Khi cộng đồng Valorant trên toàn thế giới đang chuẩn bị cho VCT LOCK//IN, giải đấu đầu tiên của hình thức nhượng quyền thương mại, nhiều người chơi đang đứng trước cơ hội góp mặt tại sân khấu lớn nhất.
Xuyên suốt hai năm qua, một trong những cuộc cạnh tranh lớn nhất trong đấu trường Valorant là sự phân chia khu vực giữa Bắc Mỹ, EMEA và Brazil. Những người hâm mộ cuồng nhiệt của một số khu vực nhất định đã nói rõ rằng các tuyển thủ và đội tuyển tương ứng cho khu vực của họ là những người giỏi nhất, từ những tiếng hô vang lớn ở Berlin và Istanbul cho đến những trận chiến cam go trên Twitter.
Nhưng khi những đội tuyển từ các khu vực khác bước ra ánh sáng vào năm ngoái, họ đã gây chú ý và để lại ấn tượng sâu sắc cho toàn thể cộng đồng với những màn trình diễn tuyệt vời. Vào cuối năm 2022, chúng ta có thể nói rằng rõ ràng Valorant không còn là trò chơi chỉ được thống trị bởi một khu vực.
Và giờ đây, sau kỳ off-season đầy hỗn loạn, nhiều người chơi đã tìm thấy bến đỗ cho mình ở một khu vực thuộc mô hình VCT trước đó đã chuyển sang các đội mới ở phía đối diện của thế giới. Trước thềm LOCK//IN, Riot đã nói rõ tầm nhìn của họ về Valorant Esports là toàn cầu ở nhiều cấp độ, bao gồm cả việc hỗ trợ các đội và người chơi có kết nối với nhiều khu vực.
John Needham, Chủ tịch mảng Esports của Riot cho biết: "Chúng tôi rất ủng hộ các đội của mình muốn thiết lập người hâm mộ ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Tôi nghĩ rằng khán giả của chúng tôi, khi họ xem các đội tuyển này sẽ không bị bản địa hóa như trong các môn thể thao truyền thống. Họ là người hâm mộ của các tuyển thủ, người hâm mộ của các đội bất kể các đội đó đến từ đâu."
Hai ví dụ về các đội tuyển thành công nhờ mô hình liên quan đến các tổ chức của họ có trụ sở tại nhiều quốc gia là Gen.G và T1. Cả hai tổ chức đều bắt đầu hành trình đến với Valorant của họ ở Bắc Mỹ vào năm 2020 với đội hình bao gồm những người chơi đến từ Hoa Kỳ và Canada. Sau một chút thành công trong việc vượt qua các giải đấu Challengers khu vực Bắc Mỹ đầy khắc nghiệt, cả hai tổ chức đã quyết định chọn đăng ký nhượng quyền thương mại tại giải đấu Thái Bình Dương (Pacific).
Gen.G và T1 được biết đến với sự cạnh tranh của họ trong mảng LMHT ở Hàn Quốc, vì vậy việc chuyển đổi sang một bộ môn Esports khác của Riot có vẻ như là một tiến trình tự nhiên. Cần phải biết rằng sự kình địch đó không tồn tại khi cả hai đội thi đấu Valorant ở Bắc Mỹ. Needham, người cũng giám sát mảng LMHT Esports tại Riot, cho biết anh ấy rất vui mừng về khả năng cuộc cạnh tranh đó sẽ tiếp tục: "Tất nhiên chúng tôi yêu thích sự ganh đua giữa các đội tuyển và chúng tôi muốn tiếp tục phát triển dựa vào những câu chuyện đó. Thật tuyệt vời cho thể thao khi có hai đội muốn thi đấu với nhau với sự thù địch cần thiết."
Một số cuộc cạnh tranh bất ngờ khác đã nảy sinh từ những trận đấu giữa các khu vực vào năm 2022, bao gồm cả "sự thù địch" khét tiếng giữa OpTic vs LOUD khiến người hâm mộ đứng ngồi không yên. Mục tiêu là để nhiều sự cạnh tranh và các câu chuyện bên lề liên quan đến nó xuất hiện, cả trong từng khu vực lẫn đấu trường quốc tế. Để làm được điều đó, VCT rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng ở mọi miền trên thế giới.
"Chúng tôi tin rằng với các đội hợp tác tuyệt vời, các luồng phát sóng trực tiếp, các đối tác thực hiện đồng phát trực tuyến (co-streaming) và thực sự dựa vào concept đa ngôn ngữ được sản xuất với cường độ cao, chúng tôi có thể có một giải đấu đại diện cho nhiều hơn một thành phố hoặc một khu vực hoặc một quốc gia", Whalen Rozelle, COO Esports của Riot cho biết.
Một phần quan trọng khác trong việc làm cho Valorant trở nên toàn cầu hơn là mở rộng và hỗ trợ các khu vực trên thế giới chưa có cơ hội tỏa sáng trên trường quốc tế. Đối với LOCK//IN, VCT đã mời hai đội đến từ Trung Quốc là Edward Gaming và FunPlus Phoenix. Các đội này không chính thức là một phần của giải đấu VCT Thái Bình Dương, nhưng sau khi Valorant được cấp phép gần đây ở Trung Quốc, Riot rất mong muốn hỗ trợ cộng đồng ở khu vực này phát triển. Thậm chí đã có cuộc nói chuyện về một giải đấu xuất hiện ở Trung Quốc để hỗ trợ văn hóa chơi game mạnh mẽ vốn đã tồn tại ở nơi đây từ rất lâu.
Ngoài việc cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho các đội Trung Quốc này, Riot đã chính thức bổ sung nguồn cấp dữ liệu phát sóng bằng tiếng Quan Thoại vào phạm vi phủ sóng LOCK//IN của mình. Hiện đã có các chương trình phát sóng bằng nhiều ngôn ngữ về các đội khác nhau, cũng như các chương trình phát trực tuyến hợp tác chính thức trên Twitch nơi người hâm mộ trên khắp thế giới có thể tìm thấy cộng đồng của họ.
Những thứ như hỗ trợ phát sóng và đồng phát bằng nhiều ngôn ngữ hơn chỉ là những bước nhỏ, như Rozelle đã nói, điều đó sẽ tạo nên một môi trường toàn cầu hỗ trợ nhiều hơn cho Valorant Esports. Trong khi đó, Needham không hề giấu diếm tham vọng đưa Valorant vươn lên trở thành tựa game FPS số một trong làng Esports thế giới.