Có một điều mà chúng ta không thể phủ nhận: năm 2017 là một năm phi thường của ngành công nghiệp game. Số lượng trò chơi được phát hành cực lớn và không thiếu những sản phẩm đỉnh cao. Cỗ máy Nintendo Switch từng khiến nhiều người nghi ngờ hóa ra lại là một thành công lớn, trở thành sản phẩm công nghệ hàng đầu trong năm nay.
Ngoài ý tưởng thiết kế độc đáo, các trò chơi như Breath of the Wild và Super Mario Odyssey cũng góp phần biến Switch thành một cú hit cháy hàng liên tục. Ngoài ra, các nhà phát triển nổi tiếng cũng có màn trở lại ngoạn mục như Ubisoft với Assassin’s Creed Origins, Mario + Rabbids hay Platium Games với Nier: Automata; Guerrilla Games với Horizon Zero Dawn. Tất nhiên, không thể bỏ qua bom tấn PUBG đến từ một nhà phát triển vốn chẳng mấy tên tuổi như Brendan Greene.
Nhưng điều này lại không đúng với EA,” con cừu đen” trong ngành công nghiệp game 2017.
Năm 2017 của EA là giai đoạn khác hẳn hoàn toàn với những đồng nghiệp khác. Đây là một năm đầy những quyết định gây tranh cãi của công ty, những màn quảng bá PR thảm họa, các sản phẩm liên tiếp gây thất vọng, .v.v.. Với việc năm cũ sắp kết thúc, chúng ta hãy cùng điểm lại những thứ mà EA đã mang đến và gây không ít thất vọng, lẫn sự phẫn nộ đến cộng đồng.
Mass Effect: Andromeda
Tuy không đến mức thảm họa hay “không thể chơi được”, Andromeda vẫn là một trong những trò chơi gây thất vọng nhất trong năm do EA phát hành. Có thể bạn đã không ít lần bắt gặp những bức ảnh chế, những video giễu cợt cử động kỳ quặc trên khuôn mặt của các nhân vật được cộng đồng game thủ chia sẻ tràn lan trên các diễn đàn. Bên cạnh đó, các lỗi vụn vặt cùng lối chơi không mang lại nhiều cách tân hay đổi mới cũng góp phần khiến người chơi ngoảnh mặt.
Sau màn trình diễn đỉnh cao và được ca ngợi là một trong những thương hiệu trò chơi đỉnh nhất của thế hệ console đời trước, thật đáng buồn khi thấy sự ra đời của Mass Effect Andromeda lại là một bước thụt lùi nữa của Bioware.
Rõ ràng, Bioware đang ngày một đi xuống dưới triều đại EA và các fan hâm mộ có quyền nghi ngờ về số phận của nhà sản xuất này trong tương lai.
FIFA 18 phiên bản Switch
FIFA 18 thật sự không nhận được nhiều cảm tình trên Switch. Lý do rất đơn giản: phiên bản Switch của FIFA 18 là phiên bản kém ấn tượng nhất và, quan trọng hơn cả, là có ít nội dung nhất trong các bản port. Không hiểu vì sao với việc thiếu vắng nhiều chế độ chơi, Career Mode và FUT lỗi thời, cũng như chẳng cho phép chơi online, nhưng nó vẫn đang được bán với giá 60 USD. Thế nên cũng không quá bất ngờ khi cộng đồng lên tiếng chỉ trích sự tham lam của EA.
Đóng cửa Visceral
Đây là điều mà rất nhiều game thủ đã lo ngại suốt nhiều năm và đáng buồn thay, nó đã trở thành sự thật. Vào tháng mười vừa qua, EA đã quyết định đóng cửa hãng Visceral, công ty đã sáng tạo ra series Dead Space nổi tiếng.
Sự sụp đổ của Visceral là điều không thể tránh khỏi. Dấu hiệu đã bắt đầu manh nha sau khi Dead Space 3 nhận được những phản hồi thiếu tích cực từ phía các chuyên gia, doanh thu của trò chơi cũng không đạt được như kỳ vọng. Ngoài ra, nó còn bị cộng đồng thù ghét do tích hợp một loạt các giao dịch microtransaction để moi tiền người chơi, theo chỉ thị từ các nhân vật cấp cao tại văn phòng chính của EA.
Visceral đã bị hạ cấp từ nhóm nhà phát triển hàng đầu tại EA và được giao phát triển Battlefield Hardline – một tựa game kém chất lượng khác. Kết cục giải thể của Visceral rất đáng buốn, nhưng không hề gây sốc với những ai thường xuyên theo dõi tin tức. Song song đó, chúng ta cũng phải nói lời tạm biệt với dự án Star Wars của Amy Hennig.
