Zeri của Liên Minh Huyền Thoại hay Yue của Liên Quân Mobile, những vị tướng mới ra mắt trong hai tựa game hàng đầu của Tencent đang được đánh giá là quá mạnh so với phần còn lại. Có hay không bàn tay của công ty này để tối ưu hóa nguồn thu?
Câu chuyện của Zeri – Tia Chớp Thành Zaun
Ngày 25/01 vừa qua, vị tướng thứ 158 trong tựa game Liên Minh Huyền Thoại đã được ra mắt chính thức tại Việt Nam. Không mất quá nhiều thời gian, cộng động người chơi đã cảm nhận được sức mạnh quá khác biệt của cô nàng xạ thủ có khả năng gây sát thương phép cực kỳ khủng khiếp.
Zeri nhanh chóng trở thành cơn ác mộng ở cả đấu xếp hạng lẫn các giải đấu chuyên nghiệp. Như XEMGAME đã đưa tin, chỉ trong tuần thi đấu đầu tiên của giải LMHT Bắc Mỹ – LCS mùa Xuân 2022, Zeri đã góp mặt trong tất cả 10 trận đấu. Trong đó, vị tướng này bị cấm tới 8 lần và có 2 lần được lựa chọn. Đây là thông số cho thấy Xạ Thủ mới của LMHT đang có độ nguy hiểm rất cao ngay trong phiên bản 12.2 này.
Xạ Thủ Danny của Evil Geniuses đã có màn trình diễn Zeri vô cùng ấn tượng ngay trận mở màn, đặc biệt là một pha Pentakill mẫu mực mang về chiến thắng chung cuộc cho đội tuyển này. Chính màn thể hiện này của Danny mà các đội còn lại đã không để hở ra Tia Chớp Thành Zaun trong hầu hết các trận đấu còn lại, và tất nhiên là buộc phải cấm ngay ở lượt đầu tiên. Rõ ràng, sức mạnh của Zeri đang thực sự ở mức khó kiểm soát vào thời điểm hiện tại.
Đến câu chuyện của Yue – Ngọc Phiến Công Chúa của Vương Quốc Rồng
Vị tướng thứ 111 của Liên Quân Mobile ra mắt cùng ngày với Zeri, và cô cũng đang trở thành cơn ác mộng với các game thủ của tựa game có nhiều người chơi nhất Việt Nam.
Khả năng sốc damage từ xa của cô nàng pháp sư thậm chí bị xem là “lỗi game” khi chỉ cần 1 combo trúng đích có thể đoạt mạng bất cứ vị tướng nào hay thậm chí là quét sạch cả team địch khi chiêu thức có khả năng xuyên qua tất cả các mục tiêu đã dính đòn trước đó.
Không thiếu những clip highlight mà ở đó Yue hô biến 2 đến 3 tướng đối phương chỉ trong vòng 1 giây. Tuy khá yếu ớt khi đối đầu các vị tướng có khả năng xông thẳng vào ám toán, nhưng trong giao tranh tổng, chỉ cần đứng từ xa spam skill thôi cũng đã khiến đối thủ vô cùng đau đầu. Áp lực mà Yue tạo ra là không thể phủ nhận.
Chiêu trò tăng doanh thu của Tencent?
Luận điểm đó càng được củng cố hơn vì trước khi ra mắt, các vị tướng mới đã được đánh giá tương quan sức mạnh so với các vị tướng đã có sẵn trước đó tại Máy Chủ Thử Nghiệm. Nếu muốn, Tencent hoàn toàn có thể nerf đi sức mạnh của những vị tướng này trước khi đưa vào phiên bản chính thức. Trừ khi có một lý do nào đó khiến họ muốn “tướng mới” của mình phải luôn là “tướng mạnh”.
Điều này không hề mới mẻ khi tình trạng tương tự cũng đã diễn ra vào thời điểm mà Tencent cho ra mắt Iggy và Bright trong Liên Quân Mobile hay Vex – vị tướng ra mắt ngay trước Zeri – trong Liên Minh Huyền Thoại. Điểm chung của các vị tướng này là được đánh giá quá mạnh trong thời điểm ra mắt. Chỉ đến khi cộng đồng lên tiếng phản ứng, Tencent và các công ty con của mình mới có động thái cân bằng.
Tình trạng trên đặt ra một nghi vấn đối với tập đoàn lớn thứ 5 toàn cầu – Tencent liệu có đang tạo hiệu ứng để tăng doanh thu từ việc bán tướng mới?
Liên Minh Huyền Thoại và Liên Quân Mobile là những tựa game esports, nơi mà thắng thua được quyết định bởi kỹ năng. Vậy doanh thu của nhà phát hành đến từ đâu? Đầu tiên phải kể đến việc bán trang phục, mà XEMGAME đã có bài viết trước đó về vấn đề tăng sức mạnh tướng có trang phục mới để bán được nhiều hơn.
Có thể bạn muốn xem thêm : Dự báo 5 hướng phát triển của game mobile trên toàn cầu năm 2022
Tiếp đến phải nói đến nguồn thu từ việc bán các vị tướng.
Đương nhiên bạn hoàn toàn có thể mua bằng tiền tệ kiếm được trong game, như “vàng” trong Liên Quân Mobile hay “tinh hoa lam” trong Liên Minh Huyền Thoại. Tuy nhiên để “cày” được một số lượng tiền tệ đủ để mua một vị tướng không phải là điều đơn giản.
Do đó, có một cách để người chơi nhanh chóng có được vị tướng vừa mới vừa mạnh, thỏa mãn cảm giác đi trước người khác một bước. Đó là mua bằng tiền mặt thông qua Quân Huy (Liên Quân Mobile) và RP (Liên Minh Huyền Thoại), và khi đó tiền sẽ đổ vào túi nhà phát hành.
Dẫu vẫn còn khá mập mờ, nhưng với tình trạng lặp đi lặp lại “tướng mới auto mạnh” trong các tựa game của Tencent, đã khiến cộng đồng game thủ đặt ra nghi vấn việc nhà phát hành tìm cách tăng doanh thu từ người chơi thông qua cơ chế cân bằng tướng.