Valve đã trở lại chiếm trọn spotlight trong mấy ngày qua nhưng không phải vì thông báo tin hot liên quan đến Half-Life: Alyx hay kính thực tế ảo Valve Index của hãng. Thay vào đó, ông chủ Steam có vẻ như đang phải đối mặt với lùm xùm tranh cãi tương tự như những gì mà Blizzard đã từng trải qua khi cấm game thủ Hearthstone “Blitchung” vì dám lên tiếng ủng hộ biểu tình Hong Kong ngay trên sóng livestream trực tiếp.
Theo trang Gizmodo, nhà phát triển của hai tựa game có liên quan đến biểu tình Hong Kong gần đây đã lên tiếng cáo buộc Valve cấm cửa game của họ trên Steam không phải do vi phạm chính sách kiểm duyệt của nền tảng mà chủ yếu là do các yếu tố chính trị. Hai trò chơi lần lượt có tên là “Liberate Hong Kong” (Giải phóng Hong Kong) và Karma (Nhân Quả) không được phê duyệt để có mặt trên Steam trong nhiều tháng trời mặc dù Valve tuyên bố quá trình này chỉ mất từ 3-5 ngày. Ngoài lý do “nội dung gây tranh cãi và có thể có nội dung bất hợp pháp” đáp trả lại khúc mắc của nhóm phát triển Karma, Valve không đưa ra bất cứ lời giải thích cụ thể nào về vấn đề này. Trong khi đó, nhóm phát triển “Liberate Hong Kong” quá “thất vọng và mất kiên nhẫn” với hành động của Valve. Trong bức tâm thư gửi cho hãng, nhóm lên tiếng cáo buộc Steam đang thực hiện một điều khoản kiểm duyệt vô lý để duy trì “một chế độ áp bức, đàn áp dân chủ, tự do và nhân quyền.” Họ “quan ngại sâu sắc trước tình huống này” và yêu cầu Valve phải đưa ra “lời giải thích chi tiết cho quá trình kiểm duyệt của mình.”
Theo như tuyên bố của Valve thì Karma có thể chứa “nội dung bất hợp pháp” nhưng không rõ nội dung cụ thể mà hãng này đề cập đến là gì. Được biết, Karma là game theo phong cách visual novel (game nhập vai sử dụng lời thoại để điều khiển nhân vật với đồ họa tĩnh) lấy cảm hứng từ “nỗi buồn và niềm đau” của người dân Hong Kong. Về mặt chính trị, nội dung gây tranh cãi là điều chắc chắn nhưng không có điều khoản nào trong chính sách kiểm duyệt của Steam cấm cửa game vì xung đột chính trị cả. Hơn nữa, không ít sản phẩm khiêu dâm và bạo lực cũng vô cùng gây tranh cãi vẫn được phát hành trên Steam như thường.
Tất nhiên, trong trường hợp Valve thực sự cấm những trò chơi này vì lý do chính trị thì cũng là điều không quá khó hiểu. Bởi thị trường Trung Quốc đại lục với tỷ dân này quả thực là một miếng bánh béo bở mà chẳng doanh nghiệp nào muốn bỏ qua. Còn nhớ vài tuần trước, nam ca sĩ Hàn Quốc nổi tiếng thế giới Choi Siwon chỉ vì like bài viết biểu tình Hong Kong mà đã bị người dân nước này tẩy chay. Mặc dù sau đó anh này có lên tiếng xin lỗi nhưng cư dân mạng Trung Quốc vẫn tỏ ra vô cùng giận dữ, thậm chí nhiều người còn đề nghị nam ca sĩ đừng bao giờ đến Trung Quốc hoạt động hay có ý định kiếm lợi từ đất nước tỷ dân. Quay trở lại câu chuyện của Valve thì hãng này chắc chắn cũng không muốn mất đi cơ hội kinh doanh kiếm lời từ Trung Quốc. Hiện Valve vẫn giữ im lặng trước những lời cáo buộc này.