Sẽ có những lúc game thủ nản lòng khi liên tục nằm xuống trước những con boss khủng trong Darksoul, Sekiro… hoặc gặp phải đồng đội toxic, phá game trong LMHT hay thậm chí tệ hơn là bị game thủ gian lận dùng hack đồ sát trong PUBG, Call of Duty… Tuy nhiên nếu chỉ vì những khó khăn và tiêu cực nhất thời mà game thủ đã sớm nản lòng thì họi cần chơi qua một tựa game nhập vai mà ở đó họ không có hướng dẫn, không có checkpoint, không thể giảm độ khó cũng như không có cơ chế hồi sinh. Tựa game đó chính là “cuộc đời” của bạn và thật sự tựa game này khó đến nhường nào? Hãy cùng Mọt Lang Thang tìm hiểu nhé.
Cuộc đời không có chế độ Dễ
Nếu game thủ không thể chịu nổi cảm giác bị boss tiêu diệt dễ dàng chỉ sau một đòn đánh để rồi chuyển sang chế độ mới dễ hơn là Normal hoặc Easy thì game thủ sẽ càng dễ bị choáng ngợp khi trở thành nhân vật chính bước chân vào thế giới mở hoành tráng của tựa game nhập vai mang tên Đời. Nói đơn giản thì cuộc Đời vốn không có chế độ dễ mà chỉ có chế độ cực khó mà thôi, đặc biệt cuộc đời của bạn dễ hay khó và diễn ra nhanh hay chậm đều hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của bạn.
Game thủ sẽ có nhiều lựa chọn khó khăn và chỉ cần một quyết định sai lầm cũng có thể khiến bạn hối hận không nguôi suốt quãng thời gian còn lại trong tựa game mang tên “Đời”. Ngoài ra Đời vốn không có khả năng hồi sinh đâu và game thủ cần cân nhắc nếu không muốn kết thúc game quá sớm trước khi tạo dựng được một cái kết viên mãn cho riêng mình.
Đời không có phần hướng dẫn và luyện tập
Đối với những tựa game siêu khó ít ra game thủ vẫn có cơ hội để luyện tập với chế độ phòng tập đi kèm với những lời hướng dẫn ngà ngọc từ nhà phát triển. Nhưng với Đời thì “Xin lỗi ở đây chúng tôi không làm thế! Chế độ hướng dẫn là cái gì?”, ban đầu game thủ sẽ được học một số kiến thức căn bản về thế giới ở trường lớp nhưng cũng sẽ có một số chọn bỏ qua. Điều này vốn là một trong số lựa chọn của game thủ nhưng nếu muốn thành công bắt buộc bạn phải chú ý lắng nghe và tiếp thu tích lũy kiến thức từ mọi thứ xung quanh, còn ngược lại thì hãy chuẩn bị tinh thần đẻ trải nghiệm game một cách kham khổ nhất.
Đời khó khăn là thế nên game thủ chơi tựa game nhập vai này thường có thuật ngữ “trải đời” thay vì khái niệm đánh quái farm đồ như bao tựa game nhập vai khác. Đặc biệt trải đời càng nhiều game thủ sẽ càng có thêm góc nhìn đa chiều khác nhau về nhân sinh và thế giới, thậm chí những kiến thức tự tích lũy này chính là Side Quest (nhiệm vụ phụ) giúp game thủ dễ dàng nhận biết và chọn con đường thành công nhất sau này.
Đời là tựa game thế giới mở lớn nhất
Dành cho những ai chưa biết thì trái đất mà chúng ta đang sống có diện tích hơn 510 triệu km2 và tùy vận tốc cùng phương tiện di chuyển có thể có người cả đời vẫn chưa đi và khám phá hết nửa vòng trái đất đấy nhé. Và nếu so với những tựa game thế giới mở hoành tráng nhất hiện nay thì rõ ràng những kỳ quan thế giới để Đời xứng đáng để trải nghiệm và khám phá hơn bao giờ hết.
Khác với những thế giới rộng lớn như The Witcher, Skyrim… Đời phiêu lưu là thế nhưng game thủ sẽ chẳng thể nào sử dụng được chức năng dịch chuyển nhanh hoặc teleport để đến mục tiêu ngay lập tức mà phải chọn lựa cân nhắc giữa những phương tiện di chuyển như xe cộ, máy bay, tàu thủy… Vô hình chung chính sự đa dạng này lại đem đến những trải nghiệm khác nhau như ngắm cảnh, giải trí hoặc những kỳ ngộ bất ngờ trên hành trình của game thủ.
Đời là tựa game tốn nhiều thời gian “phá đảo” nhất
Trung bình với một tựa game nhập vai thế giới mở, game thủ sẽ mất ít nhất 40h để hội kiến trùm cuối và “phá đảo” game tuy nhiên với Đời thì game sẽ cần nhiều thời gian hơn để cảm nhận và hòa mình vào thế giới đầy bất ngờ này. Thậm chí chỉ tính sơ sơ giai đoạn khởi đầu thôi thì game thủ đã mất ít nhất 1 năm để tập nói và khoảng 3 năm sau đó để tập di chuyển trên hai chân rồi.
Tiêu tốn thời gian là thế nhưng game thủ cần biết rằng, mỗi giây phút mà chúng ta nhập vai vào Đời chính là những khoảnh khắc đáng quý nhất với các cung bậc cảm xúc khác nhau. Do đó thay vì mãi suy nghĩ đến việc gian lận để vượt qua những người chơi khác hòng tìm kiếm chỗ đứng tốt hơn trong xã hội thì đôi lúc game thủ cần một khoảng lặng để tự ngẫm lại quãng thời gian phiêu lưu của mình. Liệu nó có thật sự đáng hay không? Và bạn còn mong ước khát khao nào chưa thể làm được hay không?
Đời có vô số biến mà trải qua rồi mới biết đâu là đúng sai
Ngay từ khi mở mắt chào đời, game thủ đồng thời khởi động cuộc phiêu lưu của riêng mình cùng với vô số người chơi khác. Mặc dù xuất phát điểm khác nhau, có người sinh ra trong nhung lụa cũng có người sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn nhưng khó khăn, thử thách mà Đời đem đến hầu như đều như nhau. Dù sang hay nghèo mỗi lựa chọn của game thủ đều có thể đưa họ đến đỉnh cao danh vọng hoặc vực sâu tuyệt vọng khôn cùng.
Dễ liên tưởng nhất chính là tựa game Detroit: Become Human chính là một cuộc Đời thu nhỏ và mỗi một lựa chọn của game thủ đều là “nhân” để thu lại “quả” sau này.
Lời kết
Thực chất game cũng giống như một xã hội thu nhỏ có người ngày người khác nhưng hãy tưởng tượng nếu chỉ vì muốn vượt trội hơn người khác hoặc đơn giản chỉ là nản lòng mà tìm đến những phương pháp gian lận thì liệu game thủ có đủ lòng tin và thực lức để bước vào sân chơi lớn mang tên Đời sau khi nhấn nút shutdown máy tính hay không? Đó là chưa kể trong tựa game nhập vai mang tên Đời này game thủ không thể dùng cheat hoặc những phương pháp gian lận nếu không muốn nhận cái kết thê thảm ảnh hưởng khoảng thời gian còn lại trong game.