Battle Royale đã chứng minh mình không phải chỉ là một xu thế nhất thời, bởi sau PUBG, đã có nhiều tựa game khác có được chỗ đứng trên thị trường nhờ vào những biến tấu khác nhau như Fortnite, Apex Legends, Hunt: Showdown… Vì vậy, việc Call of Duty: Modern Warfare có một chế độ chơi Battle Royale không phải là điều quá bất ngờ với game thủ, ngay cả trước khi các tin đồn đoán bay “đầy trời.”
Thế nhưng dù Call of Duty: Warzone không phải là lần đầu tiên Activision tung ra một tựa game Battle Royale mang thương hiệu Call of Duty, đây là một bước tiến dài của Activision trong việc khai thác thể loại này. Không giống như người tiền nhiệm Black Ops 4 đòi hỏi game thủ phải trả một khoản tiền không nhỏ để được chơi khi mới ra mắt (Activision buộc phải làm vậy do sự thiếu thốn nội dung của trò chơi), Warzone là một tựa game miễn phí mà ai cũng có thể nhảy vào tham chiến.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua, thông điệp “Call of Duty miễn phí” được Activision lặp đi lặp lại mỗi lần họ nhắc đến Warzone. Nhà phát hành này muốn nhấn mạnh rằng Warzone chào đón tất cả mọi người, và không có một ngưỡng cửa nào cần phải vượt qua để được thưởng thức nó. Vậy nên Mọt tui cho rằng tựa game này gánh một trọng trách trên vai: Activision đang hi vọng rằng nó sẽ là nguồn thu nhập lớn thứ ba của thương hiệu Call of Duty sau các tựa game lớn ra mắt hàng năm và Call of Duty Mobile hiện tại.
Ba yếu tố sẽ giúp game thành công
Thật vậy, khi nhìn vào sự thành công của những PUBG trước đây hay Fortnite hiện tại, bạn sẽ dễ dàng nhận ra rằng Battle Royale vẫn đang là một mỏ vàng. Trong khi PUBG có lối chơi rất chậm rãi, đầy căng thẳng và rủi ro cao (bởi game thủ có thể “lật ngang” trước khi nhìn thấy đối thủ), Fortnite đi theo phong cách hoạt hình + xây dựng, Apex Legends đi vào tương lai thì lại chưa có một trò chơi nào lấy bối cảnh hiện tại với các khí tài quân sự “chính hiệu.” Warzone nhảy vào khỏa lấp khoảng trống này, và với hình thức Free to Play, danh tiếng của Call of Duty cộng thêm sức mạnh tài chính từ Activision, Warzone hoàn toàn có thể trở thành một cây rụng tiền mới của họ.
Mọt tui không hề hư cấu khi nói rằng danh tiếng của Call of Duty là một trong những yếu tố giúp Warzone có thể thành công. Mặc cho những gì các anti-fan nói riêng và game thủ nói chung bày tỏ về trò chơi, những lời chê bai “dead game” hay móc mỉa rằng trò chơi giờ chỉ còn là con bò sữa thiếu sáng tạo, thương hiệu Call of Duty vẫn là số một về mặt doanh số. Theo những gì Mọt được biết, Call of Duty đã chiếm 8 trong số 10 danh hiệu game bán chạy nhất trong năm của thập kỷ trước tại Mỹ, chỉ để vuột danh hiệu này vào tay các đối thủ “siêu nặng ký” là Red Dead Redemption (2010) và GTA 5 (2013).
Trong khi đó, sức mạnh tài chính của Activision cũng hết sức đáng gờm. Nhà phát hành này thừa tiền của để chạy các chiến dịch quảng cáo, thuê các streamer nổi tiếng trải nghiệm trực tiếp trò chơi, những điều sẽ giúp lan tỏa trò chơi ra cộng đồng game thủ và dụ dỗ họ bằng danh tiếng cũng như miếng mồi miễn phí. Ngay cả trong trường hợp xấu nhất khi Warzone lỗ lã, họ vẫn có thể kéo dài sự tồn tại của trò chơi trong khi Infinity Ward tìm kiếm nguyên nhân và khắc phục vấn đề.
Nhưng Free to play mới là “ách chủ bài” của Warzone. Khi một tựa game miễn phí, thường game thủ nhìn thấy mặt xấu là việc nó thu hút hack cheat bởi tài khoản free có bị khóa cũng chẳng mất mát gì, nhưng rất nhiều người không nghĩ đến việc nếu game không miễn phí, chưa chắc họ và rất rất nhiều game thủ khác sẽ chạm đến game. Với Free to Play, Warzone sẽ hấp dẫn được một cộng đồng game thủ khổng lồ, và rất nhiều người trong số họ sẽ chi tiền vào microtransaction. Nếu gameplay được cân bằng đúng và microtransaction không khiến game thủ cảm thấy bị hút máu, một tựa game Free to Play có tiềm năng đem lại những núi tiền mà game Pay to Play có nằm mơ cũng không thấy được, điều đã được chứng minh nhiều lần suốt những năm qua.
