Khi nhắc tới cụm từ trẻ trâu, chắc chắn bạn sẽ không khỏi lắc đầu ngán ngẩm cho ý thức của một số cậu bé ngồi trước màn hình máy tính. Trẻ trâu, hay theo những game thủ trẻ tuổi cũng như cư dân mạng Việt Nam hay sử dụng cụm từ đầy hài hước với phong cách nửa Hán nửa Việt: 'Sửu nhi' đã từ lâu là thứ khiến cho không ít những game thủ chúng ta cảm thấy đau đầu, bất kể việc họ ở team đối phương hay đang sát cánh cùng chúng ta trong những trận đấu căng thẳng trong thế giới ảo.
Bất kể những game thủ trẻ trâu như vậy làm gì trong game, từ phá game, lên đồ kiểu mới lạ sáng tạo, văng tục chửi bậy hay thậm chí là AFK không cho đồng đội chơi game, thì việc những game thủ như vậy hiện diện luôn là điều khiến không ít chúng ta phải đau đầu.
Bản thân chúng tôi đôi khi bước vào một phòng máy chơi game, dù rằng có những tựa game giới hạn độ tuổi, nhưng không vì thế mà cấm cản được những cậu bé đang học cấp 1, cấp 2 tham gia vào game với một tâm thế gần như "vô đối", khi họ luôn coi mình chơi giỏi nhất. Những cô bé cậu bé chưa biết rõ sự đời đôi khi tỏ ra rất "mạnh" trong thế giới ảo, nơi không ai biết mặt ai trừ phi đã quen sẵn ngoài đời thực.
Một cậu bé còn đang cắp sách tới trường chẳng cần quan tâm khi bật kênh chat văng tục hoặc mạt sát một người chơi cùng, đôi khi thậm chí có thể là một nam game thủ lão thành đã có gia đình, tìm đến game để thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi. Điều đáng buồn không chỉ dừng lại ở "khoảnh sân nhà", thói trẻ trâu của game thủ Việt còn được... xuất khẩu ra thế giới. Đó là lúc những game online nước ngoài lần lượt ra mắt những phiên bản quốc tế, thu hút đông đảo game thủ thưởng thức, trong đó có cả người Việt nữa.
Thế nhưng nếu không chấp nhặt, chúng ta hoàn toàn có thể bỏ qua, đơn giản nhất là mute những kẻ xấu tính trong thế giới ảo không đọc chat hay nghe voice của họ nữa là xong. Điều đó quá đơn giản, đôi khi quan tâm ít đi lại khiến cuộc đời thêm tươi sáng chứ không mệt mỏi chán chường. Nhưng những kẻ dưới đây mới thật sự là nỗi ám ảnh của bao thế hệ game thủ Việt, từ những game competitive, MOBA hay FPS:
Hack cheat
Hack cheat trong game online là một trong những "phong trào" lớn mạnh nhất trong cộng đồng game thủ Việt ngay từ thời điểm các game online mới xuất hiện tại mảnh đất hình chữ S. Sở dĩ tệ nạn này lan trành nhanh và rộng như vậy là vì một số nguyên nhân đến từ các lợi ích cũng như thói quen của gamer nước ta.
Có một thực tế là các chương trình hack luôn khiến cho việc trải nghiệm game online trở nên dễ dàng hơn gấp rất rất nhiều lần. Thế nên ngay cả những tay "gà mờ" cũng có thể trở nên bá dạo một cách khủng khiếp trong thế giới ảo nhờ các phần mềm bên ngoài.
Chẳng cần phải luyện tập chơi nhiều, những game thủ mới có trình độ kém vẫn có thể "vênh mặt" với đời, chẳng cần phải cố gắng gì vẫn dễ dàng chiến thắng cả các bậc "đàn anh" nhiều kinh nghiệm đã bỏ nhiều thời gian luyện tập chăm chỉ. Như vậy, có thể thấy rằng các phần mềm hack là công cụ vô cùng thích hợp cho những kẻ "trình kém nhưng thích thể hiện". Thay vì luyện tập trong thế giới ảo và tìm cách nâng cao trình độ chơi game của bản thân thì họ chỉ biết dựa dẫm vào các cách chơi xấu, chiếm lợi thế so với những người khác.
Cày thuê
Bản thân tôi chưa từng bao giờ thích những kẻ cày thuê, dù chỉ là một chút. Dĩ nhiên những gì họ làm vẫn là kiếm tiền từ sức lao động và kỹ năng của bản thân để tạo ra những tài khoản game online với rank như những game thủ bỏ tiền mong muốn. Không riêng gì LMHT ở Việt Nam, rất nhiều game khác cũng có "boosting service" với vai trò không khác chút nào cày thuê như DOTA 2, CS:GO hay thậm chí đến cả Pokemon GO cũng có cày thuê nữa.
Thế nhưng thậm chí đã có cả những kẻ dùng hack cheat để cày thuê tài khoản người khác sau đó vẫn thản nhiên nhận tiền như không. Thay vì dùng chính kỹ năng của bản thân, họ chọn con đường liều lĩnh nhưng thành quả đến nhanh hơn, mục đích "ăn xổi" để tiếp tục boost rank cho những tài khoản khác. Họ không chỉ gian lận, mà còn góp phần phá nát hệ thống rank khi những kẻ không có trình độ xứng đáng với bậc xếp hạng vẫn có thể vào phá game, gây khó chịu cho đồng đội và những người chơi khác.
Vậy tại sao trong một bài viết như thế này tôi lại đề cập tới cày thuê? Họ, ở một chừng mực nhất định trong phạm vi những người chơi game thực sự, không dùng tool hack để giành lợi thế, chính là những kẻ bị game thủ gọi là "smurf", một từ tiếng lóng mô tả những người có trình độ cao nhưng lại chơi ở bậc rank thấp với mục đích chủ yếu là hành gà!
Smurf: Thậm chí còn nguy hiểm hơn cả hack
Vì sao lại như thế? Đó là vì nếu bạn sử dụng phần mềm hack cheat, chẳng sớm thì muộn hệ thống của game sẽ phát hiện và khóa tài khoản của bạn vì tội gian lận. Thậm chí trong Overwatch, Blizzard còn không chỉ khóa tài khoản, mà còn khóa cả IP tĩnh và ID phần cứng của bạn nữa. Kể cả cài lại Windows, mua máy mới và tài khoản Overwatch mới, bạn cũng không thể nào quay trở lại được game.
Thế nhưng khi dùng tài khoản rank thấp hơn kỹ năng thực, vào game, bạn có thể dễ dàng hành gà và điều ức chế nhất cho những "chú gà" kia là bạn không thể nào bị ban nick, đơn giản vì bạn đâu có dùng hack mà khóa tài khoản? Chính tình trạng smurf lộng hành trong CS:GO hay nhiều game, thậm chí là cả những kẻ cày thuê LMHT tại Việt Nam đã khiến cho không ít game thủ ức phát khóc trong những trận đấu vì họ chẳng kịp làm gì đã phải lên bảng đếm số.
Và chính vì hệ thống rank cố định như hiện nay, không có gì cản được những "tay to" vào hành hạ những "chú gà" khốn khổ không đủ kỹ năng để chống lại. Rank chỉ phản ánh được những gì game thủ thực hiện được ở trong game, chứ không mô tả được kẻ ngồi cầm chuột bàn phím thi đấu. Đó cũng là một trong những vấn nạn làm đau đầu không ít người ở thời điểm hiện tại khi chưa có những biện pháp thực sự hữu hiệu để giải quyết nạn smurf này.