NetEase đang dần biến mình trở thành trò hề cho thiên hạ như thế nào?

Có lẽ thời gian gần đây những sóng gió hay là những "tai bay vạ gió" đến với NetEase là tâm điểm dư luận trong thế giới game. Nhưng những phản ứng và khắc phục "khủng hoảng truyền thông" từ NetEase dường như lại phản tác dụng khiến ta nực cười cho một hãng game hàng đầu Trung Quốc.

"Sóng gió" hay là "tai bay vạ gió" đến với NetEase có thể ở mỗi người sẽ có quan điểm khác nhau. Những ồn ào liên quan đến vụ kiện cáo của PUBG Corp cáo buộc hãng game Trung Quốc liên quan đến bản quyền game với hai sản phẩm Rules of Survival (RoS) và Knives Out (KO) gần đây khiến nhiều người thực sự quan tâm.

NetEase - một hãng game có danh tiếng

Không phủ nhận một điều NetEase là một trong những hãng game có tiếng không chỉ thị trường hơn 1 tỷ dân Trung Quốc mà còn trên thế giới nữa. Có tuổi đời hơn 1 thập kỷ hình thành và phát triển, cho đến nay thương hiệu game NetEase được biết đến rộng rãi.

Đặc biệt ở bất kỳ thể loại nào, nền tảng nào hãng game này cũng có những sản phẩm thực sự nổi trội. PC chúng ta biết đến bom tấn Trấn Ma Khúc, Võ Hồn 2, Thiên Dụ Online (Revelation Online). Mobile có Sở Lưu Hương, Thiên Hạ, Âm Dương Sư hay gần đây là RoS, KO... Thành tựu của NetEase là không phủ nhận trong sự phong phú của game online, mobile trên thế giới.

Một NetEase bất chấp và mặt dày

Đi liền với sự lớn mạnh về thương hiệu không ai ngờ NetEase cũng chẳng ngại đến sự tự trọng hay đến tính cạnh tranh lành mạnh. Giờ đây khi vấn đề bản quyền trở nên nóng hổi sau vụ kiện cáo của PUBG lên tòa án Mỹ với hai sản phẩm RoS và KO đã khiến người ta nhìn NetEase với một con mắt khác. 

Mới đây chính NetEase cho biết họ đang tiến hành kiện những sản phẩm nào "đạo nhái" hai sản phẩm RoS và KO, bất chấp những rùm beng khi mà PUBG Corp gửi lên tòa án 155 trang trong đơn khiếu nại bản quyền. Khi cả thế giới cho rằng NetEase là "thủ phạm" tạo ra các bạn nhái PUBG thì họ hoàn toàn phớt lờ. Hơn thế nữa sản phẩm mới ra mắt - Identity V - cũng được cho là "làm lại" từ bản Dead by Daylight. Đó là chưa nói đến tựa game Fortcraft ra mắt trước cả sản phẩm Fortnite Mobile của Epic Games.

Có thể nói không quá khi cho rằng NetEase đang "vừa ăn cướp vừa la làng" dẫu họ có đủ lí lẽ để biện minh. Vốn dĩ các hãng game Trung Quốc từ trước tới nay chuyên đạo nhái các sản phẩm nước ngoài là chuyện thường thấy nhưng phản ứng và cách ứng xử của NetEase đã khiến cộng đồng thêm phẫn nộ ở một hãng game có danh tiếng, lịch sử.