Tối 15/12 sẽ là một đêm khó quên với người hâm mộ Việt Nam và cả thế hệ cầu thủ trẻ của đội tuyển nước ta. Cùng với người đồng đội Nguyễn Quang Hải trong màu CLB Hà Nội, Văn Hậu là tài năng trẻ đã sớm khẳng định được tên tuổi ở cấp độ đội tuyển dù chỉ mới 19 tuổi.
Ngay sau khi tiếng còi kết thúc trận chung kết AFF Cup 2018 vang lên, Văn Hậu đã lập tức chạy lên khán đài chia sẻ niềm vui cùng gia đình. Cả gia đình Văn Hậu ôm chầm lấy nhau khóc trong sung sướng.
Bố của Văn Hậu đã không giấu được những giọt nước mắt sung sướng. Ảnh: Giang Nguyễn
Ngay sau khi chia vui cùng đồng đội, Văn Hậu lập tức chạy ra khu vực khán đài để chia sẻ cảm xúc sung sướng cùng bố mẹ đang có mặt tại sân. Ảnh: Giang Nguyễn.
Văn Hậu cũng không giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc, hậu vệ mang áo số 5 đã òa khóc ngay trước khi tạm chia tay bố mẹ để trở lại với toàn đội. Ảnh: Tiến Tuấn.
Cậu bé "làm bạn" với trái bóng nhựa và... bức tường nhà
Chiều 16/12, gần một ngày sau khi Việt Nam giành chiến thắng trước Malaysia để lên ngôi vô địch, ngôi nhà nhỏ của chàng hậu vệ Đoàn Văn Hậu ở thôn Xuân Lôi, Hồng Minh, Hưng Hà, Thái Bình vẫn có khá nhiều người đến trò chuyện, chia vui với bố mẹ của chàng tuyển thủ.
Ông Đoàn Quốc Thắng, bố của Hậy vui vẻ nói chuyện với hàng xóm và người thân về trận chung kết tối qua và không quên nhắc về người con cưng. Ngôi nhà cấp 4 vừa mới được sửa chữa cũng vì thế trở nên rôm rả, ấm cúng hơn bao giờ hết.
Ngôi nhà của gia đình Đoàn Văn Hậu ở Thái Bình.
Hậu sinh ra và lớn lên trong đình có 2 anh em trai, trước Hậu còn một người anh trai hiện đang làm lái xe ở Hải Phòng. Sinh ra ở làng quê nghèo nhất nhì xã, từ nhỏ bố mẹ Hậu đã phải đi làm thuê đủ việc để lo cho hai người con ăn học, chính vì vậy Hậu phải ở nhà một mình trong quãng thời gian dài.
Bố mẹ Văn Hậu kể chuyện về cậu con trai cưng.
Không có việc gì làm, hàng ngày Hậu mang trái bóng nhựa mà bố mẹ mua cho, chạy ra trước cửa nhà để đá. Không có ai chơi cùng, Hậu phải đá vào bức tường nhà.
Cái duyên với trái bóng của Hậu bắt đầu từ đó, và dần dần mãnh liệt hơn. Giữa trưa nắng hay mưa lớn Hậu đều mang trái bóng ra đá một mình, có những lần bị ông nổi nóng mắng, đánh đòn vì đá bóng làm ông không ngủ được, Hậu vẫn không từ bỏ.
Rồi những lần tan học, cậu bé không chạy về nhà mà mang trái bóng ra sân bóng của xóm đá, có khi một mình, có khi may mắn thì rủ thêm được một vài người bạn. Không thấy con về, bố mẹ phải đi tìm mãi và kết cục tối đó Hậu no đòn roi.
"Lúc đấy mới 5,6 tuổi mà Hậu đã ham mê trái bóng dữ lắm rồi, chúng tôi đi làm thường xuyên nên để con trai ở nhà một mình. Nhiều lần bố mẹ bảo đi học về thì quét nhà nhưng chiều về lại không thấy Hậu ở đâu, cứ bỏ đi đá bóng bị ăn đánh không biết bao nhiêu lần mà vẫn không sợ.
Thậm chí nhiều lần đá bóng giữa trưa bị ông nội nạt, đánh đòn mà ngày hôm sau vẫn đá tiếp. Lớn lên xíu nữa đi học thì tan học chạy luôn ra sân bóng, không thấy về thì chúng tôi biết đi tìm chỗ nào rồi", ông Thắng chia sẻ.
"Giờ về quê chơi điện tử hay ở lại Hà Nội học đá bóng?"
