5. Mang trở lại yếu tố “Fantasy” vào trong Final Fantasy
Final Fantasy XIV là một trong những tựa game Final Fantasy xa rời cái chất “Fantasy” nhất từ trước tới nay của Square Enix. Final Fantasy XII năm 2006 là phiên bản mang đậm chất “Fantasy” nhất mà chúng ta từng biết, cũng đã hơn một thập kỷ trôi qua. Kể từ đó, Final Fantasy hầu như chỉ lấy bối cảnh hiện đại (Final Fantasy XV) hoặc tương lai (Final Fantasy XIII), mặc dù cả hai tựa game này đều rất tuyệt vời, nhưng chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy có cái gì đó sai sai, khi mà Final Fantasy mà không hề có bao nhiêu yếu tố “Fantasy” để trải nghiệm.
Final Fantasy XVI không nhất thiết phải mang nặng yếu tố “Fantasy” truyền thống, nhưng Square Enix vẫn có thể khéo léo kết hợp các yếu tố “Fantasy” xen lẫn hiện đại sao cho hấp dẫn nhất, Final Fantasy VI là môt ví dụ điển hình. Việc kết hợp không phải là bất khả thi, một trong những tựa game đã và đang làm rất tốt trong việc kết hợp này là Final Fantasy XIV thuộc đại gia đình Final Fantasy, chỉ tiếc là tựa game này lại không thuộc dòng chính thống.
4. DLC đặc sắc hơn
Bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, Final Fantasy XV là tựa game đầu tiên trong toàn bộ thương hiệu được Square Enix phát hành các DLC riêng, tuy nhiên, cách mà Square Enix thực hiện các DLC hoàn toàn không hay chút nào.
Các DLC của Square Enix trong Final Fantasy XV hầu như chỉ cung cấp những nội dung nhỏ lẻ như vũ khí, trang phục, phương tiện,… mục đích là để “hút máu” game thủ càng nhiều càng tốt. Trong khi CD Projekt RED thì không hề như vậy, những loại DLC nhỏ lẻ đều được họ tặng miễn phí, và chỉ tính phí những DLC lớn cung cấp nhiều nội dung cốt truyện mới.
Thời gian sau này, có lẽ Square Enix đã rút kinh nghiệm khi mà họ tập trung nhiều hơn vào các DLC lớn, tuy nhiên, với sự ra đi của giám đốc chịu trách nhiệm nội dung, nhiều gói DLC dự tính sẽ phát hành đã bị hủy bỏ, điều này thực sự rất đáng tiếc. Chúng ta có quyền hy vọng vào những DLC chất lượng cao bổ sung những nhiệm vụ mới, hoặc cốt truyện mới để người chơi có thể tiếp tục khám phá dài lâu, sau khi đã hoàn thành game.
3. Không chỉ là Final Fantasy phiên bản tiếp theo
Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng, Square Enix đang trì trệ thế nào trong việc phát triển Final Fantasy phiên bản tiếp theo. Điểm lại những thế hệ console trước đây, thế hệ PS1 có tổng cộng 3 tựa game Final Fantasy được phát hành gồm VII, VIII, và IX. Đến thế hệ PS2 thì có 2 tựa game gồm X và XII, không tính XI là một game MMORPG.
Thế hệ PS3 bắt đầu có dấu hiệu “chậm dần đều” khi chỉ có 1 tựa game là XIII, và hàng tá tựa game Remaster khác, tuy nhiên, điều này cũng có thể chấp nhận, khi mà lúc này Square Enix đã chia bớt nhân lực để phát triển Final Fantasy Type-0 và Crisis Core cho hệ máy PSP.
Sang đến thế hệ PS4, cũng chỉ có duy nhất một game Final Fantasy XV được phát hành, điều mà đáng lý ra phải được hoàn thành từ thế hệ PS3. Và cho tới hiện tại, Final Fantasy VII Remake chỉ mới gần hoàn thành được một Episode trong tổng số không biết bao nhiêu Episode phải làm, tựa game này được dự tính phát hành cho PS4 vào năm 2020. Tuy nhiên, năm 2020 đã chuẩn bị bước sang thế hệ PS5, như vậy, nhiều khả năng Final Fantasy VII Remake cùng hàng tá Episode sẽ được phát hành trải dài đến hết vòng đời của thế hệ console mới nhất này.
