Fable vốn là một dòng game thuộc Lionhead, nhưng bởi studio của ngài Peter Molyneux đã giải thể từ lâu nên phiên bản mới của series sẽ được Playground Games phát triển. Đây là một lựa chọn khá bất ngờ của Microsoft bởi xưa nay, đội ngũ Playground Games chỉ tập trung phát triển các phiên bản mới cho dòng game đua xe Forza của Microsoft, và Fable sẽ là tựa RPG đầu tiên mà họ thực hiện. Tuy nhiên do phiên bản được đánh số gần đây nhất của trò chơi đã 10 năm tuổi còn phiên bản thành công nhất cũng đã được phát hành 15 năm trước đây, có thể rất nhiều game thủ chưa biết đến thuở huy hoàng của series này. Vì vậy nên trong bài viết này, Mọt tui muốn giới thiệu lại với các bạn những thăng trầm mà thương hiệu Fable đã trải qua trong quá khứ của nó.
Cuộc phiêu lưu mới của Peter Molyneux
Vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, Peter Molyneux là một cái tên rất vang dội trong ngành công nghiệp game. Ông sáng lập Bullfrog Productions vào năm 1987 và trở thành tác giả của những tựa game hết sức độc đáo như Populous, Theme Park, Dungeon Keeper,… nhưng sau khi studio của mình bị EA mua lại vào năm 1997 (và bị giải tán 4 năm sau đó), Peter Molyneux rời khỏi Bullfrog và bỏ ra 6 triệu USD để thành lập một studio mới mang tên Lionhead.
Tựa game đầu tiên của studio này là Black & White, một trong những siêu phẩm của thể loại “god game” mà các fan vẫn thường xem là chuẩn mực cho đến thời điểm hiện tại nhờ đồ họa tuyệt đẹp và gameplay sáng tạo. Trong trò chơi này, game thủ vào vai một vị thần linh chăm lo cho con dân của mình, và bạn có thể quyết định làm điều đó theo cách chính hay tà tùy ý thích. Những quyết định mà bạn đưa ra sẽ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, và tính năng này được ưa thích đến mức nó thường xuyên xuất hiện trong những tựa game sau đó của Lionhead lẫn các studio khác.
Trong khi đó, những người lãnh đạo Big Blue Box, một studio con của Lionhead đang ấp ủ một dự án RPG mới toanh. Họ muốn tạo ra một tựa game hoàn toàn khác biệt, sở hữu những tính năng chưa từng được thấy trước đây. Nó phải có sự hài hước, ngoại hình của nhân vật phải thay đổi theo thời gian, NPC phải phản ứng theo cách cư xử của nhân vật chính, và thậm chí một hạt thông rơi xuống đất cũng phải lớn dần thành cây!
Một dự án tham vọng như thế này cần có tài chính để thực hiện, và đây là lúc Microsoft vào cuộc. Đôi bên ký thỏa thuận hợp tác trong đó Microsoft sẽ cung cấp tài chính và chịu trách nhiệm phát hành, còn một nhóm nhân viên Lionhead sẽ chuyển sang Big Blue Box để hoàn tất trò chơi. Sau ba năm phát triển, Fable ra mắt vào năm 2004 – một năm dày đặc những tựa game khủng khi Counter-Strike Source, Half-Life 2, Far Cry, Halo 2, GTA San Andreas, World of Warcraft cùng được phát hành. Dù vậy, Fable vẫn bán được hơn 3 triệu bản – một thành tích ấn tượng dù còn xa mới so được với Halo 2 và GTA, những thương hiệu đã có cộng đồng fan vững chắc.
Trong Fable, game thủ được sử dụng phép thuật, búa, kiếm, cung để đánh bại kẻ địch, và có thể hoàn tất các nhiệm vụ bằng nhiều phương thức khác nhau dù tốt hay xấu. Thế giới của game cũng ẩn chứa rất nhiều bí ẩn, vô vàn tình tiết vui nhộn và những nhân vật lạ lùng, những nhiệm vụ quái đản mà game thủ có thể khám phá. Tuy nhiên một số tính năng mà đội ngũ phát triển đã hứa hẹn cũng không đúng với mong đợi của game thủ, chẳng hạn tốt – xấu không ảnh hưởng đến kết cục của game, nhân vật chỉ già đi khi các đoạn phim cắt cảnh xảy ra, tính năng sinh con đẻ cái không xuất hiện, và chẳng có cái cây nào mọc lên từ các hạt giống rơi vãi trên đường. Những thiếu sót này khiến Peter Molyneux bị game thủ gọi là “người đàn ông hứa quá nhiều” (the man who promised too much).
