Lo ngại đả phá chính trị, game thủ Trung Quốc bị ép "đoạn tuyệt" với bạn bè quốc tế

Có lẽ sắp tới anh em sẽ phải nói lời tạm biệt với những đồng đội ở Trung Quốc vì chính phủ nước này ngày càng thắt chặt kiểm duyệt các game online.

Sau khi cấm cửa Animal Crossing: New Horizons vì phát hiện một số game thủ đã lợi dụng trò chơi để tuyên truyền biểu tình Hong Kong và phỉ báng giới chức chính trị, chính quyền Trung Quốc có vẻ sẽ còn đưa lệnh kiểm duyệt lên mức cực đoan hơn bằng cách cấm tiệt game thủ Trung Quốc giao du với thế giới bên ngoài.

Ngày 10/4, Trung Quốc chính thức ban lệnh cấm với tựa game online đình đám mới ra mắt của Nintendo - Animal Crossing: New Horizons. Game cho phép người chơi tự do sáng tạo, tùy chỉnh thiết kế bối cảnh, nhân vật và tương tác với mọi dân làng khác; tuy nhiên chính lối chơi mở đó đã được lợi dụng để làm một hình thức tuyên truyền chính trị online. Một số hòn đảo trong game được người chơi chăng đầy những khẩu hiệu ủng hộ biểu tình Hong Kong cũng như ảnh chế giễu chủ tịch Tập Cận Bình. Số khác thì sử dụng tựa game như một công cụ để trút sự bất mãn của mình với Đảng Cộng sản Trung Quốc và đăng tải nội dung châm biếm liên quan đến những thất bại của nhà nước trong việc phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Bởi vậy, như lời của Đảng Cộng sản Trung Quốc thì game online, đặc biệt là các game trực tuyến nhiều người chơi, chính là một “lỗ hổng chính trị”. Chúng cho phép game thủ tự do giao tiếp mà không phải chịu bất cứ kiểm soát nào. Theo tin tức mới nhất từ một diễn đàn game tại Trung Quốc thì chính phủ nước này đang tiến hành dự thảo luật kiểm duyệt nghiêm ngặt hơn cho các trò chơi video, thậm chí cấm game thủ Trung Quốc gặp gỡ và trò chuyện với bạn bè quốc tế. Ngay cả những game online 1 người chơi cũng phải chịu sự giám sát chặt chẽ. Người chơi buộc phải sử dụng tên thật trong game thay vì nickname như trước đó. Ngoài ra, luật mới cũng sẽ cấm cả những game có yếu tố zombie, đại dịch, tùy chỉnh bản đồ, nhập vai đồng thời đặt ra giờ giới nghiêm cho game thủ dưới 18 tuổi và chỉ cho phép họ được tiêu một số tiền nhất định cho các trò chơi.

Trung Quốc từ lâu đã nổi tiếng với các chế tài độc đoán của mình, thậm chí có nguồn tin nói rằng chính quyền nước này không tiếc tay vung tiền để bưng bít thông tin, tìm cách điều hướng nhận thức của dư luận với tham vọng vẽ lại trật tự thông tin toàn cầu. Vì vậy, việc game thủ tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm của mình với bạn bè quốc tế thông qua các trò chơi đương nhiên không vừa mắt quan chức lãnh đạo. Sắp tới, rất có thể game thủ Việt Nam cũng như các nước khác sẽ phải nói lời tạm biệt với những đồng đội người Trung Quốc nếu luật này thực sự được đưa vào thực thi.