Lời giải đáp cho sự mất tích bí ẩn của nhà tỉ phú internet khi chỉ mới 30 tuổi, từng sở hữu công ty làm lu mờ Tencent hay Alibaba

Cách đây hơn 10 năm, công ty Internet lớn nhất ở Trung Quốc không phải là Alibaba hay Tencent mà là doanh nghiệp phát hành game online Shanda Interactive Entertainment. Nhà sáng lập hãng này là một người đàn ông trẻ mang tên Chen Tianqiao – người đã trở thành tỉ phú khi chỉ mới 30 tuổi.
chen Lời giải đáp cho sự mất tích bí ẩn của nhà tỉ phú internet khi chỉ mới 30 tuổi, từng sở hữu công ty làm lu mờ Tencent hay Alibaba 1
Chân dung tỉ phú Chen Tianqiao.

Hơn một thập kỷ trước, Chen còn nổi tiếng hơn cả ngài Jack Ma của Alibaba ngày nay nhưng sau đó ông lại biến mất. Ông rời bỏ Trung Quốc và tách biệt hoàn toàn khỏi giới công chúng. Vào năm 2012, ông huỷ niêm yết cổ phiếu của công ty trên sàn Nasdaq.

Giờ đây, Chen đã sẵn sàng để xuất hiện trở lại. Ở độ tuổi 44, ông hiện đang sống ở Singapore với những kế hoạch cho hành động tiếp theo của mình. Khi các phóng viên đến tham quan văn phòng của ông ở Singapore, ông đã giải thích điều gì khiến ông từ bỏ công việc kinh doanh và nhường lại thị trường cho Tập đoàn Alibaba và Tencent. Nhà sáng lập của 2 hãng này hiện là 2 người giàu có nhất Trung Quốc. Mọi chuyện bắt đầu từ những áp lực tấn công ông vào những năm 30 tuổi, sau đó những căng thẳng từ việc cạnh tranh và các quy định của chính phủ ngày càng trở nên gay gắt. Cuối cùng, ông quyết định phải cứu lấy sức khoẻ của mình.

“Mỗi khi nhìn mặt trời lặn vào chiều tối, tôi lại nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ thức dậy nữa”, Chen chia sẻ.

Những kinh nghiệm tích luỹ theo thời gian cuối cùng đã dẫn ông đến một con đường mới. Những lần đấu tranh nội tâm và niềm tin vào Phật giáo đã thuyết phục ông tập trung nghiên cứu về bộ não con người.

Trang Bloomberg Billionaires Index cho biết, ông đã dành 1 tỷ USD (khoảng hơn 22 nghìn tỷ VND) trong số tài sản cá nhân ít nhất là 2,4 tỷ USD (khoảng hơn 54 nghìn tỷ VND) của mình cho quyết định này. Trong đó bao gồm 115 triệu USD (khoảng hơn 2 nghìn tỷ VND) mà Chen và vợ ông đã trao cho Viện Công nghệ California để thành lập Viện nghiên cứu Thần kinh Tianqiao và Chrissy Chen. Phần còn lại sẽ được sử dụng để tài trợ trực tiếp cho các nhà khoa học trẻ tuổi và thành lập trường Đại học Chen ở Hoa Kỳ.

Vợ chồng ông Chen kí kết hợp đồng với Học viện California.
Vợ chồng ông Chen kí kết hợp đồng với Học viện California.

Ngôi trường này hơi khác biệt so với thông thường: nơi đây sẽ tập hợp các học giả ở mọi lĩnh vực từ khoa học thần kinh, sinh học và tâm thần học đến các nhà nghiên cứu triết học và thần học, và khuyến khích họ làm việc cùng nhau. Chen nghĩ rằng đã đến lúc cần phải tập trung vào việc cải thiện tinh thần của con người sau hàng thế kỷ nỗ lực để nâng cao mức sống.

Ông nói: “Đây sẽ là một trường đại học với nhiệm vụ cố gắng trả lời cho câu hỏi chúng ta là ai và chúng ta đến từ đâu. Trong hàng ngàn năm, chúng ta đã cải thiện hạnh phúc của chúng ta thông qua việc thay đổi thế giới vật chất. Bây giờ, chúng ta phải giải quyết vấn đề này bằng cách khám phá nội tâm”.

Chen sinh ra ở tỉnh Chiết Giang, phía Nam Thượng Hải, Trung Quốc, vào năm 1973, và lớn lên khi đất nước bắt đầu chuyển sang chủ nghĩa tư bản sau cuộc Cách mạng Văn hoá. Ông tốt nghiệp Đại học Phục Đán với bằng cử nhân kinh tế. Ông gặp người vợ tương lai của mình, bà Chrissy, trong khi cả 2 đang làm việc tại một công ty chứng khoán. Sau 6 tháng, họ kết hôn và nghỉ việc để bắt đầu thành lập công ty Shanda vào năm 1999.

