Cách đây vài năm, Mọt tui đã viết một bài về chuyện nước uống dành cho game thủ Việt. Khi nhìn sang một số trang tin đồng nghiệp cũng có một vài bài viết lấy chủ đề này nhưng hầu như khá ít tư liệu và có vẻ không đào sâu thêm là mấy. Nhân hôm nay dạo chơi vấp phải cục tài liệu về thị trường đồ uống trong giới game thủ, Mọt Leo Cây lại có hứng bàn với bà con về chuyện ăn uống trong khi đang tận hưởng game.
Ăn uống khi chiến game, sướng nhưng không dễ
Thú thật đi, nếu bạn từng ra net ngồi chơi sẽ không lạ gì chuyện ly nước, tô mì ngay cạnh bàn phím đúng không? Chuyện ẩm thực của game thủ xứ ta nó đặc trưng như vậy đấy. Tuy nhiên theo mặt bằng chung của thế giới nó có một số khác biệt.
Cái chuyện vừa ăn uống vừa chơi bời thì game thủ khắp thế giới đều làm, mỗi nơi lại có những văn hóa ẩm thực khi chiến game khác nhau nhưng có thể gom chung lại là ăn vặt và uống nước. Theo nghiên cứu từ trang khảo sát thị trường Newzoo thì các món sẽ rải đều ra theo quốc gia và khu vực nhưng hầu hết sẽ là món ăn vặt (snack) vị mặn như khoai tây chiên, bimbim hoặc ăn vặt vị ngọt như bánh trái. Riêng về nước uống thì ngoài các loại nước ngọt, các game thủ cũng hay uống đủ loại như cà phê, trà đá cho đến… nước lọc.
Vậy tô mì đặc trưng của Việt Nam ở đâu? Thực sự “bộ môn khoa học về chơi game” đã chứng minh các món to bự cần tô chén dĩa để chứa như cơm chiên, mì xào, mì nước… dù vẫn được game thủ sử dụng thường xuyên nhưng việc món ăn quá to và cồng kềnh có thể cản trở bạn chơi game. Bạn chỉ có thể ăn khi đang nghỉ, chứ vừa bấm vừa “ngoáy” mì thì không thể, nó khác với bừa bấm vừa nhón bim bim. Tuy nhiên do hạn chế của việc phải tập trung chơi game nên số liệu cho thấy những người vừa chơi game vừa ăn uống lại có số lượng thấp hơn một nhóm game thủ khác. Bạn sẽ gặp họ ngay sau đây thôi!
Chơi game trên Youtube ăn uống nó mới phê!
Nếu bạn vào rap phim sẽ thấy người người nhà nhà bê bắp rang với nước uống đi vào phòng chiếu. Nó chính là thành quả của hàng chục năm nghiên cứu và phát triển của ngành công nghiệp chiếu bóng khi phát hiện và dung dưỡng thói quen kỳ cục của con người: Vừa ăn vừa coi. Mọt vẫn nhớ như in việc mình vừa ăn trưa vừa mở điện thoại liếc tin tức thì bị ông Mọt Trùm Cuối hỏi “Ông vừa ăn vừa coi như vậy không sợ đau bao tử hay sao?”
Thực ra đây cũng không phải là lần đầu tiên Mọt tui nghe câu hỏi thăm mang tính trách móc như vậy, nhưng cái thằng tui chỉ thắc mắc tại sao rạp phim lại khuyến khích điều đó. Cho đến khi Mọt nhớ ra rằng giá một combo bắp nước cho 2 người đã bằng 1 cái vé xem phim cmnr. Hóa ra nhà chiếu bóng âm thầm nhét “Tuesday” vào các cặp đôi bằng con đường bắp nước, hẹn hò 2 ghế xem phim hóa ra thành 3 vé.
Quay trở lại thói vừa ăn vừa coi, game thủ cũng có nhu cầu này nhưng không phải xem phim mà là xem các game thủ chuyên nghiệp “choảng” nhau. Thú nhận đi, nếu bạn là fan của LMHT thì còn gì tuyệt với hơn cầm bắp nước mà xem các trận CKTG hàng năm? Bạn cũng có thể vừa xem stream vừa ăn hay các loại hình video khác như cốt truyện, giải thích bí mật, tổng hợp các chi tiết thú vị trong game đều có thể khiến bạn muốn nhai một cái gì đó để thưởng thức. Nhân tiện bạn có thể vào kênh Youtube của Kênh Tin Game để thử cảm giác vừa ăn vừa xem video nhé! Nhớ chọn các video về game kinh dị hay game tởm ấy!
Vấn đề này có vẻ vô thưởng vô phạt nhưng về mặt kinh doanh nghiêm túc nó lại là mối quan tâm rất lớn. Khu vực Đông Nam Á nói chung hay Việt Nam nói riêng vốn là đất nước có tỷ trọng thuộc hàng top đang có sức bật rất cao về eSports. Thế mạnh này thu hút rất nhiều đầu tư vào phát triển eSports tại Việt Nam mà hầu hết là các tổ chức eSports và các nhãn hàng lớn tìm kiếm cơ hội quảng cáo.
