Trong thời gian gần đây, esport càng lúc càng nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng hơn. Không chỉ thu hút được lượng khán giả trẻ đông đảo trên khắp thế giới, esport đã bắt đầu đặt một chân trong những sự kiện thể thao chính thống, điển hình là tại Á Vận Hội Asiad 2018 vừa qua được tổ chức tại Indonesia. Dù chỉ được ghi nhận là môn thể thao thi đấu biểu diễn và không được tính vào bảng tổng sắp huy chương, thế nhưng đó cũng là điều vô cùng tích cực dành cho esport.
Được đánh giá là bộ môn đầy tiềm năng và sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai, thế nhưng sự kiện thể thao lớn nhất trên thế giới, Thế Vận Hội Olympic vẫn tuyên bố rằng còn lâu esport mới có cửa tại Olympic. Chính chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế, ông Thomas Bach, đã lên tiếng về việc không chấp nhận việc đưa các môn esport vào tới sự kiện thể thao này. Theo ông Bach, việc chương trình Olympic mà lại có những môn cổ súy bạo lực hay kỳ thị là rất vô lý. Hầu hết các môn esport đều liên quan tới việc chém giết, triệt hạ đối thủ. Từ phương diện của nhà tổ chức, những bộ môn này trái ngược với những giá trị của Olympic và không thể nào được chấp nhận.
Trước thông tin này, nhiều người đã có phản ứng rằng, Olympic cũng tồn tại rất nhiều môn thể thao chiến đấu đối kháng, chẳng hạn như các môn đấu võ hay đấm bốc. Bản thân ông Bach là một nhà vô địch ở bộ môn đấu kiếm, và chắc chắn ông biết rằng đấm bốc cũng là một bộ môn tiêu chuẩn tại Olympic. Theo ông Bach, các bộ môn thể thao chiến đấu kia vẫn được đặt trong tầm kiểm soát ở một chừng mực nào đó, qua đó sẽ không có hoặc hạn chế tối đa các tai nạn hay thương vong. Còn với esport, dù là ảo đi nữa thì việc “giết nguời” là điều chưa được chấp nhận ở thời điểm này.
Có thể nói rằng, việc esport được gia nhập các đại hội thể thao lớn như Olympic xem ra vẫn còn rất xa xôi và chưa thể trở thành hiện thực trong tương lai gần được. Tuy nhiên, các fan của thể thao điện tử vẫn không phải quá buồn và quá quan tâm đến Thế Vận Hội làm gì, bởi vì thể thao điện tử vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Với việc những sự kiện thể thao điện tử lớn như The International, World Championship hay World Electronic Sports Games liên tục được tổ chức đều đặn hàng năm, esport có lẽ không quá cần thiết phải “nhập hội” với thể thao truyền thống làm gì cho mệt cả.