Vào thời điểm đó, nhiều doanh nhân Trung Quốc đang chạy đua để tạo ra các cổng thông tin điện tử, các dịch vụ tương tự như Yahoo!. Năm 26 tuổi, Chen đã đi theo con đường riêng của mình: Ông cùng với Chrissy và người em trai thành lập một công ty trò chơi trực tuyến với số tiền tiết kiệm khoảng 60.000 USD (khoảng hơn 1,3 tỉ VND).

Cơ hội lớn đầu tiên của họ đến từ việc mua lại quyền phân phối trò chơi nhập vai Legend of Mir II của Hàn Quốc. Doanh thu tăng cao giúp cho Shanda đủ tiền để bắt đầu phát triển các trò chơi của riêng mình, trong đó có trò World of Legend. Khi trò chơi trực tuyến trong các quán cà phê Internet trở thành cơn sốt của các thanh thiếu niên Trung Quốc, lợi nhuận của công ty tăng gấp đôi từ năm 2002 đến năm 2003. Công ty đã thu được 152 triệu USD (khoảng hơn 1 nghìn tỷ VND) trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu trên Nasdaq vào tháng 5 năm 2004.

Sau đó, công ty bắt đầu gặp nhiều khó khăn. Cổ phiếu tăng vọt trong năm đầu tiên, sau đó giảm xuống vào năm thứ hai vì người dùng chuyển sang chơi các trò chơi khác. Chen quyết định đa dạng hóa sự nghiệp của mình và tuyên bố mong muốn trở thành Disney của Trung Quốc, sau đó ông đã tăng cường đầu tư gấp đôi vào các trò chơi và kết quả là cổ phiếu của ông đã tăng trở lại. Trong năm 2009, ông tách khỏi tập đoàn trò chơi Shanda Games trong đợt IPO 1 tỷ đô la Mỹ – đợt IPO lớn nhất tại Mỹ năm đó.

Jixun Foo, quản lý đối tác của GGV Capital, cho biết: “Một trong những điểm khác biệt rõ rệt giữa Chen Tianqiao và các doanh nhân khác là ông có một sự hỗ trợ rất tốt về tài chính và một mức doanh thu vững chắc”.

Tuy nhiên, áp lực đã trở nên nặng nề hơn. Năm 2004, trong khi Chen đang trên chuyến bay từ Thượng Hải đến Bắc Kinh, ông bị đau dữ dội ở ngực. Cho rằng đây là một cơn đau tim, ông vội vã đến bệnh viện sau khi máy bay hạ cánh. Các bác sĩ cho biết tim của ông vẫn trong tình trạng tốt. Chỉ là ông đang phải chịu đựng một sự hoảng sợ quá mức.

Chiều hôm đó, ngồi một mình trên một băng ghế ở thủ đô của Trung Quốc, ông nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ làm kinh doanh nữa. “Thật căng thẳng, thật đau đớn,” ông nói. Nhưng khi được điều trị và hồi phục, ông lại quay trở lại với công việc.

Khi tham vọng của Chen tăng lên, ông mở rộng kinh doanh sang mảng giải trí gia đình. Ông ngừng quan hệ hợp tác với Intel và Microsoft để tạo ra một Set-top box mới (một thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình và sau đó chuyển dữ liệu hình ảnh và âm thanh lên màn hình TV) cho phép người xem truyền hình trực tuyến, chơi các trò chơi Shanda, mua nhạc và phim.

Nhưng các quan chức chính phủ lại phản đối kế hoạch này. Theo Chen, họ không muốn giao quyền kiểm soát mảng truyền hình cho bất cứ ai ngoài chính phủ. Dự án trở nên bế tắc. Chen cho biết mãi cho đến bây giờ ông mới có thể cho biết lý do vì sao kế hoạch thất bại. “Thấm thoát đã 10 năm đã trôi qua,” ông nói.

Ông bị cơn đau tim thứ hai tấn công vào năm 2009, lần này vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn. Đó cũng là lúc ông cảm thấy tuyệt vọng và run sợ đến nỗi ông thường cảm giác như mình không thể di chuyển được nữa.

“Khi bạn nằm xuống, bạn sẽ không thể ngồi dậy. Còn khi bạn ngồi xuống, bạn lại không thể đứng dậy được. Bạn sẽ không thể thở được nữa”, ông nói.

Lúc đầu, ông đến Singapore để nghỉ ngơi. Khi ông theo dõi thấy Tencent, Alibaba và Baidu đang chiếm vị trí của mình, ông đã lên kế hoạch quay trở lại. Nhưng vợ ông cảnh báo về tình trạng sức khoẻ của ông và nói với ông rằng vẫn còn những cơ hội khác trước mắt.

“Nhiều người dùng cả cuộc đời mình chỉ để leo lên một ngọn núi. Trong khi anh có thể leo lên nhiều ngọn núi khác ”, bà nói.

Là một Phật tử mộ đạo đã nghiên cứu cách vượt qua khổ đau, Chen quyết định thay đổi lộ trình để có được những điều tốt đẹp trong cuộc sống: Gia đình ông định cư tại Singapore vào năm 2010 và bắt đầu rút khỏi các hoạt động kinh doanh. Sau đó họ bán cổ phần ở Shanda Games và Chen rút lui khỏi bản quản trị.