Lần nữa bán mình
Trong khi Fable thành công rực rỡ, hai dự án khác của Lionhead là Black & White 2 và The Movies đều thất bại. Chúng khiến Lionhead rơi vào trạng thái khó khăn tài chính và vì thế Peter Molyneux quyết định sáp nhập Lionhead với Big Blue Box rồi “bán mình” cho Microsoft. Điều này đem lại cho studio nguồn kinh phí cần thiết để thực hiện Fable 2, một tựa game độc quyền cho Xbox 360.
Tựa game này thực hiện được nhiều lời hứa mà Lionhead và Peter Molyneux đã đưa ra và được khen ngợi nhờ những tính năng đa dạng, đồ họa đẹp mắt, gameplay chặt chém hấp dẫn, thế giới rộng lớn đầy bí mật và một cốt truyện hài hước vui nhộn. Hệ thống tốt – xấu của game cũng tốt hơn so với phiên bản gốc, và dĩ nhiên game thủ cũng có thể lập gia đình, sinh đẻ hậu đại. Đặc biệt, cây giờ đây có thể mọc lên từ hạt giống rơi trên mặt đất. Trò chơi bán được 3,5 triệu bản và giúp Microsoft tự tin đổ tiền cho Lionhead thực hiện Fable 3.
Dù vậy, nhiều game thủ vẫn chỉ trích Fable 2 quá dễ dàng. Nhân vật chính không thể chết hoặc thua cuộc mà chỉ nhận thêm một vết sẹo trên người, còn hệ thống phép thuật bá đạo khiến những game thủ muốn cởi đồ khoe sẹo cũng không thể thỏa mãn. Các câu đố trong game lại hết sức đơn giản, còn nhiệm vụ hoàn toàn không có chỗ cho game thủ động não khi mọi thứ đều được chỉ dẫn cặn kẽ. Hệ thống vật phẩm trang bị trong game cũng quá tầm phào khiến game thủ không có niềm vui nhìn thấy nhân vật của mình liên tục mạnh lên trong cuộc chơi.
Chỉ sau 2 năm phát triển, Fable 3 ra mắt vào năm 2010. Đúng với phong cách của Peter Molyneux và Lionhead, Fable 3 cũng tràn đầy những sáng tạo mới mẻ, nhưng như Mọt tui còn nhớ, trò chơi này bị đánh giá là những cái hay thì không mới, còn cái mới lại không hay. Một số ví dụ đơn giản là khả năng sờ mó trong game hóa ra chỉ là ấn giữ trigger phải, còn tính năng nâng cấp, biến hình vũ khí cần quá nhiều thời gian đến mức khi đã xong thì game thủ chẳng còn cần đến nó nữa. Đặc biệt, Mọt tui vẫn nhớ mình từng chê tựa game này là có những nhân vật nữ với động tác chạy nhảy còn nam tính hơn cả đàn ông trong một bài review. Fable 3 cũng là trò chơi có điểm số thấp nhất trong ba tựa game Fable, nhưng danh tiếng của hai phiên bản trước giúp Microsoft tẩu tán được 5 triệu bản và giúp Lionhead tiếp tục được tin tưởng giao phó thực hiện hai dự án mới.
Fable tuột dốc
Tuy nhiên, những dự án Fable mới này lại hoàn toàn thất bại vì nhiều lý do khác nhau, và có thể bởi cả hai đều không phải là những tựa RPG truyền thống. Fable Heroes là một tựa game đi cảnh đơn giản cho trẻ em, còn Fable: The Journey “chết” theo chiếc camera Kinect. Đặc biệt, sự thất bại của Fable: The Journey là một đòn mạnh vào Lionhead bởi ban đầu, họ rất hào hứng với sức mạnh của chiếc Kinect bản thử nghiệm, và dành rất nhiều thời gian để phát triển một trò chơi xứng đáng. Tuy nhiên khi chính thức được bán ra, Kinect lại yếu hơn nhiều so với những gì mà Lionhead được thấy trước đó. Kết quả là Lionhead phải hủy một dự án Kinect có tên Milo and Kate, trong khi Fable: The Journey bị “nerf” mạnh để phù hợp với Kinect mới.
