Không còn bản quyền C1, đế chế PES sẽ tàn?

Một yếu tố hiếm hoi khiến cho PES vượt mặt FIFA xuyên suốt 10 năm qua đã không còn.

Bắt đầu từ phiên bản PES 2009, Konami đã “giật” được bản quyền giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh: UEFA Champions League và sau này bao gồm cả UEFA Europa League. Đây là bản quyền hiếm hoi mà các PES thủ thường tự hào khi so sánh với đại kình địch FIFA. Tự hào là đúng thôi, bởi lẽ C1 là giải đấu có tính cạnh tranh rất cao với các đội bóng hàng đầu châu Âu, là giải đấu vô cùng hấp dẫn và thân thuộc với game thủ Việt.

Một phần để PES thủ “tự sướng” bởi lẽ tựa game của Konami có bản quyền vô cùng hạn chế, với những cái tên như North London (Arsenal), Man Red (Manchester United), Man Blue (Manchester City)… thì dễ hiểu tại sao PES thủ lại tự hào về C1 như vậy.

Ngoảnh đi trông lại đã 1 thập kỷ trôi qua, cuối cùng cái ngày mà các game thủ FIFA mong chờ đã đến, UEFA đã chính thức đưa ra thông báo kết thúc hợp đồng bản quyền với đối tác Konami. Điều này đồng nghĩa với việc chuyện tiếp tục ký kết bản quyền trong phiên bản tiếp theo của PES là rất thấp, nếu không muốn nói là vô cùng nhỏ nhoi.

Như vậy, yếu tố gần như cuối cùng để níu kéo người chơi ở lại với PES đã biến mất, Konami sẽ còn có thể làm gì để lôi kéo game thủ ở lại với mình? Thực chất trong vòng 5 năm trở lại đây, phong độ của PES vô cùng thất thường. Họ lên đỉnh với phiên bản PES 13, tụt sâu xuống đáy vực với PES 14, lên dốc với PES 15, trở lại đỉnh cao với PES 16, xuống dốc với PES 17 và tụt sâu với PES 18. Thậm chí, phiên bản PES 18 được Konami đầu tư rất kỹ lưỡng nhưng vẫn không tránh được những tiếng thở dài của người chơi.

Nhiều game thủ PES đã bỏ sang FIFA từ lâu, đặc biệt là khi EA họ đã tung ra những cải tiến vô cùng tốt từ phiên bản FIFA 17 và tiếp tục thành công với FIFA 18. Thế nhưng, sau tất cả, PES vẫn sẽ còn tạo được sự cạnh tranh, ít nhất là tại thị trường Việt Nam. Điều này đến từ những lý do sau:

  • Thứ nhất, PES là một tựa game tạo được tính nền tảng truyền thống ở thị trường Việt. Game thủ nước nhà đã quá quen thuộc với tựa game của Konami, từ bóng đá Nhật ở PS1 cho đến các phiên bản Wining Eleven sau này trên PS2 hay sau này được phổ biến bởi cái tên PES như PES 5, PES 6, PES 8, PES 9…

  • Thứ hai, từ sự thân thuộc ấy, độ phổ biến của PES ở thị trường Việt ngày càng được mở rộng bởi các quán PlayStation mọc lên như nấm sau mưa. Các quán PS2, PS3 và sau này là PS4 mà đa phần đều kinh doanh tựa game của Konami khiến cho người chơi đã thích lại càng quen với PES nhiều hơn. Dù phong độ có lúc thăng lúc trầm, song người chơi Việt vẫn chấp nhận và ngại thay đổi một thói quen quá lớn. Lấy ví dụ, phiên bản PES 14 gần như vô hình tại các quán PES Việt, thay vào đó, người chơi chấp nhận chịu chơi PES 13 thêm một năm nữa trước khi trở lại làm quen với PES 15.

  • Thứ ba, khác với FIFA, sản phẩm của Konami dễ Crack trên nền tảng PC cũng như từ phiên bản 17, Konami cho phép người chơi tự cập nhật về bản quyền cho các đội bóng trên nền tảng PS4. Điều này làm lu mờ đi khoảng cách giữa việc có hay không có bản quyền. Dù việc này khiến người chơi mất công, mất sức hơn rất nhiều, song đối với fan chân chính thì chuyện này cũng “không thành vấn đề”.

  • Thứ tư, trên nền tảng PC, PES không “nói thách” cấu hình như FIFA. Thế nên, người chơi lại càng có lý do tận hưởng sản phẩm của Konami một cách phổ biến hơn và dễ dàng hơn.

Nhìn chung, việc mất bản quyền C1 chắc chắn tạo nên những tác động khổng lồ lên sản phẩm của Konami. Việc mất đi một lượng lớn người chơi là điều dễ dàng xảy ra nhưng liệu đế chế này có sụp đổ hay không thì vẫn là một dấu chấm hỏi lớn, phụ thuộc rất nhiều vào tình yêu của người chơi dành cho tựa game gần 25 năm tuổi đời này.