LucasArts lược sử: Không Star Wars thì mọi chuyện vẫn ổn thôi – P.2

Ở bài trước, chúng ta đã tìm hiểu về George Lucas, người thành lập LucasArts. Trong bài kế tiếp, Mọt sẽ giới thiệu về những tựa game đầu tiên của LucasArts.

Phải nói là LucasArts đã gặp rất nhiều chuyện đen đủi khi mới thành lập. Mọi chuyện bắt đầu trước khi George Lucas quyết định thành lập Lucasfilm Games (tiền thân của LucasArts), Atari, một trong những công ty game lớn nhất lúc bấy giờ đã mua luôn quyền sản xuất game dựa trên thương hiệu Star Wars trong 10 năm. 

LucasArts lược sử: “Bộ não vĩ đại” đằng sau cả đế chế – P.1
LucasArts lược sử: “Bộ não vĩ đại” đằng sau cả đế chế – P.1
Trong dải Ngân Hà có nhánh Orion, trong nhánh Orion có Hệ Mặt Trời và trong Hệ Mặt Trời có một hành tinh màu xanh mang tên Trái Đất. Ở một đất nước có cái tên Việt Nam trên hành tinh Trái Đất, có một chàng trai 24 tuổi xanh vẫn chưa có nổi một...

Vậy là Lucasfilm Games, bộ phận làm game của Lucasfilm lại không có quyền được phát triển game dựa trên thương hiệu phim đình đám của mình. Đây cũng là lý do khiến Lucasfilm Games đã phải tìm tòi làm ra những tựa game mới toanh, trong đó có nhiều cái tên đã đạt được những thành công rực rỡ.

Thập niên 80 đầy khó khăn nhưng đầy sáng tạo.

Năm 1984, Lucasfilm Games gửi 2 tựa game đầu tiên mang tên Ballblazer và Rescue on Fractalus cho bộ phận Marketing của Atari và chỉ 1 tuần sau đó, bản beta của 2 tựa game này đã bị leak ra ngoài, việc này đã gây ảnh hưởng rất lớn tới doanh thu đồng thời khiến mối quan hệ giữa Lucasfilm Games và Atari rạn nứt.

Nếu chúng ta nhìn vào mặt tích cực của chuyện này thì cả 2 tựa game này đều nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Vào năm 1985, Lucasfilm Games ra mắt 2 tựa game tiếp theo với tên gọi Koronis Rift và The Eidolon. Cả hai tựa game này đều kế thừa và tiếp tục phát huy công nghệ Fractal được phát triển cho tựa game Rescue on Fractalus.

Có lẽ Fractal nghe hơi lạ tai, người Việt Nam chúng ta thường gọi nó là hình phân dạng, chính là mấy cái hình mà càng zoom vào thì bạn lại nhận ra nó càng có nhiều chi tiết hơn. LucasArts đã dùng hình phân dạng để tạo nên môi trường game trong Rescue on Fractalus, Koronis Rift và The Eidolon.

Tựa game tiếp theo của Lucasfilm Games là Habitat, một tựa game MMORPG được đưa vào thử nghiệm Beta vào năm 1986 trên nền tảng Quantum Link (sau này đổi tên thành America Online). Tuy nhiên thì Habitat đã không được phát hành chính thức vì Quantum Link đã không thể cung cấp đủ băng thông để tựa game này hoạt động ổn định.

Cũng trong năm 1986, Lucasfilm Games ra mắt tựa game mô phỏng lấy bối cảnh chiến tranh đầu tiên, đó là tựa game chiến hạm PHM Pegasus. Dù ăn khá nhiều gạch đá nhưng tựa game này cũng bán được hơn 100 nghìn bản.

Labyrinth: The Computer Game (được phát triển dựa trên bộ phim cùng tên) cũng được ra mắt trong năm 1986, đây là tựa game phiêu lưu đầu tiên mà Lucasfilm Games làm ra. Labyrinth đã đặt nền tảng vững chắc cho hàng loạt tựa game phiêu lưu khác của công ty sau này.

Năm 1987 đánh dấu lần đầu tiên Lucasfilm Games tự làm game và tự phát hành với tựa game phiêu lưu point & click Maniac Mansion. Đây cũng là tựa game đầu tiên sử dụng SCUMM, game engine thường được sử dụng trong các tựa game phiêu lưu của Lucasfilm Games sau này. Đáng tiếc là dù được coi là tựa game đã thay đổi dòng game phiêu lưu nhưng doanh thu của Maniac Mansion lại không được tốt lắm.

