Theo một báo cáo do Ủy ban Phát hành Game (GPC) trực thuộc Hiệp hội Xuất bản Nghe nhìn và Kỹ thuật số Trung Quốc (CADPA) vào cuối tuần qua, doanh thu ngành công nghiệp game của Trung Quốc đã giảm trong nửa đầu năm 2022 lần đầu tiên kể từ khi dữ liệu được công bố cách đây 14 năm.
Cụ thể, doanh thu tổng hợp của ngành giảm 1,8% xuống còn 147,7 tỷ nhân dân tệ (21,8 tỷ USD) trong sáu tháng kết thúc vào tháng 6. Doanh thu nội địa của các công ty game Trung Quốc giảm 4,25% xuống 124,5 tỷ nhân dân tệ. Báo cáo cũng cho thấy số lượng người chơi game trên toàn quốc lần đầu tiên giảm xuống 665,69 triệu từ 666,57 triệu được báo cáo vào tháng 12.
Thậm chí, ông lớn Tencent cũng chịu chung số phận. Doanh thu từ mảng kinh doanh quan trọng của Tencent là game ở thị trường nội địa giảm 1% xuống mức 33 tỷ nhân dân tệ. Lợi nhuận thuộc về các chủ sở hữu cổ phần trong quý đầu giảm 51% so với cùng kỳ năm trước, xuống mức 23,4 tỷ nhân dân tệ, trong khi lợi nhuận không theo chuẩn IFRS lao dốc trong quý thứ ba liên tiếp, giảm 23% so với một năm trước xuống mức 25,54 tỷ nhân dân tệ.
Nguyên nhân đằng sau sự xuống dốc của thị trường game
Sau khi Bắc Kinh tiến hành điều tra một loạt công ty trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, bảo mật dữ liệu, và dịch vụ gọi xe, tình trạng bán tháo cổ phiếu đã khiến giá trị vốn hóa của các công ty công nghệ nước này "bốc hơi" hàng nghìn tỷ USD trong những tháng qua.
Quốc gia này đã thực thi một loạt quy định để hạn chế cách trẻ em tương tác với trò chơi điện tử, bao gồm quy định hạn chế thời gian chơi game của chúng ở mức ba giờ mỗi tuần, vào cuối tuần.
Các cơ quan quản lý sẽ làm việc với phụ huynh, nhà trường và các tổ chức xã hội để loại bỏ những tiêu cực trong văn hóa chơi game của giới trẻ, khiến nhiều người bị suy giảm thị lực và dẫn tới chứng nghiện game trực tuyến. Quy định mới cũng nhấn mạnh mức độ quyết liệt của các biện pháp mà Bắc Kinh muốn thực hiện nhằm kiềm chế chứng "nghiện game" của thanh thiếu niên và thúc đẩy lực lượng lao động trong tương lai theo đuổi những mục tiêu hiệu quả hơn.
Thị trường trò chơi của Trung Quốc phải đối mặt với một số thất bại trong vài năm qua, thời gian đóng băng kéo dài 9 tháng đối với các phê duyệt mới từ tháng 07 năm 2021 đến tháng 04 năm 2022 có nghĩa là không có tựa game mới nào có thể được tung ra tại quốc gia này trong khoảng thời gian dài.
Thời gian gần đây, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Tác động tiêu cực của đại dịch đã khiến ngành công nghiệp game càng gặp nhiều hơn khó khăn. Các sự kiện trực tiếp hay ngoại tuyến và nguồn cung cấp nội dung phát trực tiếp đều giảm sút cả về số lượng lẫn chất lượng, dẫn đến sự suy giảm đáng kể về sự quan tâm cũng như mức độ chi trả của người dùng.
Tìm kiếm hy vọng từ thị trường nước ngoài
Chính sách tăng quản lý game trong nước sẽ khiến nhiều studio game Trung Quốc tìm kiếm cơ hội tại thị trường nước ngoài, với mảng game di động còn rộng mở.
Tập đoàn Tencent Holdings, hiện là tập đoàn game lớn nhất thế giới theo doanh thu, vốn đã sở hữu 100% cổ phần tại Riot Games (Liên Minh Huyền Thoại) và 40% cổ phần của Epic Games (Fortnite). Năm 2016, Tencent đã chi 8,6 tỷ USD để mua lại studio game di động Phần Lan Supercell. Công ty game lớn thứ 2 Trung Quốc là NetEase cũng đã ra mắt studio game đầu tiên tại Mỹ Jackalope Games tại Austin, bang Texas.
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Changer, game do các studio Trung Quốc sản xuất đã mang lại doanh thu 18 tỷ USD tại thị trường nước ngoài trong năm 2021, tăng 16,6% so với năm 2020.