Mối lương duyên giữa việc vừa ăn vừa xem của game thủ đã mở ra cơ hội lớn để các nhãn hàng đồ ăn vặt và nước uống nhảy vào. Chẳng có gì tuyệt vời hơn quá trình ăn thức ăn vặt trong khi xem đội tuyển do chính thương hiệu thức ăn đó tài trợ đang tranh chức vô địch. Có cảm giác như đang nhai, đang uống cả cái đội tuyển đó vậy, nhưng mà coi chừng sặc hay nghẹn khi tới những pha cao trào.
Cơ hội đầu tư cho các nhãn hàng thực phẩm
Theo nhiều nghiên cứu từ Newzoo, đối tượng game thủ vừa ăn vừa xem tại khu vực APAC (Châu Á – Thái Bình Dương) đang dẫn đầu trên thế giới. Đây cũng là khu vực phân hóa mạnh mẽ nhất, một dấu hiệu rất thường thấy ở những thị trường đang trên đà phát triển mạnh. Đây chính là cơ hội tuyệt vời cho các nhãn hàng đồ ăn vặt và nước uống nhảy vào.
Đây không phải là cái gì đó quá mới mẽ khi ở các thị trường phát triển đi trước như châu Âu hay Mỹ, nhiều thương hiệu nước uống lớn đều đầu tư rất mạnh vào eSports, thậm chí họ còn lập hẳn một đội tuyển mang thương hiệu của mình để hút fan hâm mộ. Ba ông lớn đang dẫn top đầu có thể kể ra như:
Coca Cola: Hãng này đã tài trợ rất mạnh cho các tên tuổi nổi tiếng trong làng thể theo điện tử và nhiều giải đấu lớn khắp thế giới, trải dài trên nhiều bộ môn đỉnh nhất như LMHT, FIFA, Overwatch League, và mới đây nhất là phân nhánh eSports của NASCAR. Nhận diện thương hiệu mà họ sử dụng hiện nay là Coca Cola eSports.
Red Bull: Đây là cái tên không hề xa lạ trong làng thể thao điện tử, họ tài trợ một loạt các đội eSports nổi tiếng thế giới như Cloud9, G2 Esports, 100 Thieves, thậm chí họ có hẳn một đội mang thương hiệu của mình là Red Bull OG. Nhận diện của nhãn hàng này trong giới eSports là Red Bull Gaming.
Mountain Dew: Pepsi không trực tiếp ra mặt trong cuộc đua sức ảnh hưởng đồ uống trong eSports nhưng lại sử dụng thương hiệu dưới quyền là Mountain Dew. Họ lập hẳn một nhãn nước tăng lực riêng cho game thủ gọi là Game Fuel và hợp tác quảng cáo với nhiều cái tên nổi tiếng như Dr Disrespect, OpTic Gaming, Immortals, Dignitas, SK và giải đấu Call of Duty World League.
Mạnh mẽ là thế nhưng do tính phân hóa mạnh trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nên các thương hiệu đồ ăn nước uống chưa tìm được cách tiếp cận hiệu quả. Ngay tại Việt Nam chúng ta đã chứng kiến nhiều thương hiệu cố tiếp cận game thủ như nước tăng lực Monster rất hăng hái xuất hiện tại các ngày hội game phát sản phẩm miễn phí, thương hiệu snack Swing của Orion tài trợ cho Saigon Phantom, nước tăng lực Wake up 247 tài trợ cho giải LMHT VCS. Các nỗ lực này tuy còn sơ khai nhưng đang từng bước phát huy hiệu quả, nếu có cách triển khai tiếp tục để đi sâu vào cộng đồng hơn thì rất có thể sẽ trở thành những lựa chọn ăn uống hàng đầu của game thủ.
Chưa hết, chất lượng khách hàng của nhóm game thủ lại được chứng minh là rất tốt khi khảo sát về độ nhận diện tích cực đến thương hiệu đồ uống của nhóm này cao hơn người tiêu dùng bình thường. Theo Newzoo cho biết, ở châu Âu có 38% game thủ có thái độ tích cực với thương hiệu Redbull nếu so với con số 17% ở nhóm không phải game thủ. Tỷ lệ này ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là 55% của game thủ và 45% với nhóm không chơi game.
Ăn uống khi chơi game và lợi ích về quảng cáo
Tóm lại chúng ta có thể thấy mối lương duyên giữa thói quen vừa ăn uống vừa thưởng thức game (dù là trực tiếp chơi hay xem người khác chơi) đi kèm với việc quảng cáo của các thương hiệu về đồ ăn thức uống. Sẽ rất dễ dàng nếu các sản phẩm có liên quan đến việc chơi game tham gia quảng bá và tìm cộng đồng khách hàng trong làng game. Các hãng sản xuất gaming gear đã thử và đang phát triển rực rỡ, tại sao các hàng ăn uống lại không?