Cuối cùng Shanda cũng không thể thực hiện bước nhảy vọt để trở thành Disney của Trung Quốc và đánh mất cơ hội ở mảng trò chơi khi người dùng chuyển hướng sang điện thoại thông minh.

Ông Serkan Toto, người sáng lập hãng tư vấn Kantan Games cho biết: “Đây là một thách thức đáng gờm”, “Trò chơi là một phong cách hoàn toàn khác biệt so với những thứ mà Disney đã làm”.

Trong 3 năm sau đó, cả 2 vợ chồng cùng nghiên cứu xem họ nên làm gì tiếp theo. Cuối cùng, họ quyết định nghiên cứu não người.

Vợ chồng Chen đã tìm thấy tiềm năng kinh doanh to lớn trong việc giải mã bộ não con người. Họ lên kế hoạch tài trợ cho nghiên cứu điều trị các chứng bệnh như Alzheimer và Parkinson. Họ ủng hộ ElMindA, một công ty khởi nghiệp ở Israel chuyên phát triển các công cụ dùng để phát hiện các giai đoạn đầu của các chứng bệnh về não.

Công ty đầu tư có trụ sở tại Singapore, Shanda Group, đã đầu tư vào hơn 100 dự án công nghệ tiên tiến tại Trung Quốc và trên toàn thế giới. Khái niệm thực tế ảo được lấy làm trọng tâm vì có nhiều cơ hội kết nối công nghệ với khoa học thần kinh. Chen đã ủng hộ The Void – một công ty giải trí của Hoa Kỳ đang cố gắng tạo một công viên chủ đề thực tế ảo; nhà sản xuất game thực tế ảo Survios của Los Angeles; và hãng Solfar Studios của Iceland – một nhà phát triển ứng dụng du lịch khám phá thực tế ảo.

Sức ảnh hưởng của Chen đã tác động lên 2 đứa con gái 13 tuổi và 8 tuổi của mình: “Giờ đây bọn trẻ luôn nói về ước mơ lớn lên sẽ trở thành những nhà thần kinh học. Tôi đã thay đổi chúng”, Chen nói.

Ông đã sử dụng tài sản của mình để đầu tư vượt ra lĩnh vực nghiên cứu não bộ. Ông là cổ đông lớn nhất trong tập đoàn LendingClub và trong chuỗi các bệnh viện Community Health Systems ở Hoa Kỳ. Ông cũng nắm giữ cổ phần trong Legg Mason và KKR & Co.

Ảnh hưởng của Chen ở Trung Quốc vẫn còn đó. Một số nhân viên của ông đã trở thành những ngôi sao lớn chẳng hạn như Daniel Zhang, cựu giám đốc tài chính của Shanda và bây giờ là giám đốc điều hành của Alibaba.

Cựu nhân viên của Shanda vẫn họp mặt hàng năm, một sự kiện mà người sáng lập bình thường không bao giờ tham dự. Nhưng năm nay, Chen đã làm 1,700 người tham dự tại Thượng Hải vào ngày 30 tháng 7 vô cùng ngạc nhiên với một đoạn video 10 phút. Nhiều người trong số họ đã phải đứng lên chụp ảnh vị lãnh đạo mà họ đã không được gặp trong gần 10 năm.

Cuối cùng, hoạt động kinh doanh của Shanda đã không theo kịp với những “nghệ sĩ” mới nổi của ngành công nghiệp công nghệ của Trung Quốc. Sự thống trị của Alibaba trong ngành thương mại điện tử đã đem lại lợi nhuận để đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh mới và những khởi đầu mới. Tencent có một chiến lược cạnh tranh tương tự thông qua việc kiểm soát các dịch vụ nhắn tin như WeChat, trong khi Baidu sở hữu mảng kinh doanh về tìm kiếm. Ngày nay, Jack Ma của Alibaba là người đàn ông giàu nhất Trung Quốc với giá trị tài sản là 43,6 tỷ USD (khoảng hơn 986 nghìn tỷ VND), trong khi Pony Ma, nhà đồng sáng lập Tencent, có tổng tài sản trị giá 33,2 tỷ USD (khoảng 750 nghìn tỷ VND).

Trở lại văn phòng của Chen ở Singapore, ông nói rằng ông có một chút tiếc nuối. Ông có lời khen ngợi Alibaba và Tencent đã “làm việc rất tốt” và rằng ông rất biết ơn về “sự tạm dừng” đã có trong cuộc đời mình. Ông đã sẵn sàng để tiếp tục cuộc phiêu lưu tiếp theo và để lại phía sau những điều đã qua ở tuổi 30.

Chen chia sẻ: “Tôi nhìn anh ấy và nghĩ rằng anh ấy quả là một thanh niên trẻ trung xán lạn. Nhưng tôi cần phải để “chàng Tianqiao” của thời điểm ấy ở đó còn mình thì tiến về phía trước.”

Theo Thanh Tuyền – Trí thức trẻ