Phạm “PHT” Hoàng Thành – người chơi đường giữa của đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại Overpower Esports, vừa lãnh án phạt cấm thi đấu hai năm vì hành vi cá độ (tham gia cá cược thể thao điện tử trong thời gian thi đấu cho đội). Thông tin trên đã khiến nhiều người phải giật mình nhìn lại những lùm xùm của Liên Minh Huyền Thoại nói riêng và nền thể thao điện tử nói chung trong thời gian qua.
Thu nhập tăng trưởng theo cấp số nhân
Kể từ khi Việt Nam được Riot Games tách ra thành một khu vực riêng, chúng ta đã có rất nhiều sự thay đổi. Thay đổi lớn nhất phải kể đến là tài chính, nguồn cơn của mọi vấn đề. Các nhà tài trợ thấy được tiềm năng lớn của Việt Nam cả về nhân sự lẫn cơ hội tham gia Chung Kết Thế Giới (League of Legends World Championship hay giải vô địch Liên Minh Huyền Thoại thế giới), họ không ngần ngại rót tiền cho các đội tuyển. Từ đó dẫn đến sự chuyển mình mạnh mẽ của các đội tuyển, mang đến cho tuyển thủ nhiều quyền lợi tốt.
Các tuyển thủ Liên Minh Huyền Thoại chuyên nghiệp không còn phải sống cảnh “chơi vì đam mê”, tiền nong có hay không không quan trọng như vài năm trước đây. Tiền đổ vào, thu nhập được cải thiện, điều kiện làm việc cũng được nâng cấp. Tuyển thủ được cung cấp không gian sống, không gian làm việc, thiết bị làm việc hiện đại, khang trang. Lương hàng tháng cũng được trả đều đặn theo mặt bằng chung của người lao động ở Việt Nam, trung bình từ 5 – 7 triệu đồng và có thể lên tới cả trăm triệu nếu bạn đủ năng lực và thêm một chút may mắn.
Không đủ bản lĩnh khi đối mặt với cám dỗ
Thế nhưng song song với sự đi lên của điều kiện vật chất là sự đi xuống của đạo đức nghề nghiệp. Đúng vậy! Tôi đánh giá những hành vi cá độ, làm độ và bán độ thuộc về phạm trù đạo đức nghề nghiệp. Trở lại cách đây bốn năm, khi giải đấu VCS (lúc đó còn là VCSA) còn chưa hội tụ các đội tuyển ở thành phố Hồ Chí Minh, thời mà tuyển thủ mỗi tháng chờ hai triệu đồng tiền lương từ Garena, thời mà bát mì tôm xì xụp trong căn phòng 30 mét vuông ngổn ngang bàn, ghế, máy tính, thời ấy sao không thấy ai tố game thủ cá độ, bán độ? Thời ấy sao ánh mắt nào cũng rực cháy ngọn lửa đam mê?
Ngồi với nhau trong một quán cafe lề đường của Sài Gòn hoa lệ, tôi và một tuyển thủ hết thời đã kháo nhau: “Mày xem “Đi tìm Nemo” của Disney chưa? Cảnh cuối cả bầy cá lớn bị mắc lưới, chúng nó hoảng loạn ra sao thì esports mình bây giờ y vậy!” – nó nói với tôi vậy đó. Với tốc độ phát triển chóng mặt, thể thao điện tử Việt Nam đã có bước nhảy vọt khá lớn chỉ trong vài năm. Những tuyển thủ vốn dĩ đã quen với cung cách làm việc tự phát nay đột nhiên bị sắp đặt vào một môi trường mới quy củ hơn, chuyên nghiệp hơn. Thế là họ bắt đầu có những sự hoang mang nhất định hay nói cách khác, họ chưa được chuẩn bị đầy đủ cả về chuyên môn lẫn tâm lý cho một bộ máy vận hành chuyên nghiệp như vậy, dẫn tới không thể theo kịp và mất phương hướng.
Giao tiếp kém, kỹ năng làm việc nhóm chưa đạt chuẩn, kinh nghiệm xử lý truyền thông (nếu có khủng hoảng) là con số 0. Tổng kết những điều tưởng chừng nhỏ nhặt ta có thể gom lại thành những mảng màu rất kém chuyên nghiệp về phong cách làm việc. Từ khuôn màu tiêu cực ấy, nhánh cọ mỹ miều mang tên ‘bốc phốt, hít drama’ đã phô bày rất nhiều bức tranh xấu xí của làng thể thao điện tử Việt Nam trong giai đoạn chuyển mình sang hoạt động chuyên nghiệp.
Từ quản lý tố tuyển thủ “ăn cháo đá bát”, đến tuyển thủ tố quản lý ăn quỵt lương. Có những bộ phim dài tập hơn mang tên lục đục nội bộ, thành tích giảm, bốc phốt liên tục khiến cộng đồng “hít hà” đến ngộp thở. Và quan trọng nhất là các nhà đầu tư không thấy được lý do gì để đổ thêm tiền khi mà mọi thứ vẫn y nguyên ở vạch xuất phát. Hậu quả là thu nhập bị giảm sút trong khi những người có thể kiếm vài trăm triệu mỗi tháng vẫn giữ thói quen chi tiêu xa xỉ. Các tuyển thủ lại rơi vào cuộc sống thiếu thốn, lại tiếp tục đánh vật với những thứ như cá độ, bán độ, cày thuê với lý do “kiếm miếng cơm”. Một vòng luẩn quẩn chẳng thể nào dứt ra!
Đáng thương hay vẫn là đáng trách?
Chúng ta trở lại với câu hỏi ban đầu, vậy việc game thủ bán độ, cá độ, cày thuê.. là đáng thương hay đáng trách?
Đáng thương vì họ cũng cần phải kiếm miếng cơm manh áo. Đâu thể hít không khí để tồn tại với đam mê, phải không? Nhưng đáng trách hơn nữa là chính họ tự siết vào cổ mình sợi dây “đáng thương” bằng việc không chịu thay đổi để bắt kịp tiến độ chuyên nghiệp của nền thể thao điện tử thế giới. Ngay cả bản thân họ cũng chưa xác định nghiêm túc rằng họ đang đi làm và họ phải tự có một lộ trình riêng cho sự thăng tiến của bản thân. Đơn cử như ngoài việc luyện tập về chuyên môn, họ cũng cần một lịch sinh hoạt hợp lý để đảm bảo thể chất và tinh thần bền vững, cũng cần học cách giao tiếp tích cực, cũng cần biết những điều cơ bản về hợp đồng, điều khoản để phòng thân v.v…
Tất nhiên, để có được phong thái chuyên nghiệp như các đội tuyển Hàn Quốc hay Âu Mỹ không phải điều có thể thực thi một sớm một chiều. Nền thể thao điện tử Việt Nam thiếu đi những người dẫn dắt ở tầm chuyên nghiệp. Những người có đủ kiến thức, hiểu biết, mối quan hệ để đàm phán với nhà đầu tư. Họ cũng phải là người có tầm nhìn và phải thật “cứng” để xây nên một đội tuyển tiêu chuẩn quốc tế và nhân rộng mô hình ấy, các đội tuyển khác có thể tham khảo những mô hình thành công làm chuẩn mực để vận hành theo. Khi ấy sẽ không có lý do gì để bao biện cho những hành vi xấu nữa. Đồng thời, các tuyển thủ cũng có thể tự tin nói rằng: “Tôi là một vận động viên thể thao điện tử, tôi không chỉ tự nuôi được tôi mà còn có sự nghiệp như mọi ngành nghề khác trong xã hội!”