Các game Vương Giả Vinh Diệu (Honour of Kings) và PUBG Mobile của Tencent là 2 game di động có doanh thu hàng đầu thế giới trong tháng 3/2022, lần lượt thu về 272,4 triệu USD và 199,8 triệu USD theo công ty phân tích Sensor Tower. Dữ liệu này chưa tính đến doanh thu từ các cửa hàng ứng dụng Android bên thứ 3 có mặt tại Trung Quốc.
Esports là hy vọng cuối cùng của ngành công nghiệp game?
Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu đang khiến mọi người phải thực hiện giãn cách xã hội. Việc tổ chức các giải đấu thể thao tập trung đông người buộc phải hủy bỏ để phòng tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Không phải ngoại lệ, thể thao điện tử (eSports) đã có một số hoạt động, sự kiện hoặc giải đấu lớn phải có điều chỉnh để thích ứng. Tuy nhiên, khác với các sự kiện thể thao truyền thống, thể thao điện tử đã có sự thích ứng rất nhanh, với những đặc tính cơ bản của môi trường kỹ thuật số và các yếu tố nền tảng về công nghệ, các hoạt động thể thao điện tử trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã điều chỉnh mô hình tổ chức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.
Trong báo cáo của CADPA vào tuần trước, tổng lợi nhuận mà Esports mang lại đã lên đến 76,49 tỷ nhân dân tệ ($11,32 tỷ USD). Trong đó, các giải đấu Esports chiếm 83,29% tổng doanh thu, 13,96% còn lại thuộc về các kênh phát sóng. Lợi nhuận thấp hơn 10,12% so với đầu năm ngoái, nhưng được dự đoán sẽ tăng mạnh lên đến 184,33 tỷ nhân dân tệ ($27.29 tỷ USD) vào cuối năm 2022.
Vào thời điểm hiện tại, Trung Quốc có tới hơn 5000 đội tuyển và CLB Esports, với hơn 100.000 VĐV chuyên nghiệp và khoảng 500.000 người đang hoạt động trong lĩnh vực Esports (Theo thống kê từ Bộ Lao động và An sinh xã hội Trung Quốc). Thậm chí, nhiều địa phương đã có những trường lớp đào tạo dành riêng cho ngành công nghiệp Esports. Tại đây, các học viên sẽ được đào tạo chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực của Esports, bao gồm phát triển trò chơi điện tử, tổ chức sự kiện và dịch vụ Esports, truyền thông Esports hay thậm chí là trở thành game thủ chuyên nghiệp.
Trung Quốc hiện có số lượng người chơi eSports cao nhất, là số một về cả lượng người xem giải đấu eSports và doanh thu từ các tựa game Esports. Trung Quốc đã công nhận thể thao điện tử là một môn thể thao vào đầu những năm 2000. Trong suốt thập kỷ qua, Trung Quốc đã khẳng định mình là một trong những quốc gia dẫn đầu tuyệt đối trong cả lĩnh vực phát triển, xuất bản và tổ chức giải đấu Esports.
Bất chấp những khó khăn trong chính sách giới hạn chơi games cho trẻ dưới vị thành niên, giới chức trách Trung Quốc vẫn tham vọng biến Esports trở thành ngàng công nghiệp mới. Nhiều địa phương muốn thể thao điện tử trở thành ngành công nghiệp phát triển khắp thành phố, thậm chí còn ban hành chính sách "Hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Esports". Giới chức trách sẽ trợ cấp tiền thuê hoặc mua nhà, chi phí đào tạo và xây dựng đội tuyển đối với công ty Esports. .
Qua từng năm, các giải đấu thì lớn mạnh, nhiều tựa game, nền tảng livestream thay nhau ra đời. Kéo theo đó là nguồn tiền khủng được đổ vào cho ngành công nghiệp thể thao điện tử. Một số tổ chức phương Tây đã gia nhập vào hệ sinh thái Esports của Trung Quốc, bắt tay hợp tác với các giải đấu và thương hiệu Trung Quốc, tiêu biểu nhất chính là Tencent. Công ty sở hữu hoàn toàn Riot Games và có cổ phần đáng kể trong vô số nhà phát hành game eSports khác chính là trung tâm của sự phát triển Esports ở Trung Quốc.
Từ lâu, Esports đã trở thành một xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp game. Điều này càng đúng hơn với Trung Quốc khi thị trường trong nước chậm lại do chính sách hạn chế của chính phủ. Dẫu vậy, Esports khó lòng có thể một tay đem lại sự hồi sinh cho một ngành công nghiệp khổng lồ, đặc biệt là khi nhiều doanh nghiệp đã không còn giữ được sức hút của sản phẩm với khách hàng khi các game mới không được phê duyệt, trò chơi cũ thì đã bớt hấp dẫn, chất lượng không còn đáp ứng nhu cầu..