Thâu tóm Respawn
Tin tức về việc EA mua lại nhà phát triển Titanfall – Respawn – đã tràn ngập các diễn đàn “chế ảnh” quốc tế chỉ vài ngày sau khi tuyên bố đóng cửa của Visceral. Phản ứng dữ dội của fan là vô cùng khốc liệt, vì các quyết định tiếp thị kém cỏi của EA đã dẫn đến việc Titanfall 2, một trong những game bắn súng hay nhất của thế hệ này (và không có hệ thống season pass), hoạt động kém hiệu quả về mặt thương mại.
Người viết hy vọng mình sẽ sai, nhưng các dấu hiệu cho thấy Respawn sắp sửa trở thành nạn nhân tiếp theo trong xu hướng thâu tóm/đóng cửa hàng loạt studio của EA trong những năm qua thực sự không thể phủ nhận.
Need for Speed: Payback
Một sản phẩm khác cực đáng thất vọng trong năm 2017 do EA xuất bản là Need For Speed: Payback. Mở màn với những đoạn clip quảng bá hoành tráng như một siêu phẩm hành động đến từ Hollywood và sự kết hợp thêm nhiều tính năng của các series game đua xe khác, Payback đã làm không ít fan hâm một háo hức chờ đợi.
Ấy thế mà, hóa ra đó chỉ là một trò chơi đầy rẫy những vấn đề về kỹ thuật, không thể tìm ra bản sắc của chính mình do vay mượn quá nhiều ý tưởng (không biết đây là Need For Speed, hay Forza Horizon, Burnout hoặc thậm chí bản game ăn theo Fast & Furious nữa). Nhưng điều khiến cộng đồng giận dữ nhất chính là tính năng microtransaction được tích hợp tràn lan vô tội vạ trong đó và trò chơi sẽ tìm cách buộc bạn phải chi tiền, nếu không muốn bỏ công cày cuốc cả mấy ngày trời để được trải nghiệm một chiếc xe hay vòng đua mới.
Hiện tại, EA đã tung ra những bản patch để giảm bớt độ “hút máu” của trò chơi, nhưng mọi người vẫn cảm thấy chưa hả giận.
Star Wars Battlefront II
Hệ thống tiến triển, các hộp quà loot box và những màn quảng cáo thảm họa của Star Wars Battlefront II là ba trong số những vấn đề được thảo luận và gây tranh cãi nhiều nhất vào năm 2017. Cuộc tranh cãi trở nên nóng đến mức khiến cho các tờ báo chính thống như New York Times và Forbes cũng phải bỏ công đưa ra các bài viết phân tích về vụ việc. Thậm chí, các chính trị gia cũng không bỏ qua vụ việc này và đang bàn cãi xem có nên cấm luôn việc tích hợp các hộp quà loot box trong game hay không.
Câu trả lời mang tính bào chữa của EA đã nhận được nhiều lượt downvote nhất (với âm 672 nghìn điểm) trong lịch sử Reddit. Chính Disney cũng phải ra tay can thiệp để tránh ảnh hưởng đến giá trị của thương hiệu Star Wars. Giá cổ phiếu của EA sau đó đã giảm đáng kể.
Tóm lại, đây là vụ scandal lớn nhất trong năm, làm ảnh hưởng đến cả ngành công nghiệp, cũng như góp phần khiến hình ảnh của EA thêm xấu trong mắt cộng đồng.
The Sims 4
Đầy lỗi, đồ hoạ kém, điều khiển tồi tệ, và có hơn 3 gói DLC bổ sung nhân vật trị giá cả trăm USD được bày bán ngay tại thời điểm chính thức khởi động trên các cửa hàng Xbox Live lẫn PSN. Chưa đề cập đến việc EA rất hời hợt trong quá trình quảng bá và chỉ âm thầm ra mắt trò chơi cũng đủ thấy sự “quan tâm” của họ dành cho nó là lớn đến mức nào.
Đó là những gì mà chúng ta có thể thấy được trong các bài đánh giá dành cho phiên bản console của The Sims 4, thưa các quý bà và quý ông. Thế nên, hãy chuyển sang phiên bản PC, hoặc chơi lại The Sims 3 – một sản phẩm vượt trội hơn về mọi mặt.
Đây rõ ràng là một năm 2017 tồi tệ của EA. Hy vọng họ sẽ rút kinh nghiệm để có một năm 2018 tốt hơn, với sự ra mắt của các tựa game như Anthem, Fe hay A Way Out.
Theo waytoomanygames