Hướng dẫn chỉnh đồ họa PUBG để giảm giật lag

PUBG đang trở thành tựa game phổ biến nhất hiện nay nhưng tựa game vẫn khá nặng với nhiều người, chính vì thế những tinh chỉnh sau đây cho phép bạn có tốc độ khung hình ổn định.

PUBG sau khi chào sân phiên bản 1.0 đã chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ về mặt hiệu năng, cho phép game thủ có trải nghiệm tốc độ khung hình mượt mà và tránh giật lag khá nhiều so với trước. Tuy nhiên với một bản đồ rộng lớn và số lượng người chơi đông đảo, vẫn còn nhiều chiếc PC tầm trung khó có thể chạy ổn định tựa game này.

Hơn nữa sự chênh lệch giữa tốc độ khung hình vào hàng "ổn" ở mức 30 FPS với tốc độ khung hình vào hàng khá ở mức 60 FPS là rất nhiều. Không nói quá khi việc chênh lệch mức FPS sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thắng thua, vì việc nhỉnh hơn ở tốc độ khung hình chắc chắn sẽ giúp chuyển động nhân vật cũng nhanh hơn. Chính vì thế KenhTinGame xin có bài hướng dẫn mới nhất về việc tinh chỉnh từng hiệu ứng đồ họa trong PUBG và ý nghĩa của từng hạng mục, từ đó cho phép bạn có thể lựa chọn cân bằng giữa chất lượng hình ảnh và tốc độ khung hình.

Screen Scale: Cơ bản thì chức năng này cho phép PC xử lý hình ảnh game ở độ phân giải cao hơn vào thu nhỏ nó về kích thước màn hình của bạn. Điều này cho phép hình ảnh trở nên sắc nét hơn nhưng cũng yêu cầu cấu hình cao hơn. Khuyến khích để mức này ở mặc định 100 vì lên cao cũng không rõ nét được hơn bao nhiêu. Anti-Aliasing: Trên thực tế AA ở PUBG không có nhiều ảnh hưởng, do việc Unreal Engine 4 mà game sử dụng thường thực hiện khử răng cưa sau khi xử lý hình ảnh. Chính vì thế nếu muốn một hình ảnh ít răng cưa hơn đôi chút thì bạn có thể sử dụng hẳn Screen Scale ở trên. Post-Processing: Đúng như cái tên, hạng mục này quyết định rất nhiều hiệu ứng phức tạp được áp dụng sau khi hình ảnh được xử lý. Nó có tác động khá lớn đến hiệu năng game với việc giảm từ mức Ultra xuống Very Low có thể cải thiện 15% tốc độ khung hình.

Shadows: Hạng mục này ảnh hưởng đến những hình thức đổ bóng khác nhau với việc giảm từ Ultra xuống Very Low cho bạn 16% tốc độ khung hình. Tuy nhiên nhìn thấy bóng của kẻ địch nhiều khi có thể là một lợi thế trên chiến trường. Texture: Vân phủ sẽ ảnh hưởng đến việc bề mặt của vật liệu có chi tiết và chân thật hay không. Tuy nhiên trong PUBG việc chỉnh lên cao xuống thấp không ảnh hưởng nhiều khi chỉ mang về 5% tốc độ khung hình. Nhưng xin ghi nhớ là điều này chỉ áp dụng với việc Card màn hình đủ bộ nhớ. Nếu dùng Card thấp hơn yêu cầu của game thì khuyến khích nên giảm hạng mục này xuống thấp. Effects: Hạng mục này ảnh hưởng đến hiệu ứng cháy nổ và nhiều hiệu ứng phụ khác không ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh trong phần lớn thời gian chơi game (chỉ trong những điều kiện nhất định thì hiệu ứng ấy mới xuất hiện chứ không áp dụng trong 100% thời gian chơi game). Trước đây thì Effects không gây ảnh hưởng nhiều nhưng sau phiên bản 1.0 đây lại trở thành hạng mục gây ảnh hưởng nhất đến tốc độ khung hình. Bạn có thể nhận ra việc PUBG thường xuyên crash ra ngoài màn hình khi xe nổ hay bom rơi trong khu vực Red Zone. Giảm Effects xuống Very Low cho phép bạn tăng thêm 25% tốc độ khung hình.

Foliage: Tùy thuộc vào từng bản đồ mà bạn nghĩ việc đặc tả cây cối trong game sẽ ảnh hưởng nhiều đến PUBG. Tuy nhiên việc tăng giảm nó không mang đến nhiều khác biệt khi chỉ cải thiện 1% tốc độ khung hình mà thôi. View Distance: Hạng mục quyết định game sẽ xử lý hình ảnh ở khoảng cách bao xa. Tuy nhiên thì hạng mục này chỉ ảnh hưởng đến những vật thể thuộc về phần bản đồ, trong khi những mô hình bất định như người chơi hay xe cộ (khi di chuyển) thì vẫn sẽ xuất hiện cho dù bạn chỉnh View Distance ở mức nào đi chăng nữa. Hơn hết hạng mục này ảnh hưởng đến CPU nhiều hơn GPU vì thế bạn có thể xem xét tùy thuộc vào cấu hình của mình. Motion Blur: Chắc chắn phải tắt. Đây là một trong những hiệu ứng được coi là vô dụng nhất trong game. Việc bật Motion Blur sẽ khiến bạn rất khó phát hiện kẻ địch hơn khi đang di chuyển.

KenhTinGame sẽ có những bài hướng dẫn PUBG dành cho bạn đọc trong tương lai.