Ở đây Mọt muốn nói thêm một chút về SCUMM, nó được Ron Gilbert tạo ra vì ông thấy việc lập trình tựa game Maniac Mansion quá phiền phức. Thật ra SCUMM là một sự kết hợp giữa game engine và ngôn ngữ lập trình, nó cho phép người chơi chuyển đổi giữa những nhân vật khác nhau và giải quyết nhiều vấn đề đa dạng khác nhau trong game. 

Vào năm 1988, Lucasfilm Games đã phát hành 3 tựa game. Đầu tiên là tựa game chiến hạm Strike Fleet với tính chiến thuật cao hơn người anh PHM Pegasus của mình. Tựa game thứ 2 mang tên Battlehawks 1942, tựa game bắn máy bay đầu tiên của công ty.

Cuối cùng là tựa game phiêu lưu Zak McKracken and the Alien Mindbenders, tựa game này đã nhận được khá nhiều luồng ý kiến trái chiều, có người cho rằng đây là một trong những tựa game phiêu lưu hay nhất mọi thời đại nhưng cũng có người cho rằng tựa game này vẫn còn khá nhiều điểm trừ.

Lucasfilm Games tiếp tục giữ vững phong độ khi tiếp tục cho ra mắt 4 tựa game vào năm 1989, trong đó có Pipe Dream, tựa game “nối cống” khá quen thuộc với người dùng Nokia sau này, Mọt còn nhớ bản trên điện thoại có tên là Canal Control.

Tựa game thứ 2 mang tên Their Finest Hour, một tựa game bắn máy bay cho phép người chơi chọn lựa giữa 8 loại máy bay khác nhau, chính việc này đã khiến tựa game này được đón nhận một cách nồng nhiệt.

Cuối cùng là 2 trò chơi ndiana Jones đầu tiên của LucasArts, game phiêu lưu Indiana Jones and the Last Crusade cùng với game hành động Indiana Jones and the Last Crusade: The Action Game. Cả 2 đều đạt được thành công lớn, tuy nhiên thì phiên bản game hành động lại phải ăn gạch đá khá nhiều vì lý do nội dung chẳng có liên quan gì tới Indiana Jones cả.

Những năm 90 rực rỡ

Trong khoảng thời gian này, có 3 sự kiện quan trọng xảy ra với Lucasfilm Games. Đầu tiên là sau khi tái cơ cấu công ty vào năm 1990, Lucasfilm Games chính thức đổi tên thành LucasArts. Thứ 2 là sự ra đời của iMUSE – phần mềm đồng bộ hoá âm thanh với hình ảnh và chuyển đổi âm nhạc ở trong game, vào năm 1990. Cuối cùng là vào năm 1991, LucasArts lấy lại được quyền làm game Star Wars từ Atari và đánh dấu sự bùng nổ của các loạt game Star Wars chính chủ LucasArts.

Trong thập niên 90, LucasArts tiếp tục cho ra mắt hàng loạt tựa game phiêu lưu đình đám như loạt game Monkey Island, loạt game Indiana Jones, Full Throttle (1995) , Day of the Tentacle (phần 2 của Maniac Mansion được ra mắt vào năm 1993) và Grim Fandango (1998).

Có nhiều ý kiến cho rằng chính những tựa game phiêu lưu của LucasArts đã khiến nhiều người quan tâm tới game hơn, nhờ đó mà ngành công nghiệp game đã phát triển mạnh mẽ tới bây giờ. Đây cũng là khoảng thời gian bùng nổ của thương hiệu Star Wars với hơn 20 tựa game được phát hành từ khi LucasArts lấy lại quyền sản xuất từ Atari vào năm 1991 tới hết năm 1999. 

Thập niên 90 có lẽ là khoảng thời gian rực rỡ nhất của LucasArts khi công ty liên tục ra mắt hàng loạt tựa game để đời. Trong bài tiếp theo, Mọt sẽ giới thiệu chi tiết hơn về những tựa game nổi bật của LucasArts trong thập niên 90, các bạn nhớ theo dõi nhé.

Còn tiếp…

Bạn đã đăng ký kênh Youtube của Kênh Tin Game chưa?!