Sau khi hai tựa Fable này thất bại, nhiều nhân vật cấp cao của Lionhead lần lượt ra đi bởi bất mãn với cách studio đang được vận hành, và rồi Peter Molyneux cũng rời khỏi studio mình sáng lập vào năm 2012. Dù vậy, những người còn ở lại với Lionhead vẫn bắt tay vào việc phát triển Fable 4. Vấn đề là vào thời điểm này, Microsoft Studios – bộ phận quản lý tất cả các studio làm game của Microsoft – không muốn có Fable 4. Thay vào đó, họ muốn có một tựa game online PvP lấy bối cảnh thế giới Fable, free to play và kiếm tiền bằng microtransaction. Một số chuyên gia trong lĩnh vực này được bổ sung vào đội hình Lionhead và dự án mới Fable Legends chính thức khởi động.
Khi được công bố vào năm 2013, Fable Legends đối mặt với sự nghi ngờ từ phía game thủ. Vào thời điểm này, thị trường game online đang khá chật chội và các fan Fable chỉ muốn có một tựa game offline khác, dù không ít người vẫn hào hứng vì trò chơi mang tên Fable. Việc phát triển game tỏ ra khá thuận lợi khi các thông tin cập nhật được đưa ra đều đặn và không ít game thủ bày tỏ sự trông chờ ngày ra mắt của game. Nhưng rồi “đùng một cái” vào tháng 3/2016, Fable Legends bị hủy bỏ khi đã gần hoàn thành. Theo các tin đồn, Microsoft lo ngại rằng tựa game của Lionhead không đạt được chất lượng mà họ mong muốn nên hủy bỏ trò chơi, và sau đó không lâu Lionhead cũng bị giải thể.
Ngày trở lại
Như vậy, dù trong cả một thập niên qua, Fable không hề vắng bóng mà vẫn xuất hiện với nhiều tên gọi khác nhau, không một phiên bản nào trong số đó là tựa RPG “chính thống” mà các fan trông đợi và cũng hoàn toàn không liên quan gì đến Peter Molyneux hay những người đã khởi đầu dòng game này. Phải đến khoảng năm 2018, những tin đồn đầu tiên về một tựa game Fable RPG thuần túy mới bắt đầu xuất hiện và được xác nhận hồi tháng 7 vừa qua khi đoạn trailer Mọt nhắc đến ở đầu bài viết được công bố.
" alt=""
Ở đầu bài viết này Mọt đã nói rằng việc Microsoft chọn Playground Games làm nhà phát triển Fable là một lựa chọn lạ lùng, nhưng sau khi tìm hiểu kỹ hơn về studio này, có thể quyết định này không quá khó hiểu. Trong thời gian qua, Microsoft đã đầu tư rất nhiều tiền của vào nhà phát triển này và họ đã phình to lên đến hơn 200 nhân viên trong đó có các cựu binh từ Kojima Productions và Rockstar North, đồng thời mở một studio con mới.
Và có vẻ như Fable sẽ lại là một tựa game đầy tham vọng, với vô vàn ý tưởng mới mẻ. Dù không có bất kỳ thông tin chính thức nào về trò chơi được công bố, đã có khá nhiều tin đồn về những tính năng của game lan truyền trên internet. Theo những tin đồn này, game thủ sẽ có thể xây dựng cả một thị trấn, du hành thời gian và thậm chí là qua nhiều hành tinh khác nhau. Dĩ nhiên tất cả đều chỉ là tin đồn, và những gì chúng ta có thể xác nhận chỉ là việc các nàng tiên fairy tồn tại trong game, và một phiên bản ít “công nghiệp hóa” hơn của lục địa Albion sẽ tiếp tục là bối cảnh của nó.