Mặc dù chúng ta cũng có thể thông cảm cho Square Enix, khi mà họ không chỉ làm việc với Final Fantasy, mà nhân lực của họ còn trải đều ra khắp các tựa game chủ lực khác như Kingdom Hearts, Dragon Quest,… Do đó, việc chậm tiến độ Final Fantasy là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không chỉ mỗi Square Enix mới phải làm việc với nhiều tựa game khác nhau, những nhà phát triển lớn khác như Ubisoft, EA, hay Activision cũng đều như vậy, nhưng họ chỉ cách mỗi 1-2 năm là cho ra đời một phiên bản mới của một thương hiệu lớn như Assassin’s Creed, Battlefield, hay Call of Duty,…
Trong số những thương hiệu lớn của Square Enix, rõ ràng Final Fantasy là thương hiệu lớn nhất của họ, việc họ chậm tiến độ phát hành các phiên bản mới như vậy sẽ thật khó chấp nhận. Sẽ thật tuyệt vời, nếu chúng ta được thấy các phiên bản Final Fantasy mới được phát hành cách nhau 2-3 năm, chứ không phải 5-10 năm như hiện tại.
2. Hệ thống chiến đấu Active Time Battle (ATB) cải tiến
Điều có thể khiến Final Fantasy khác biệt so với những tựa game nhập vai khác, không gì khác ngoài hệ thống chiến đấu ATB. Đây là một hệ thống chiến đấu theo lượt đầy sáng tạo và linh hoạt. Tuy nhiên, khi sang đến những phiên bản Final Fantasy sau này, cụ thể là Final Fantasy XV, hệ thống này đã bị loại bỏ hoàn toàn, thay bằng hệ thống hành động thời gian thực hiện đại.
Rất khó để nói điều này là tốt hay là xấu, nếu đi sâu vào thì mỗi hệ thống chiến đấu đều sẽ có điểm mạnh và điểm yếu riêng biệt, và điều này cũng đã dấy lên rất nhiều tranh cãi trong cộng đồng. Tuy vậy, một tựa game Final Fantasy sẽ khó có thể là Final Fantasy nếu bị loại bỏ hoàn toàn hệ thống chiến đấu ATB, vốn đã làm nên tên tuổi của nó.
Do đó, điều mà chúng ta mong đợi bây giờ là một hệ thống chiến đấu ATB cải tiến, có thể kết hợp cả yếu tố chiến thuật của ATB, lẫn yếu tố hành động tốc độ cao thời gian thực. Một tín hiệu đáng mừng là, có lẽ Square Enix cũng đã xem xét điều đó, và đã tích hợp một hệ thống chiến đấu hoàn toàn mới vào trong Final Fantasy VII Remake. Cho đến hiện tại vẫn rất khó nói hệ thống chiến đấu này sẽ mang lại hiệu quả hay không, chỉ dựa vào trailer của game thì chúng ta cũng có thể cảm nhận được phần nào sức hấp dẫn, nhưng thực tế thì phải chơi tận tay mới biết được.
1. Hệ thống phân chia Class
Kể từ sau khi Final Fantasy V, hệ thống phân chia Class của Final Fantasy đã chìm vào quên lãng, mặc dù hệ thống này rất thú vị với vô vàn các tùy biến. Điều này cũng dễ hiểu, khi mà các phiên bản game sau này chú trọng hơn tới cốt truyện xoay quanh các nhân vật, mỗi nhân vật đều có những vai trò nhất định, ứng với những Class đặc trưng của riêng họ. Sẽ rất khó khăn, nếu cốt truyện kể về một tên ăn trộm, nhưng Class lại không phải Thief mà đã bị chúng ta biến thành Mage đúng không nào?
Vì vậy, Square Enix đã đưa ra một giải pháp khá hợp lý, đó là đưa hệ thống phân chia Class vào các tựa game MMORPG dựa theo Final Fantasy của họ. Tuy nhiên, chúng ta sẽ khó mà chấp nhận điều đó, bởi vì MMORPG chưa bao giờ được xem là thuộc dòng chính của cả series, mà hệ thống Class thực sự rất hấp dẫn. Đã đến lúc Square Enix nên nghiêm túc nghĩ tới điều này, họ nên nghĩ cách làm sao để tích hợp hệ thống Class vào dòng game chính sao cho không xung đột với cốt truyện. Nhờ vậy, chúng ta sẽ có thể tự do tùy biến nhân vật theo ý thích của mình, điều này sẽ tạo nên sự đa dạng thể hiện cá tính của mỗi người chơi.
Xem thêm: 10 kỳ vọng game thủ đặt vào Final Fantasy XVI (Phần 1)