Olympic có thể xem là đỉnh cao của 1 vận động viên thể thao. Bởi lẽ, nếu trong các cuộc thi bình thường, việc tranh giành huy chương hay danh hiệu đã là vô cùng khó, thì tại Olympic, mọi thứ càng khó khăn hơn gấp bội phần. Không chỉ đến từ chính cuộc thi đấu giữa các đấu thủ mà còn là những yếu tố tác động khác, cả về mặt chủ quan lẫn khách quan.
Và không phải môn thể thao nào cũng có cơ hội xuất hiện trong sự kiện Olympic. Bởi lẽ, Ủy ban Olympic có những quy định riêng biệt để 1 môn thể thao có tư cách trở thành 1 bộ môn tranh huy chương tại sự kiện này. Do đó, việc Esports trở thành một môn tranh tài tại Thế vận hội là ước mơ của tất cả tuyển thủ thể thao điện tử toàn thế giới. Nhưng điều này cho đến giờ vẫn là chưa có kết quả. Lý do là vì ngay cả trong điều kiện bình thường, Esports cũng chưa được xem như 1 môn thể thao chính quy hẳn hoi. Nhưng giả sử, nếu Esports có thể được tranh tài tại Olympic, các quốc gia sẽ mang đến đội hình như thế nào?
Cách đây ít lâu, cộng đồng LMHT quốc tế đã tổ chức một cuộc bầu chọn vui trong trường hợp LMHT được chọn tham dự Olympic, thì các quốc gia sẽ mang đến đội hình như thế nào. Và kết quả hầu hết đều có nhiều sự tranh cãi. Đầu tiên là ngay tại vị trí của đội tuyển Trung Quốc và Hàn Quốc. Bởi vì thời điểm bình chọn là giữa Mùa Xuân 2022, nên có thể thấy, có sự góp mặt của Light, Weiwei (Trung Quốc) và TheShy, Rookie (Hàn Quốc). Đây đều là những tuyển thủ đã thể hiện rất tốt ở giai đoạn đó. Còn trong đội hình tuyển Hàn Quốc, thì Faker thậm chí vắng mặt – điều gần như chắc chắn không bao giờ xảy ra trừ khi thời điểm đó Faker đã giải nghệ hoặc tụt phong độ đến mức không thi đấu được nữa.
Ở đội hình dự đoán của tuyển Việt Nam nếu tham gia Olympic, lại có sự góp mặt của Gloryy thay cho Kati và điều này cũng rất bất hợp lý. Bởi lẽ, Kati tuy không phải tuyển thủ gắn liền với những pha highlight như Levi, Kiaya hay Sty1e nhưng anh lại là 1 trong những cái tên thường lên tiếng ở những trận đấu quan trọng và phong độ của Kati luôn ở mức ổn định. Việc thay Kati bằng Gloryy – tuyển thủ đã tỏ ra “đuối” ở giai đoạn cuối Mùa Xuân vừa qua thì hoàn toàn không hợp lý chút nào.
Ngoài ra, còn có 1 đội hình các streamer cũng được tính đến và chắc chắn điều này lại càng không thể xảy ra. Không thể phủ nhận rằng những streamer được liệt kê đều là những người có kỹ năng cao nhưng chắc chắn khi thi đấu chuyên nghiệp thì họ không thể sánh bằng các tuyển thủ – vốn đã quen với bầu không khí và tác phong cũng như tâm lý khi thi đấu.
Dĩ nhiên, danh sách trên chỉ mang tính tham khảo… cho vui. Bởi lẽ, để Esports thực sự được công nhận như 1 môn thể thao chính quy còn là một chặng đường dài. Và từ đó cho đến lúc Ủy ban Olympic đưa Esports vào các nội dung tranh tài tại sự kiện này, thì có thể rất, rất nhiều cái tên ở trên đã đến tuổi phải… giải nghệ mất rồi.