Thâu đêm “phê” game

Bất chấp các quy định của pháp luật, nhiều cửa hàng game online “khủng” tại Hà Nội với số lượng từ 200 – hơn 500 máy/phòng vẫn hoạt động xuyên đêm, kéo theo đó là đủ thứ dịch vụ đi kèm hòng thỏa mãn nhu cầu các “thượng đế”.

Xuyên đêm và hơn thế…

Một góc cửa hàng game “Vikings Cyber Café” (Hà Nội) lúc 2h sáng 29.5.2018. Nguồn: Báo Lao Động
Một góc cửa hàng game “Vikings Cyber Café” (Hà Nội) lúc 2h sáng 29.5.2018. Nguồn: Báo Lao Động

Lương “cần” là 1 tay game thủ có tiếng ở khu vực Đống Đa (Hà Nội). Cộng đồng chơi game vẫn truyền tai nhau sự tích “cày” game xuyên 5 ngày đêm không cần nghỉ ngơi, ăn uống của Lương với sự ngưỡng mộ xen lẫn kinh sợ.

Sau khi chễm chệ trên đỉnh vinh quang với thứ hạng cao vút cùng những món đồ độc nhất vô nhị, những tưởng Lương sẽ chán game mà chuyên tâm vào đời thực, nhưng không, cậu chỉ đổi trò chơi nhưng thói quen vẫn giữ: “Cày” 24h/24h.

Để đáp ứng cho nhu cầu chơi liên tục của mình, Lương cùng nhóm bạn đã sẵn có trong túi một vài địa chỉ quen thuộc. Không chút ngại ngần, Lương đồng ý cho tôi theo cùng.

0 giờ 1 ngày trung tuần tháng 5.2018, tại quán game trên phố Khâm Thiên (Đống Đa) có tên Vyking Cyber Cafe, hầu hết 250 máy game đang sáng đèn. Nằm trọn vẹn trên tầng 5 của 1 tòa nhà cao tầng, với diện tích gần 1000 mét vuông, Viking Cyber Cafe được Lương “cần” quảng cáo là tổ hợp mạng game kết hợp không gian ăn uống sang trọng, tiện nghi hàng đầu thủ đô.

Ngoài khu vực chơi game được phân chia thành từng khu vực nhỏ hơn, quán có nhà bếp rộng rãi để phục vụ cho hàng trăm game thủ. Chúng tôi được nhân viên ở đây tư vấn gói “xuyên đêm” (từ 22h – 7h) với giá từ 30.000 đồng – 50.000 đồng tùy từng khu vực. Tôi chọn cho mình 1 vị trí khá thuận lợi rồi ngồi xuống, cố trải nghiệm một cách đầy đủ nhất cái thế giới không ngủ “đầy lạ kỳ” này.

Trải rộng trước mắt tôi lúc ấy, là hàng trăm game thủ mà phần đa phần còn khá trẻ, đang dán chặt mắt trước màn hình máy tính khổ lớn. Để tránh ảnh hưởng đến người khác, mỗi dàn máy tại đây đều được trang bị thêm tai nghe dạng chụp. Giữa những lối đi nhỏ hẹp, nhân viên quán chạy đi chạy lại, chủ yếu để phục vụ đồ ăn đêm cho các thượng đế.

2h sáng, vẫn là hình ảnh game thủ chật kín quán, tiếng gọi nhau í ới, cả gian phòng rộng khét lẹt mùi thuốc lá. Ngồi gần Lương “cần”, tôi bất giác khụt khịt khi 1 mùi ngai ngái rất đặc trưng từ đâu đó sộc thẳng lên mũi.

Thấy vậy, Lương vẫn thoăn thoắt tay phím tay chuột, cười cười: “Không có món này làm sao đủ sức “cày” xuyên đêm…”. Tôi vẫn chưa thể tin, Lương mau mắn trả lời: “Đó chính là mùi của cần sa”.

Để minh chứng, cậu trai chỉ tay về phía một số game thủ đang quấn các dúm sợi khô giống như thuốc lào vào giấy hút tại chỗ. Tại 1 khu vực khác cũng của phòng game này, PV được Lương cho biết, các game thủ đang hút cần sa trực tiếp từ điếu cày.

“Trông cứ tưởng thuốc lào, nhưng không phải đâu. Ngửi mùi là biết” – Lương sành sỏi giải thích thêm.

Trong vai 1 người chơi muốn mua cần sa để hút, chúng tôi tiếp cận 1 thanh niên trẻ được giới thiệu có “nhiều hàng”, tuy vậy, người này cho biết: “Chỉ có mấy điếu đủ hút cho đêm nay, không bán được”.

Một game thủ khác tỏ ra tốt bụng: “Anh chạy ra khu A của quán, bên ấy bọn nó hay hút, nó thừa thì bán cho”.

Khoảng 3 – 4h sáng, lượng người chơi đã vơi đi chút đỉnh nhưng vẫn còn hơn trăm game thủ trụ lại. Họ gọi nhau, cãi nhau, thậm chí chửi nhau ầm ĩ. Ở đây dường như không có khái niệm về màn đêm và những giấc ngủ. 6h sáng, do quá mệt mỏi, một số người mới gục luôn trước màn hình máy tính.