Ăn ngủ với trái bóng giúp cậu bé chơi hay hơn những người bạn cùng cấp, nhận thấy được tài năng của Hậu, nhà trường, địa phương đã cho Hậu đi thi các cuộc thi và Hậu đều xuất sắc giành giải nhất ở các cấp trường, xã huyện, tỉnh.
Bố Văn Hậu chia sẻ về cậu con trai.
Và rồi, điều gì đến cũng đến, năm 11 tuổi, Hậu được đội tuyển T&T Hà Nội 11 tuổi nhận về đào tạo, từ đó cậu bé xa gia đình để tập trung luyện tập bóng đá trong môi trường chuyên nghiệp.
Nhớ lại thời gian ấy, ông Thắng chia sẻ, ông và gia đình không khỏi lo lắng bởi con trai còn nhỏ, sợ xa nhà không được, không đáp ứng được những gì mà đội tuyển yêu cầu.
"Fan" hâm mộ đến nhà Văn Hậu xin chữ ký sau trận chung kết.
Nhưng rồi sau những lần lên Hà Nội thăm con, thấy con tăng cân và tăng chiều cao, tập luyện hăng say trong môi trường chuyên nghiệp ông cảm thấy yên tâm phần nào.
Vào năm 15 tuổi, trong lần trốn học đi chơi game, Hậu bị thầy giáo phát hiện, điện thoại về nhà yêu cầu bố mẹ lên để nói chuyện. Đến giờ bà Vũ Thị Nụ (48 tuổi) vẫn không thể nào quên được giây phút ấy.
"Thầy Vũ Hồng Việt gọi gia đình lên, chúng tôi bắt xe khách lên ngay, hôm đấy gặp gia đình, thầy Việt chỉ hỏi Hậu một câu duy nhất, là giờ về quê chơi điện tử hay ở lại Hà Nội học đá bóng.
Giây phút ấy, con tôi nhận ra sai lầm, rưng rưng nước mắt, hứa với cả thầy cả chúng tôi sẽ bỏ game tập trung sự nghiệp. Và từ đó, con tôi thay đổi hẳn, tập trung học tập. Có lẽ lần đấy là bước ngoặt thay đổi Hậu để được như bây giờ", bà Nụ chia sẻ.
Và cũng từ đó, một Văn Hậu ham mê với trái bóng dần trưởng thành hơn. Chức vô địch AFF 2018 mà Hậu và đồng đội đã giành được có thể coi như là món quà để báo đáp bố mẹ và những người yêu mến anh.
Người mẹ nhiều lần rơi nước mắt khi thấy con nằm đau đớn trên sân
Từ ngày đứa con trai út xa nhà từ nhỏ, là mẹ bà Nụ không khỏi lo lắng và bất an. Quyết theo con đường bóng đá đồng nghĩa với việc Hậu ít được về thăm gia đình, phải sống tự lập. Mỗi lần về quê cũng chỉ được vài ba hôm.
Bà Nụ kể lại thời điểm Văn Hậu bỏ học chơi game bị thầy giáo bắt được.
"Hậu về chỉ được vài ngày xong lại đi, con trai tôi dù trông có vẻ nóng tính nhưng chỉ là bộc phát, bình thường Hậu còn rất trẻ con, sống tình cảm. Mỗi lần về chỉ quanh quẩn ở nhà ăn cơm, tâm sự cùng bố mẹ, đi thi đấu xa lúc nào cũng tranh thủ gọi về nhà hỏi thăm gia đình", bà Nụ nói.
Suốt những năm qua gia đình bà vẫn luôn theo dõi con thi đấu qua màn ảnh nhỏ. Không ít lần mẹ Hậu đã bật khóc khi nhìn con bị đối thủ phạm lỗi, nằm giữa sân. Con trai trưởng thành, thành công bà Nụ cũng như ông Thắng đều rất vui, nhưng vẫn còn rất lo lắng.
"Giờ Hậu cũng trưởng thành hơn, cả nhà rất yên tâm, chúng tôi luôn dặn Hậu rằng, phải thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, ra sân với ngôi sao năm cánh bên ngực, không được chủ quan ảo tưởng. Chỉ mong Hậu thi đấu tốt, sau này có công việc ổn định. Hậu được như ngày hôm nay là nhờ công lao của toàn thể ban huấn luyện, các thầy cô giáo đã luôn theo sát dạy dỗ con trong suốt hành trình 10 năm qua.
Gia đình chúng tôi rất biết ơn những người thầy, người bạn đã sát cánh cùng Đoàn Văn Hậu trong cuộc sống và bóng đá", bà Nụ chia sẻ.