Bài học và rủi ro
Và Warzone cũng có thể trở thành một bài học cho các nhà phát triển – phát hành game khác. Nếu trò chơi thành công, làng game sẽ nhận ra rằng không nhất thiết phải tung game ra một cách tuần tự 1 – 2 – ∞ hay theo kiểu bản chính – spin off… Họ sẽ thấy rằng mình hoàn toàn có thể phát triển nhiều phiên bản game hoạt động song song với nhau, bản miễn phí “buff” cho bản thu phí và ngược lại. Mọt sẽ không ngạc nhiên khi thấy mô hình này được những tựa game khác vận dụng, chẳng hạn một Battlefield Firestorm hoạt động dài dài trong khi Battlefield 6, 7, 8… không ngừng ra mắt với phần Campaign và các chế độ Multiplayer truyền thống rút hầu bao của người chơi.
Cho đến thời điểm này, mối quan ngại duy nhất mà Mọt tui còn có về khả năng thành công của Warzone là việc chúng ta còn chưa biết được Call of Duty 2020 có Battle Royale hay không, hoặc Activision có định thay thế nó chỉ sau một năm hay không. Theo các tin đồn, tựa game Call of Duty 2020 đang được phát triển bởi Treyarch với sự giúp đỡ của Raven và Sledgehammer, trong khi bản thân Sledgehammer cũng đang làm một tựa Call of Duty miễn phí khác. Nếu một trong hai tựa game này có Battle Royale, chúng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến lòng trung thành của game thủ với Warzone và khiến họ khép ví tiền, bởi chẳng có lý do gì để chi cả cục tiền vào một trò chơi để rồi trò chơi đó bị bỏ hoang chỉ sau không đầy một năm ra mắt.
Các fan của chế độ Blackout (Black Ops 4) hẳn đã trải nghiệm điều này khi Warzone ra mắt và hút đi một phần không nhỏ cộng đồng game thủ Blackout. Cộng đồng này vốn đã không nhiều bởi game là pay to play và chỉ có dấu hiệu hồi sinh khi Blackout có vài đợt chơi free ngắn ngủi để rồi đâu lại vào đấy. Vậy nên nếu Activision muốn Warzone thực sự thành công, họ sẽ phải bỏ Battle Royale ra khỏi danh sách các chế độ chơi của những tựa game sắp ra mắt trong năm 2020 và 2021 để tránh tình trạng giẫm chân nhau giữa chúng.
Lời kết
Ngày nay, tất cả các nhà làm game lớn đều đang muốn tái hiện lại thành công của Fortnite, và mỗi hãng lại có những chiêu thức riêng của mình. Nhiều cái tên lớn trong làng game bắn súng đã thất bại nên vẫn còn quá sớm để nói rằng liệu Activision có thành công với Warzone hay không, hoặc liệu Warzone có tồn tại lâu dài hay không. Thế nhưng với việc Activision tung ra một tựa Battle Royale chất lượng cao và free to play, ít nhất thì chúng ta có thể xác nhận rằng họ đã đi đúng hướng.
- Combo1: G103 + G213 + A10 sẽ nhận được 1 thẻ Starbucks trị giá 100.000vnđ
- Combo 2: G402 + G512 + G Pro Gen 2 sẽ được discount lên tới 15% và nhận được 1 thẻ Starbucks trị giá 100.000vnđ kèm túi đựng bàn phím. Ngoài ra với combo này bạn sẽ có thể được hoàn trả lên đến 200.000vnđ khi làm theo những bước sau:
- Mua cả combo trong 1 lần bằng link Lazada ở cuối bài
- Chụp ảnh sản nhận nhận được từ Lazada kèm hóa đơn
- Gửi hình ảnh cho Kênh Tin Game qua fanpage kèm Mã đơn hàng
- Chỉ áp dụng cho khách mua hàng bằng link cuối bài và cho 10 Khách Hàng đầu tiên.
- Combo 3: Khi mua sản phẩm Pro Gen 1 sẽ được tặng sản phẩm chuột Pro Hero, 1 thẻ Starbucks trị giá 100.000vnđ và 1 áo Logitech (số lượng có hạn)
Nhanh chân mua sắm thôi nào các bạn ơi, vì số lượng quà tặng chỉ có hạn: Nhấn vào đây để chuyển đến shop Logitech nhanh nhất nhé.