Faker sẽ chơi nốt mùa giải này cho T1 hay sẽ lại gia hạn vào cuối năm?
T1 đã đem lại niềm vui và sự hy vọng lớn lao cho fan hâm mộ bằng việc gia hạn với đại đa số các tuyển thủ trong đội hình LMHT tới ít nhất là hết năm 2023. Đặc biệt có trường hợp của Oner, đi rừng giành MVP trận Chung kết LCK Mùa Xuân 2022 còn quyết định ở lại với tổ chức đến cuối mùa giải 2024. Nhưng tất cả những động thái trên vẫn chưa thể khiến fan thực sự yên lòng bởi người đội trưởng và cũng là biểu tượng tạo ra thương hiệu số một trong giới LMHT vẫn chưa quyết định tương lai.
Đội hình hiện tại của T1 đã hoàn thiện, ổn định và gắn kết từ cuối mùa giải năm ngoái. Đến nay, họ đã gặt hái được những kết quả lạc quan gồm vô địch LCK Mùa Hè 2022, Á quân LCK Mùa Xuân 2021, về nhì tại Mid-Season Invitational (MSI) và top 4 Chung kết Thế giới. Vậy tại sao Faker vẫn chưa chịu tái ký với T1 để cam kết mình vẫn sẽ đồng hành với lứa đàn em sinh năm 2003-2004?
Chế độ quân dịch bắt buộc tại Hàn Quốc bắt đầu áp dụng từ năm 1957 quy định tất cả công dân nam mang quốc tịch nước trong độ tuổi từ 18-35 này đều phải thi hành nghĩa vụ quân sự bình đẳng dù người đó là ai và xuất thân từ đâu.
Sau khi hoàn thành – từ 18 đến 22 tháng tùy đơn vị - các công dân sẽ được cấp “Giấy chứng nhận mình đã thực hiện nghĩa vụ quân sự”. Với tờ giấy này và có thời gian làm quân nhân thường sẽ được hưởng ưu tiên và được xã hội tôn trọng. Vì thế, các nam thanh niên Hàn Quốc thường chọn nhập ngũ trước hoặc sau khi làm việc lớn – như học đại học, thành thạo nghề, có sự nghiệp, công việc kinh doanh riêng,… Ngược lại, nếu trốn tránh sẽ bị liệt vào tội phản quốc thường bị phạt 18 tháng tù giam và lữu trữ vào hồ sơ hình sự - khiến họ gần như không thể xin được việc làm và hòa nhập cộng đồng sau khi mãn hạn.
Faker sinh năm 1996 và vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 26 vào ngày 07/5 vừa qua. Không phải nói quá nhiều về sự nghiệp khi Faker đã chứng minh mình là gương mặt đại diện của Esports Hàn Quốc, tuyển thủ thành công nhất lịch sử LMHT với 10 chức vô địch quốc nội, ba lần lên đỉnh thế giới và hai lần nâng cúp MSI cùng vô vàn danh hiệu cá nhân lớn nhỏ khác,…
Đúng ra Faker đã không phải “lăn tăn” về câu chuyện đi nghĩa vụ quân sự nếu như đội tuyển Hàn Quốc không để thua tuyển Trung Quốc tại trận Chung kết bộ môn LMHT tại Á Vận Hội (ASIAD) 2018. Bởi theo Hiến pháp sửa đổi vào năm 2018, Hàn Quốc mới liệt kê các vận động viên giành Huy chương Vàng tại ASIAD hoặc Olympic vào các trường hợp miễn trừ phục vụ quân sự.
Ngôi sao bóng đá Son Heung-min cùng đồng đội đã đưa bóng đá Hàn Quốc lên đỉnh vinh quang tại ASIAD 2018. Qua đó, họ chỉ phải trải qua một đợt huấn luyện quân sự tập trung kéo dài bốn tuần là đủ điều kiện và quay trở lại với nghiệp quần đùi áo số.
