Tại sao những team LMHT được thành lập bởi các cựu tuyển thủ VCS lại thường... "chết yểu"?

Phải chăng các cựu tuyển thủ VCS không "có duyên" làm ông chủ?

Trước khi SBTC Esports ra đời, làng LMHT Việt đã chào đón sự xuất hiện của những cái tên rất đáng chú ý: QTV Gaming hay OverPower Esports... Điểm chung của các đội tuyển này, đó là chúng đều được sáng lập bởi những cựu tuyển thủ từng tham gia chinh chiến tại VCS. Với SE, đó là Baroibeo - Thầy Giáo Ba, QG là đội tuyển gắn liền với tên tuổi của QTV, còn OPG được sáng lập bởi "Giáo sư" Optimus.

Nhờ sức ảnh hưởng và danh tiếng của những "người sáng lập", ba đội tuyển nói trên đều sở hữu một lượng fan hâm mộ hùng hậu trong làng LMHT Việt Nam. Nhưng rồi, những cái tên này rốt cuộc chẳng thể tồn tại được lâu trên bản đồ giải đấu VCS. Và có nhiều ý kiến cho rằng, "yểu mệnh" chính là điểm chung của các đội tuyển được thành lập bởi cựu tuyển thủ. Vậy, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân vì sao, những đội tuyển này lại sớm phải nói lời chia tay làng LMHT Việt.

Tại sao những team LMHT được thành lập bởi các cựu tuyển thủ VCS lại thường... chết yểu? - Ảnh 1.

Thiếu kinh nghiệm quản lý

Ngay cả khi bạn có là huyền thoại số 1 lịch sử thể thao điện tử, thì một khi dấn thân vào con đường sở hữu một tổ chức Esports, bạn cũng chỉ là một "tấm chiếu mới". Việc dành cả thanh xuân cho quá trình luyện tập, thi đấu, rồi lại luyện tập, thi đấu... khiến nhiều cựu tuyển thủ không có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác của đời sống.

Bên cạnh đó, từ một tuyển thủ lên thành "ông chủ" chưa bao giờ là một sự biến chuyển dễ dàng. Nếu như trước kia, bạn chỉ việc ra sân thi đấu, cuối tháng lãnh lương, tiện tay thì... ẵm vài chiếc cup. Thì giờ đây, bạn sẽ phải bỏ tiền ra để duy trì hoạt động của cả một bộ máy, phải tham gia vào công việc chiêu mộ tuyển thủ, rồi thì giao lưu, tìm kiếm các nhà tài trợ, tính toán về quỹ lương...

Tại sao những team LMHT được thành lập bởi các cựu tuyển thủ VCS lại thường... chết yểu? - Ảnh 2.

Làm "ông chủ" chưa bao giờ là dễ, mà làm "ông chủ Esports" lại càng khó khăn hơn, bởi dẫu sao thì đây cũng là một ngành nghề mới, chưa có quá nhiều tấm gương dẫn đường để chúng ta có thể học hỏi và rút kinh nghiệm.

Thực tế, hầu hết các đội tuyển của những cựu tuyển thủ VCS khi thành lập đều có sự giúp sức của một đội ngũ chuyên môn riêng, nhưng trên hết, họ vẫn sẽ phải đóng vai trò đầu tàu và đưa ra quyết định cuối cùng về những chiến lược phát triển của đội tuyển mà mình sở hữu. Và đôi khi, những quyết định của họ sẽ mang tính "sống còn" đối với chính đứa con tinh thần mà họ dày công vun đắp.

Trường hợp xảy ra với OPG của Optimus có thể là một ví dụ, khi bản thân cựu tuyển thủ này dù luôn đề cao tính chuyên nghiệp và minh bạch của thể thao điện tử, nhưng cũng đành bó tay không biết giải quyết thế nào, khi tuyển thủ của anh có biểu hiện tiêu cực, gian lận trong thi đấu. Để rồi buộc phải report trường hợp của PHT và sau đó giải thể đội tuyển.

Tại sao những team LMHT được thành lập bởi các cựu tuyển thủ VCS lại thường... chết yểu? - Ảnh 3.

Eo hẹp tài chính

Các đội tuyển được thành lập bởi cựu tuyển thủ thường là do một cá nhân đứng ra xây dựng, tổ chức. Và dù có kiếm tiền nhiều cỡ Faker đi chăng nữa, thì nguồn lực tài chính của một cá nhân cũng chẳng thể nào đáp ứng được số tiền phải bỏ ra để duy trì một tổ chức LMHT.

Việc không có nguồn tài chính dồi dào cũng dẫn đến hai kịch bản: Một là các đội tuyển chỉ có thể chiêu mộ những tuyển thủ kém tên tuổi, hoặc tuyển thủ trẻ ở dạng "tiềm năng", như trường hợp của OPG hay QG. Hai là phải kiếm kèo "làm thêm" cho các thành viên để cải thiện thu nhập, điển hình là trường hợp của SE.

Tại sao những team LMHT được thành lập bởi các cựu tuyển thủ VCS lại thường... chết yểu? - Ảnh 4.

