Vào tháng 11/2020, cộng đồng game thủ bất ngờ trước thông tin Maurice “F3ro” Henriquez, game thủ chuyên nghiệp trong tựa game Call of Duty qua đời ở tuổi 21. Trong thông báo, đội tuyển Florida Mutineers của F3ro cho biết anh qua đời sau nhiều cơn đau tim.
Tháng 6/2020 Jian “Uzi” Zihao – tuyển thủ chuyên nghiệp LMHT tuyên bố giải nghệ ở tuổi 23. Uzi cho biết mình không còn chịu nổi những áp lực và ảnh hưởng tới sức khỏe từ nghề game.
Tháng 12/2019, Maria “Remilia” Creveling, nữ streamer và cựu game thủ Liên Minh Huyền Thoại chuyên nghiệp đột ngột qua đời tại nhà riêng ở tuổi 24. Năm 2016, Remilia chia sẻ ý định giải nghệ sau chuỗi thành tích bết bát khiến cô nhận nhiều chỉ trích, đồng thời áp lực vì đời tư bị soi mói quá mức.
Tháng 4/2015, Kiệt Japan – tuyển thủ LMHT, hỗ trợ của Saigon Royal qua đời vì đột quỵ.
Faker – tuyển thủ LMHT vĩ đại nhất mọi thời đại chia sẻ hình ảnh các ngón tay biến dạng, cong vòng vì tập luyện quá nhiều. Anh phải áp dụng lịch trình trị liệu cân bằng tâm lý mỗi tuần một lần, kéo dài trong nhiều năm trời.
Và rất nhiều câu chuyện đáng tiếc khác đã xảy ra trên quãng đường đi tìm ánh hào quang của các game thủ chuyên nghiệp.
Có thể bạn muốn xem: Những thần đồng nhí với đôi tay vàng trong làng Esports thế giới
Áp lực của giới game thủ chuyên nghiệp không còn là câu chuyện quá xa lạ. Không chỉ gặp những vấn đề sức khỏe, nhiều game thủ còn có thể mắc bệnh tâm lý sau quá trình luyện tập, thi đấu nhiều năm liền. Nhưng dù là một trong những ngành khắc nghiệt nhất, cạnh tranh gay gắt nhất, đây vẫn là lựa chọn của rất nhiều người trẻ hiện nay và họ sẵn sàng đánh đổi sức khoẻ, thậm chí mạng sống của mình để đáp ứng được tham vọng đỉnh cao, khẳng định cái tôi và hơn hết là mưu sinh.
Tuổi nghề quá ngắn của những game thủ chuyên nghiệp khiến cho áp lực đầu tư để phát triển bản thân lớn hơn nhiều so với những nghề nghiệp khác. Họ bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp từ tuổi thiếu niên, và chơi game cả trăm giờ mỗi tuần, để rồi giải nghệ khi bước vào thời gian mà những người bình thường chập chững xây dựng cơ nghiệp của riêng mình.
Nhưng họ vẫn chọn ngành này, bởi sự lan tỏa của những giải đấu game có quy mô thế giới khiến cho game thủ trở thành một trong những nghề hấp dẫn, có nhiều người hâm mộ nhất.
Những giải thưởng trị giá hàng chục triệu USD còn đi kèm với sự nổi tiếng. Từ một cậu bé chơi game trong phòng ngủ, những game thủ hàng đầu có thể thành thần tượng của hàng triệu người xem. Điều đó khiến người hâm mộ nhiều khi quên mất rằng game thủ cũng là con người. Họ áp đặt lên các game thủ chuyên nghiệp những sự kỳ vọng, và đôi lúc, sự kỳ vọng đó dâng lên thành một áp lực, một gông cùm đeo bám trong tâm trí họ, để rồi cắm những tổn thương tâm lý vô hình lên họ.
“Người hâm mộ muốn bạn chơi game toàn thời gian để thoả mãn cho sự tò mò và ham muốn gặp gỡ thần tượng của họ” – Dennis “Thresh” Fong – cựu tuyển thủ đời đầu và là CEO – Co-Founder của GGWP chia sẻ. Anh cũng cho biết áp lực của nghề này khiến game thủ rất ngại tìm kiếm người yêu và thậm chí là “sợ” nghỉ ngơi.
Người hâm mộ vẫn thường quan niệm rằng, việc chơi thật nhiều chứng tỏ được sự nỗ lực của các game thủ, và việc họ chơi liên tục, chơi nhiều sẽ giúp cải thiện kỹ năng của họ, là một điều đáng tự hào.
“Trong thể thao điện tử, người ta tin rằng nếu cố gắng và chơi nhiều hơn, họ chắc chắn sẽ chơi tốt lên”, Doug Gardner, nhà tư vấn tâm lý và giám đốc hiệu suất của game Immortals chia sẻ.
“Họ vẫn sẽ tới đây và chơi, đó là lúc tôi thấy họ giống như đã mất trí. Họ cứ chơi liên tục và chờ đợi kết quả sẽ khác đi”, ông Gardner chia sẻ về nhiều trường hợp game thủ kiệt sức, hốc hác nhưng vẫn không dừng lại.
Sự kỳ vọng đã khiến người hâm mộ cho mình quyền tước đi thời gian nghỉ ngơi của các game thủ, dồn họ vào một con đường chỉ biết cắm đầu chơi game và luyện tập, vùi mình trong bốn bức tường của Gaming House và tách biệt với thế giới bên ngoài vì hai chữ “phong độ”.
Người hâm mộ đã quên đi game thủ vẫn là con người. Họkhông còn nhìn thấy được sự hy sinh, áp lực và sợ hãi khi các game thủ chu yên nghiệp thi đấu không tốt. Họ chỉ trích, mạt sát và đe doạ thay vì động viên và thông cảm.
Người hâm mộ, ở một khía cạnh nào đó đã là người lan truyền bệnh vô cảm, biến các game thủ chuyên nghiệp trở thành các Xác Sống chỉ biết luyện tập, thi đấu và giành lấy chiến thắng bằng bất cứ giá nào, dù họ phải hy sinh bằng sức khoẻ, gia đình bạn bè, thậm chí là cả mạng sống.
Và khi không thể chịu nổi những áp lực đang dày vò, các game thủ chọn cách giải nghệ. Họ không có cơ hội để trở lại, càng không có được sự động viên sau quãng thời gian sa sút phong độ. Đọng lại sau những gì họ cống hiến chỉ là sự chì chiết và bị tống cổ đi như một món hàng hết date.
Sự huỷ diệt đó càng trở nên mạnh mẽ hơn nữa khi việc áp dụng trị liệu tâm lý cho game thủ chuyên nghiệp vẫn chưa được quan tâm nhiều, dù rằng những vấn đề tâm lý mà game thủ đối mặt rất phức tạp: từ cảm giác lo lắng, sợ thất bại tới căng thẳng làm giảm khả năng giao tiếp.
Và nếu như cúp vô địch là thứ mà ai cũng biết rằng tất cả các game thủ luôn khát khao, vẫn còn một điều mà họ luôn muốn người hâm mộ thấu hiểu: Họ cần được nghỉ ngơi, cần được ổn định tâm lý, họ muốn được coi là một con người.