Đáng lẽ ra Faker đã có cơ hội để làm điều tương tự như vậy tại Á Vận Hội Hàng Châu vào tháng 9 tới. Thế nhưng thêm một năm nữa, hình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã buộc Trung Quốc phải hoãn lại sự kiện thể thao lớn nhất châu Á vô thời hạn đến khi có thông báo mới nhất. Dù cho Hiệp hội Thể thao Điện tử Hàn Quốc (KeSPA) nhận phải vô số lời chỉ trích trong quá trình tuyển lọc đại diện dự ASIAD 2022. Nhưng rất khó để Faker phải ngồi nhà bởi anh đáp ứng được tất cả các yếu tố từ danh tiếng, hình ảnh và cả chuyên môn.
Thêm nữa, nhiều tuyển thủ cùng thời với Faker – gồm Mata, bengi, Ryu, Score, Danny, PawN, Untara, Khan… - đều đã và dang chuẩn bị nhập ngũ. Trong số này, có một số người đang chuyển sang công tác huấn luyện và có lẽ Faker cũng đang nghĩ tới chuyện “đi sớm về sớm” nếu không muốn bị out meta.
Chờ đợi vào động thái quyết tâm hơn từ T1?
Từ khi ra mắt đấu trường chuyên nghiệp ở mùa giải 2013, Faker chỉ gắn bó với mỗi một tổ chức duy nhất. Tính từ năm 2018 đến nay, siêu sao đường giữa đã ba lần đặt bút ký vào bản hợp đồng mới với T1. Trong đó có hai lần kéo dài một năm, 2018 và 2021, chỉ có 2019 nới thời hạn hai năm.
Đó cũng là quãng thời gian tăm tối bậc nhất lịch sử tổ chức. Họ đổi tên từ SK Telecom T1 sang T1, chuyên giao bộ máy quyền lực, cách thức hoạt động, hàng tá tuyển thủ lẫn nhân sự huấn luyện đến và đi,…nhưng thành công thì chẳng đáng kể. T1 đã “trắng tay” ở đấu trường quốc tế sau khi lên ngôi tại MSI 2017. Quay về sân chơi LCK quen thuộc, họ từng chịu lép vế trước DWG KIA (hay DAMWON Gaming) trong ba mùa giải liên tiếp trước khi đòi lại ngôi vương ở Mùa Xuân vừa qua.
Thành tích không nhiều, T1 lại thường xuyên vướng vào những lùm xùm ở hậu trường. Gần nhất là xích mích giữa các tuyển thủ với hai đời HLV gần nhất là ông Kim và Daeny. Để rồi đến khi chính thức bổ nhiệm Polt làm HLV trưởng vào tháng 12 năm ngoái, Faker mới nói trước truyền thông rằng anh đang hài lòng khi được làm việc cùng đội ngũ hiện tại. Faker đã từng gục xuống bàn khóc sau thất bại tại trận Chung kết CKTG 2017, từ chối mức lương 20 triệu USD/năm từ LPL (theo lời CEO Joe Marsh),…để vẫn là một phần quan trọng nhất của T1 với khoản lương thưởng 6 triệu USD/năm.
Nhấn mạnh rằng Faker đang là thành viên trong hội đồng quản trị của T1 và việc anh ký hợp đồng đi hay ở chỉ trong phút mốt. Có lẽ, anh vẫn cần thêm thời gian để định đoạt mọi thứ và kết quả của T1 tại LCK Mùa Hè 2022 hay đặc biệt là CKTG sẽ tác động lớn tới nó. Bởi đã năm năm rồi, T1 chưa thể chấm dứt “cơn khát” vô địch quốc tế.
Joe Marsh nói rằng Faker không quan trọng chuyện tiền bạc mà quan trọng là được thi đấu và đóng góp như thế nào cho đội tuyển chủ quản. Vậy cùng chờ xem liệu Faker sẽ có mùa giải 11 liên tiếp chơi cho T1 hay đây sẽ là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp cũng như cuộc đời của một trong những tên tuổi lớn nhất esports.