4. TITANFALL
Titanfall ban đầu thu hút được rất nhiều sự chú ý khi đổ bộ lên Xbox One, PC và Xbox 360. Với sự hậu thuẫn của Respawn Studios, bao gồm các cựu binh dày dặn kinh nghiệm đã tạo nên tên tuổi Call of Duty, đã có rất nhiều sự trông đợi được dành cho tựa game FPS đầy tiềm năng này.
Mặc dù doanh thu khởi điểm khá tốt, nhưng các game thủ cảm thấy thất vọng vì quá thiếu vắng những gói nội dung mới. Với việc tin đồn về một phần tiếp theo đang trong quá trình phát triển bị rộ lên quá sớm, nhiều người đã chọn rời bỏ khỏi thế giới Pilot & Titan chỉ vài tuần sau khi ra mắt. Hậu quả là chúng ta có hàng loạt các server vắng tanh vắng ngắt và khiến những người đã bỏ tiền ra mua trọn gói trò chơi tức điên.
Thế bây giờ thì sao? Titanfall 2 đã được phát hành vào năm 2016 và chính thức chấm dứt vòng đời ngắn ngủi của phiên bản tiền nhiệm. Mặc dù đã khắc phục các khiếm khuyết của phần 1, và nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên môn, Titanfall 2 vẫn phải khổ sở trong việc tìm lại ánh hào quang của những ngày khai màn năm 2014.
Một phần cũng bởi trò chơi bị phát hành ngay chính giữa thời điểm ra mắt hai “bom tấn” FPS khác là Battlefield 1 và Call of Duty: Infinite Warfare. Phần khác có vẻ như cộng đồng đã cảm thấy chán ngán với thể loại FPS mang phong cách giả tưởng thời tương lai.
3. FOR HONOR
Được phát hành vào đầu năm 2017, For Honor đã thu hút được sự chú ý không nhỏ từ các game thủ – những người đã nhìn thấy tiềm năng hấp dẫn của các pha cận chiến khốc liệt. Bản thân trò chơi cũng rất thú vị, khi được thiết kế để bạn có toàn quyền kiểm soát tối đa trong combat. Hay là thế, chất lượng là thế, nhưng vấn đề làm nó bị người chơi ngoảnh mặt lại chính là hãng sản xuất Ubisoft.
Trong nỗ lực nhằm tối đa hóa lợi nhuận trên các trò chơi phổ biến, Ubisoft đã không ngần ngại đẩy mạnh vào lãnh thổ microtransaction. Đó là một động thái làm tổn thương đến cộng đồng người chơi, và những lời phàn nàn không ngớt bắt đầu xuất hiện chồng chất.
Bên cạnh đó là sự thiếu ổn định đến từ đường truyền server, chu kỳ cập nhật chậm chạp, thiếu chăm chút cải thiện chất lượng,… đã làm ảnh hưởng đến danh tiếng gầy dựng được ở thời điểm ban đầu của trò chơi. Ubisoft dường như cũng chỉ quan tâm đến việc bổ sung thêm các gói nội dung tải xuống để chữa cháy. Các báo cáo cho biết đến 95% người chơi đã từ bỏ For Honor chỉ trong vòng 3 tháng.
Thế hiện giờ thì sao? Nhiều tháng sau, Ubisoft mới cố gắng để giải quyết khía cạnh yếu kém nhưng đã quá trễ. Các gói nội dung mới không đủ sức thu hút người hâm mộ trở lại, và tình cảnh ảm đạm tại các server là điều không thể tránh. For Honor có lẽ là một ví dụ điển hình, sẽ còn được nêu ra làm ví dụ trong nhiều năm tới, về việc một trò chơi chất lượng bị chính sự yếu kém của nhà phát triển hủy hoại như thế nào.
2. BATTLEBORN
Battleborn, hơn hầu hết các trò chơi khác trong danh sách này, đã từng nắm giữ cơ hội lớn để trở thành một thương hiệu game đình đám thực sự. Có thể bạn không còn nhớ, nhưng phiên thử nghiệm Open Beta của nó đã thu hút được hơn 2 triệu người chơi – thành tích tuyệt vời cho một trò chơi vừa “chân ướt chân ráo” xuất hiện.
Tiếc thay, đây lại chính là đỉnh cao nhất khi đề cập đến sự thành công của sản phẩm do chính Gearbox Software phát triển, bởi mọi thứ đã xuống dốc không phanh kể từ đó.
Trong vài tuần liên tiếp, các trang tin liên tục báo cáo rằng cộng đồng game thủ đã hoàn toàn mất hứng thú với tựa game này. Con số hàng trăm ngàn người chơi giờ đã biến thành hàng… chục, và hãng sản xuất thì cuống cuồng tìm phương cách để cứu vãn tình thế nhưng chẳng đi đến đâu.
Còn hiện tại thì sao? Gearbox Software đã đi đến nước bài cuối: cho game thủ chơi thử Battleborn hoàn toàn miễn phí (không giới hạn thời gian) vào hồi tháng 6 vừa qua. Nhưng điều này cũng không giúp trò chơi xoay chuyển tình thế ảm đạm. Mới đây, hãng sản xuất cũng cho biết sẽ ngưng quá trình phát triển của Battleborn, báo trước sự khép lại của một tựa game đã-từng-rất-đình-đám.
1. EVOLVE
Evolve, không còn nghi ngờ gì nữa, chính là cú flop lớn nhất từng xuất hiện trong những năm gần đây. Không chỉ riêng bản thân nó đã thất bại, mà cũng kéo theo sự lụn bại của thể loại 4vs1 đầy tiềm năng. Trò chơi được nhiều người kỳ vọng sẽ trở thành một sản phẩm đình đám trong nhiều năm, khi nhận được sự chú ý từ cộng đồng và được chính Turtlerock Studios (đội ngũ phía sau thành công của Left 4 Dead huyền thoại) đảm nhiệm việc phát triển. Evolve rõ ràng có nhiều hơn một lý do chính yếu để trở thành cú hit thực thụ trong làng game.
Tuy nhiên, chính những nội dung có phần hạn hẹp và số lượng lớn DLC được tung ra ở thời điểm phát hành đã gây ra nhiều phiền toái cho tất cả các kế hoạch này. Khi trò chơi gặp nhiều khó khăn trong việc thu về những đánh giá phản hồi tích cực, thì chính lượng doanh số khổng lồ ban đầu đã mở đường cho một cộng đồng đông đảo dần dần “bốc hơi”. Trong hơn một năm trời, Evolve không tìm được cách tạo ra bất kỳ động lực hay chuyển biến tích cực nào – bởi các game thủ đã chọn cách ngoảnh mặt với trò chơi.
Thế hiện tại thì sao? Hiện tại, trò chơi đã được phát hành theo hình thức free-to-play, nhưng sau khi tạo được một cú huých kha khá, nó lại không đủ sức hút để giữ chân gamer ở lại dài lâu. Turtlerock đã thông báo đến cộng đồng rằng họ không còn kế hoạch hỗ trợ cho trò chơi. Evolve vẫn còn đó trên Steam và vẫn có thể chơi được – nhưng đây lại là một kết thúc buồn cho một trò chơi đã từng mang lại những niềm vui thực sự cho các game thủ.
Tạm thời thì chúng ta chỉ có thể điểm mặt bấy nhiêu đây. Trong tương lai, sẽ còn nhiều trò chơi khác xuất hiện và làm “phong phú” hơn cho danh sách này. Theo bạn, cái tên kế tiếp có thể là ai?
Theo Screen Critics