách hàng chê nhưng vẫn nạp thẻ nhiều – game tiếp tục tăng giá…
Với những phân tích bên trên, dường như toàn bộ nguyên nhân dẫn tới việc thế giới ảo đắt đỏ đều do game thủ chứ không phải các NPH vì họ làm đúng “quy luật kinh doanh”, thế nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Có không ít NPH đã lợi dụng lòng tin của người chơi để triển khai những event rầm rộ như giảm giá vật phẩm, X2 điểm kinh nghiệm, X2 thẻ nạp đầu, reset các gói nạp giá trị cao,..để game thủ bắt đầu phải bỏ nhiều tiền hơn. Thế nhưng chỉ một đến hai tuần sau, game tuyên bố đóng cửa vì lí do này lí do kia và game thủ là những người mất trắng.
Đã buôn bán là phải kiếm lời, nhưng không phải là bằng mọi cách, đó chắc chắn cũng là những lời giảng dạy mà nhiều nhà kinh doanh từng nghe tới mòn tai, vậy thì ai mới là người có lỗi? Xin để lại cho những người chơi thông thái phán xét.