Nhiều ngày trong tháng 5.2018, tại Vyking Cyber Cafe, nhóm PV Báo Lao Động đã tận thấy mỗi đêm có hàng trăm game thủ đến chơi xuyên đêm. Nhân viên của quán khẳng định, quán hoạt động 24/24, không có giờ nghỉ.

Tại cơ sở 2 của hệ thống game này trên phố Nguyễn Tuân (Thanh Xuân), cũng là 1 cảnh tượng tương tự.

Hầm game… trong công viên

Game thủ ngủ gục tại 1 khu vực chơi trong cyzone game.
Game thủ ngủ gục tại 1 khu vực chơi trong Cyzone Game. Nguồn: Báo Lao động

Theo tìm hiểu của PV, Hà Nội hiện tại đã không còn chỗ cho những quán “game cỏ” chỉ vài chục máy như 5, 6 năm trở về trước. Theo xu thế chung, các quán game đã phát triển thành hệ thống lớn với từ hàng trăm máy tính/phòng game. Bên cạnh dàn máy tính cấu hình cao, kể cả hệ thống phòng ốc, bàn ghế… cũng được đầu tư “xịn” hơn, chau chuốt hơn nhằm đem lại sự thoải mái nhất cho người chơi.

Chính vì lẽ đó, để tối đa hóa doanh thu, nhiều chủ cơ sở lớn chọn phương án thả cửa giờ giấc, sẵn sàng phục vụ xuyên đêm như: Tổ hợp giải trí game – billard – café Pegasus (địa chỉ ngõ 165 Cầu Giấy), Cyzone Esport Center (số 1 Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng), Game Home (123 Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy).

Trong đó đáng lưu ý, Cyzone Esport Center lại tọa lạc ngay tại khu vực hầm rộng hàng ngàn mét vuông sâu bên trong công viên Tuổi Trẻ. Đây là nơi hoạt động của hơn 500 máy tính cấu hình cao được chia làm nhiều khu vực chơi, nghỉ ngơi và được mệnh danh là mạng game “khủng” nhất Hà Nội.

Có mặt tại đây trong nhiều ngày, PV Báo Lao Động đã tận thấy tình trạng hoạt động bất kể giờ giấc. Nhân viên của quán khẳng định: “Quán không có giờ nghỉ. Hoạt động 24/7”.

Trong múi giờ từ 11h đêm đến 7h sáng hôm sau, PV Báo Lao Động đã liên tục chứng kiến cảnh tượng hàng trăm thanh niên trẻ tuổi vùi mình trước màn hình máy tính. Nhiều người trong số họ là các sinh viên học tập tại các trường đại học quanh khu vực. Không ít người mang cả cặp lồng cơm ở nhà đi sẵn để ăn đêm tiếp sức.

Còn tại tổ hợp giải trí game – billard – café Pegasus, không chỉ hàng trăm máy game hoạt động xuyên đêm, hệ thống 20 bàn billard cũng được “thả cửa” 24/7. Quán Game Home nằm ngoài mặt đường Nguyễn Ngọc Vũ có hệ thống khoảng 250 máy tính. Khoảng 11h đêm, để tránh sự để ý từ bên ngoài, cánh cửa quán đóng kín lại. Tuy vậy, bên trong, hoạt động của các game thủ vẫn diễn ra hết sức nhọn nhịp.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hồ Văn Thắng – Trưởng Công an phường Thổ Quan (Đống Đa)- cho biết: “Quán Vikings Cyber Café nằm ở đối diện trụ sở công an phường Thổ Quan. Theo tôi được biết, quán này mới hoạt động thời gian gần đây, đã có thời điểm dừng hoạt động rồi lại hoạt động trở lại”.

Sau khi PV cung cấp thông tin về tình trạng hoạt động xuyên đêm và hút cần sa tại quán cũng như thời gian đi vào hoạt động của quán này là từ tháng 11.2016, vị Trưởng công an phường cho biết, sẽ sớm cho kiểm tra và xử lý nghiêm sai phạm (nếu có).

Tương tự, nhận được phản ánh của PV, lãnh đạo Uỷ ban phường và Công an các phường Thanh Nhàn (nơi Cyzone Esport Center hoạt động), Quan Hoa (nơi Tổ hợp giải trí game – billard – café Pegasus hoạt động) và Trung Hòa (nơi quán Game Home hoạt động) cho biết, sẽ sớm cho lực lượng kiểm tra và gửi thông tin phản hồi khi có kết quả.

Theo quy định tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP hoạt động của quán game được phép hoạt động trong khung thời gian quy định và không được hoạt động từ 22 giờ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quy định cấm giờ quán bar, Internet hiện nay rơi vào tình trạng “có cũng như không”.

Luật sư Quách Thành Lực – Công ty Luật Hà Nội Tinh hoa (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) – cho biết: “Nếu đã cấm đại lý Internet hoạt động sau giờ quy định thì phải làm quyết liệt, cơ sở kinh doanh ở phường nào vi phạm mà không bị xử lý thì chính quyền địa phương đó phải bị chế tài, xử lý kỷ luật. Không thể để tồn tại tâm lý coi thường pháp luật, lách luật từ phía các cá nhân, đơn vị kinh doanh.

Nếu những quy định không còn phù hợp hoặc trái với thực tiễn thì cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng 1 quy đúng mới phù hợp hơn…”

Theo báo Lao động