Dù là kịch bản nào, thì điều này cũng dẫn đến việc chất lượng đội ngũ thi đấu của họ bị ảnh hưởng, kết quả thi đấu không được như kỳ vọng (do đội hình quá yếu, hoặc do phong độ tuyển thủ không tốt vì không tập trung hoàn toàn vào việc luyện tập).

Một vòng luẩn quẩn sẽ lặp đi lặp lại, đó là khi họ muốn tìm nhà tài trợ, thì điều kiện là thành tích phải tốt, nhưng muốn thành tích tốt thì phải có nguồn đầu tư lớn từ... nhà tài trợ. Và thông thường, viễn cảnh tươi đẹp về việc xuất hiện một "Mạnh Thường Quân" như vậy rất hiếm khi xảy ra.

"Sống bằng tình cảm"

Có một lý do được nhiều game thủ đồng tình khi nhắc đến nguyên nhân thất bại của SE, đó là việc Ban quản lý đội tuyển này bị "thiếu chuyên nghiệp". Thiếu chuyên nghiệp ở đâu không phải là vấn đề "sống lỗi" hay điều gì đó tương tự, mà vấn đề của những Ba Tú hay Thầy Giáo Ba, thậm chí cả HLV Violet, có lẽ là ở việc họ quá... nương tay với các tuyển thủ của mình.

Nói cách khác, Thầy Giáo Ba và Ba Tú có thừa sự nhiệt huyết, nhưng lại thiếu cứng rắn và một chút "lạnh lùng, nguyên tắc", nhất là trong trường hợp các tuyển thủ của họ mắc lỗi.

Tại sao những team LMHT được thành lập bởi các cựu tuyển thủ VCS lại thường... chết yểu? - Ảnh 5.

Thầy Giáo Ba có thừa sự yêu thương, nhưng lại quá thiếu cứng rắn đối với những trường hợp sai phạm của các tuyển thủ SE

Rất dễ để nhận ra, hầu hết thành viên của SBTC Esports đều có mối quan hệ thân thiết với Thầy Giáo Ba - Hay còn được biết đến với tư cách cựu tuyển thủ/cựu HLV Ba Rọi Béo. Zeros, Dia1... đều là những người em thân thiết của Thầy Ba, và với một người mà mọi hành động đều chứng minh rằng anh ta quá thiên về tình cảm như "ông thầy" này, việc "quản lý không nghiêm", hay thậm chí có phần nương tay cho những hành động thiếu kỷ luật của những "đứa em" là điều dễ hiểu.

Thật khó để yêu cầu Thầy Giáo Ba đưa ra những án phạt nặng nề với Zeros - Người mà anh đã quen biết từ khi còn là một cậu bé. Việc "sa thải" Zeros chỉ xảy đến khi mọi thứ đã không thể cứu vãn được nữa. Nhìn chung, SE chính là trường hợp điển hình của một tập thể mà những người quản lý bị "nhờn mặt" do chính cách vận hành thiên về cảm xúc của họ.

Tại sao những team LMHT được thành lập bởi các cựu tuyển thủ VCS lại thường... chết yểu? - Ảnh 6.

Thầy Giáo Ba thương từng thành viên trong nhóm stream SBTC, hay từng tuyển thủ trong SBTC Esports, đó là điều khiến anh nhận được nhiều sự cảm phục và yêu mến. Nhưng có lẽ, đôi lúc chính cái sự "thương" đó lại khiến các tuyển thủ quên mất trách nhiệm và vai trò của họ, rằng họ là những người được trả lương và trọng trách của họ là phải đáp lại xứng đáng với đồng lương, với đãi ngộ mà họ được nhận. Các cụ xưa có câu "Làm ăn thì đừng hợp tác với người thân trong nhà". Và có lẽ, SE chính là ví dụ điển hình nhất, khi yếu tố nghiêm túc và trách nhiệm công việc phần nào bị xem nhẹ chính vì thứ tình cảm khăng khít như người thân trong gia đình của họ.

Kết

Nhìn chung, một khi đã bước chân vào con đường làm "ông chủ", thì hầu hết những cựu tuyển thủ của chúng ta đều ấp ủ một giấc mơ vươn tầm trong lĩnh vực Esports. Dẫu vậy, con đường này vẫn là một hướng đi mới ẩn chứa vô vàn vấn đề rủi ro, mà đôi khi, một người chơi dẫu có sở hữu bậc rank Thách Đấu cũng chưa chắc đã "thích nghi" được.

Chính vì vậy, không có gì lạ khi lần lượt những QG, OPG, và khả năng cao là đến lượt SE, sẽ cùng nhau nối gót ra đi, mà nguyên nhân chủ yếu vẫn chỉ xoay quanh những vấn đề nêu trên. Rõ ràng, QTV, Optimus hay Ba Rọi Béo không có lỗi trong trường hợp này, chỉ đơn giản là sự chuẩn bị của họ vẫn chưa đủ để tạo nên nội lực vững chắc, tạo nên sự cứng cáp cho đứa con tinh thần của mình mà thôi.