Từ xưa tới nay, Blizzard vốn luôn được coi là một trong những tượng đài cũng như hình mẫu thành công nhất trong làng game thế giới. Có lẽ chỉ cần liệt kê ra một vài cái tên siêu phẩm như Warcraft, World of Warcraft, Starcraft hay gần đây là những Diablo, Overwatch là cũng đủ hiểu mức độ phủ sóng rộng rãi của nhà phát hành này như thế nào.
Thế nhưng ít người biết rằng, để đạt được những thành công như ngày hôm nay, Blizzard cũng đã mắc phải vô số sai lầm trong quá khứ cũng như có những lần phải đóng "học phí" vô cùng chát đấy.
Bắt người chơi đăng ký tên thật - sai lầm chí mạng của Blizzard
Những diễn đàn online từ lâu đã là một trong những nét văn hóa không thể thiếu của bất kỳ tựa game nào. Mặt tích cực thì là nơi mà các game thủ có thể giao lưu cũng như trao đổi và tạo ra một sân chơi lành mạnh. Nhưng đổi lại, mặt tiêu cực cũng không thiếu khi chẳng ít người coi đó là mảnh đất vàng để công kích, gây war hay tạo ra những chủ đề tranh luận không hay cho lắm. Xét cho cùng, điều này cũng dễ hiểu khi làm gì có ai xác định được danh tính của bạn tại các diễn đàn như vậy.
Bắt người chơi dùng tên thật để đăng ký tài khoản có lẽ là sai lầm khó hiểu nhất của Blizzard
Nhận thức được mặt tiêu cực này, Blizzard ra một chiến dịch Real ID đầy táo bạo. Họ bắt người chơi phải đăng ký bằng tên thật của mình. Mục đích của Blizzard là tốt, nhưng vấn đề là chắc chắn phần đông game thủ sẽ phản đối. Và điều này xảy ra thật. Làn sóng công kích mạnh tới mức mà CEO của hãng, Mike Morhaime đã phải khai tử dự án này chỉ ít lâu sau khi áp dụng.
Để cho "Titan" sống hơi lâu khiến Blizzard lỗ chổng vó
Đặt địa vị mình là Blizzard, chắc hẳn bạn sẽ quá quen với việc tạo ra những siêu phẩm tuyệt vời một cách khá tự nhiên. Tới mức mà họ dường như quá tự mãn và coi nó như một công thức của hãng. Tuy nhiên, đó cũng là lúc mà Blizzard mắc sai lầm, khi họ quá tự tin vào sự thành công của Titan trong khi nó quả thật không có nhiều cơ sở cho lắm.
Giữ Titan sống quá lâu là sai lầm khiến Blizzard tổn thất quá lớn về doanh thu
Theo Kotaku, Titan được xây dựng để trở thành một game MMO khoa học viễn tưởng, kết hợp quá nhiều yếu tố trong đó kể cả bắn súng. Kỳ vọng là vậy, thế nên chẳng ngạc nhiên khi Blizzard dù lỗ chổng vó với tựa game này vẫn cố duy trì nó. Nhưng sau cùng, họ chẳng thể kiên nhẫn hơn khi nhìn vào đồ thị đi xuống của Titan. Tuy nhiên, ít ra nền tảng bắn sún mà Blizzard xây dựng từ nó sau này cũng được khai quật lại để làm nên siêu phẩm Overwatch sau này. Tuy vậy, Mike Morhaime cũng đã phải thừa nhận sự thất bại toàn tập của Titan sau này.
Khả năng bảo mật và phòng thủ có phần kém cỏi
Gần đây, Blizzard đang phải đối mặt với khá nhiều vấn đề, cụ thể là với World of Warcraft khi một nghiên cứu của Google cho thấy, có một lỗ hổng bảo mật về DNS của hãng này.
Khả năng bảo mật và chống hack của Blizzard vẫn đang bị khá nhiều người nghi ngờ
Lợi dụng điều đó, tin tặc có thể lấy cắp thông tin của người chơi, cũng như tạo ra các vụ hack đầy bá đạo. Thậm chí, một game thủ châu Âu từng Ddos sập cả server EU của World of Warcraft chỉ vì không muốn bị người chơi khác vượt mặt, thứ khiến họ thiệt hại khoảng $20.000.000 chỉ trong thời gian ngắn. Thế nên, tính năng bảo mật cũng như hệ thống phòng thủ với các biến cố bất ngờ của Blizzard chưa bao giờ được đánh giá cao.
Tính phí quá lớn cho các đội tham dự Overwatch League
Overwatch kể từ khi ra mắt vẫn đang chạy tốt và nó thật sự là một thành công của Blizzard. Đặc biệt, học theo Riot, nhà phát hành này đã rất thông minh khi nhượng quyền thương mại tựa game này và tạo ra một môi trường eSports tương đối chuyên nghiệp và khoa học mà ở đó, các đội tuyển có tài trợ, chính sách lương bổng và các điều kiện chẳng thua kém những vận động viên chuyên nghiệp trong các môn thể thao truyền thống.
Chính sách mới về phí của Blizzard đang ngăn cản sự phát triển của Overwatch
Nhưng dường như, lợi nhuận luôn làm con người mờ mắt. Trong khi vẫn hướng tới mục tiêu gia tăng chất và lượng cho Overwatch League, Blizzard lại bất ngờ có động thái tính phí nhượng quyền thương mại đối với các đội tuyển tham gia, và con số này không hề nhỏ. Điều này dẫn tới việc có 4 team eSports đã quyết định bỏ giải vào năm ngoái.
Có thể nói, phí nhượng quyền dường như là bước đi sai lầm của Blizzard trong việc phát triển và đưa Overwatch trở thành một tựa game phổ biến trên toàn thế giới. Thật ra cũng hơi khó nói, khi việc cân bằng giữa phát triển cộng đồng và đảm bảo doanh thu là điều cực kỳ khó khăn cho bất cứ nhà phát hành nào. Nhưng với thâm niên lâu đời của mình, có lẽ Blizzard nên nhìn xa hơn mức doanh thu ngắn hạn chăng.