Gian lận, hack cheat - đó là những thuật ngữ đã luôn gắn liền với ngành công nghiệp game trên thế giới. Đặc biệt, kể từ khi mà ngành công nghiệp eSports, thể thao điện tử phát triển, những vấn nạn này còn càng trở nên nặng nề hơn nữa khi dù theo đuổi sự chuyên nghiệp, thế nhưng vẫn có không ít những thành phần game thủ thiếu ý thức luôn tìm cách trục lợi, gian lận bằng mọi giá. Để rồi, cái kết khi sự việc bị bại lộ không gì khác ngoài chính những án phạt cực kỳ nặng nề, đôi khi có thời hạn từ vài tháng, vài năm cho tới những con số vượt ngoài sự tưởng tượng của nhiều người như trong các trường hợp dưới đây.
Cấm thi đấu 1.000 năm vì tán tỉnh trẻ vị thành niên
Các game thủ chuyên nghiệp có thể không thật sự quá nổi tiếng như nhiều KoLs khác, nhưng độ phổ biến của họ thì vẫn khá lớn. Và vì thế, đôi khi, những hành động bên ngoài game của họ cũng sẽ bị soi xét, đánh giá không khác gì các KoLs thật.
Vào năm 2017, Hiệp hội giải trí thể thao điện tử - nơi tổ chức và điều hành các trận đấu Counter Strike đã ban hành lệnh cấm dành cho Reece "bloominator" Bloom. Tài khoản của anh chàng sẽ bị cấm cho tới năm 3016, tức là 1.000 năm. Mặc dù không đưa ra lý do cụ thể, thế nhưng theo nhiều nguồn tin, lý do là anh chàng này đã gửi một tin nhắn không phù hợp cho một cô gái 15 tuổi.
Lệnh cấm trọn đời nhưng sau đó được đảo ngược của Tyler1
Tự nhận là một game thủ, streamer toxic bậc nhất của Bắc Mỹ, Tyler1 đã từng có lúc là cái gai trong mắt Riot vì những hành vị bị cho là độc hại, ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng của mình. Ảnh hưởng của Tyler1 còn xấu tới mức anh chàng bị Riot chặn hẳn ID và lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực vào 4/2016. Ban đầu, nhiều người nghĩ rằng sự nghiệp LMHT của Tyler1 đã chấm dứt.
Ấy thế nhưng, tới 10/2017, trên Discord lại bất ngờ xuất hiện một đoạn ghi lại việc một người, được cho là nhân viên của Riot lên tiếng đả kích Tyler1 với những ngôn từ khá tiêu cực. Các fan của Tyler1 đã rất phẫn nộ và Riot đã phải sa thải nhân viên đưa ra nhận xét này, và cũng gỡ luôn lệnh cấm của Tyler1.
Cấm hàng loạt tài khoản gian lận tới gần 20 năm trong DOTA 2
Vào năm 2019, trước thềm mùa giải mới, Valve đã nỗ lực trong việc "thanh lọc" hàng ngũ các game thủ DOTA 2 bằng cách giảm thiểu tối đa các nỗ lực gian lận, gỡ xuống càng nhiều tài khoản có vấn đề càng tốt. Chưa kể, Valve còn bắt đầu đưa vào danh sách các số điện thoại vào "sổ đen" để cố gắng ngăn chặn những người chơi này tái hòa nhập cộng đồng.
Nhưng đáng nói ở chỗ, thời gian mà Valve cấm những tài khoản này lại dài dằng dặc. Không ít người sẽ phải cảm thấy bất ngờ khi mà ngày quay trở lại, gần nhất của những kẻ gian lận sẽ là vào 19/1/2038 - tức là gần 20 năm kể từ ngày lệnh cấm được đưa ra.