1. Kevin Mitnick
Bộ Tư pháp Mỹ coi Kevin Mitnick (SN 1963, nickname The Condor - Chim ưng, The Darkside Hacker - Tin tặc mặt tối) là “tội phạm máy tính bị truy nã gắt gao nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Câu chuyện về hacker này “đỉnh” đến nỗi trở thành nền tảng của phim truyện “Track Down” (năm 2000).
Sau khi thụ án một năm tù về tội đột nhập mạng máy tính của hãng Digital Equipment, Mitnick ra tù nhưng bị quản chế 3 năm. Gần hết năm thứ ba quản chế, Mitnick bỏ trốn và tiếp tục hành trình tấn công mạng kéo dài 2 năm rưỡi, trong đó xâm nhập thành công hệ thống cảnh báo quốc phòng và đánh cắp các bí mật doanh nghiệp Mỹ, trong đó có các dữ liệu tối quan trọng của Sun Microsystems và Motorola.
Cuối cùng, Mitnick lại bị bắt và bị kết án 5 năm tù. Sau khi mãn hạn tù, hacker khét tiếng này trở thành nhà tư vấn và diễn giả về an ninh mạng. Hiện giờ, Mitnick điều hành công ty tư vấn bảo mật tên là Mitnick Security Consulting. Ông cũng là giám đốc hacking của công ty đào tạo về bảo mật KnowBe4, thành viên ban cố vấn của Zimperium (hãng phát triển hệ thống chống xâm nhập điện thoại di động).
Kevin Mitnick. Ảnh: Vox.
2. Jonathan James
Câu chuyện về Jonathan James (1983-2008), nổi tiếng ngoại hiệu “c0mrade”, là một câu chuyện buồn. Cậu trở thành tin tặc khi còn trẻ, đột nhập thành công mạng máy tính của một số cơ quan chính phủ và doanh nghiệp rồi phải ngồi tù khi vẫn còn là vị thành niên.
James là trẻ vị thành niên đầu tiên của Mỹ bị tống giam vì phạm tội trong không gian mạng – phạm tội lần đầu năm 15 tuổi và bị kết án tù năm 16 tuổi.
James tấn công hệ thống của NASA (Cơ quan Hàng không - Vũ trụ Mỹ), tải về các mã nguồn trị giá 1,7 triệu USD để tìm hiểu cách thức ISS (Trạm Vũ trụ Quốc tế) hoạt động. NASA phải ngắt hệ thống trong suốt 3 tuần để điều tra vụ xâm nhập, thiệt hại thêm 41.000 USD.
Năm 2007, một số công ty nổi tiếng bị tấn công mạng, thông tin cá nhân và tín dụng của hàng triệu khách hàng bị rò rỉ. Dù phủ nhận mình liên quan các vụ tấn công mạng nhưng James bị điều tra. Năm 2008, hacker này tự tử bằng súng. Người ta cho rằng, James mất niềm tin vào công lý, không muốn bị truy tố tội mà cậu không phạm phải.
Jonathan James. Ảnh: Menos Fios.
3. Albert Gonzalez
Albert Gonzalez (SN 1981) bắt đầu “sự nghiệp” tin tặc với vai trò trưởng nhóm hacker tên là ShadowCrew. Ngoài đánh cắp và bán số thẻ tín dụng, ShadowCrew còn làm giả hộ chiếu, thẻ bảo hiểm y tế và giấy khai sinh phục vụ các hoạt động đánh cắp danh tính.
Gonzalez thu thập được hơn 170 triệu số thẻ tín dụng và thẻ ATM trong vòng 2 năm. Sau đó, anh ta đột nhập cơ sở dữ liệu của tập đoàn bách hóa TJX và hãng xử lý thanh toán Heartland Payment Systems, đánh cắp tất cả số thẻ tín dụng mà họ lưu trữ.
Gonzalez bị kết án 20 năm tù (thụ án đồng thời 2 án 20 năm tù). Hacker Mỹ sinh ra tại Cuba này sẽ được trả tự do vào năm 2025.
Albert Gonzales. Ảnh: CSM.
4. Kevin Poulsen
Kevin Poulsen (SN 1965), biệt hiệu “Dark Dante” (Dante Đen tối), được báo chí Mỹ gọi là “Hannibal Lecter tội phạm máy tính”. Có lần anh ta hack đường dây điện thoại của một đài phát thanh, biến mình thành người gọi trúng giải để giành được chiếc xe Porsche mới toanh.
Poulsen có tên trong danh sách truy nã của FBI (Cục Điều tra liên bang Mỹ) sau khi hack một số hệ thống của chính phủ và đánh cắp thông tin nghe lén. Cuối cùng, anh ta bị bắt tại một siêu thị, bị kết án 51 tháng tù và phải bồi thường 56.000 USD.
Sau khi ra tù năm 1995, Poulsen thay đổi lối sống, trở thành nhà báo (hiện là biên tập viên của báo công nghệ Wired. Năm 2006, cựu hacker còn giúp cơ quan thực thi pháp luật xác định 744 tội phạm tình dục trên mạng xã hội MySpace. Giờ đây, Poulsen thường được mời nói chuyện về công nghệ với "nhuận miệng" 15.000-20.000 USD.
Kevin Poulsen. Ảnh: Speaking.
5. Gary McKinnon
Gary McKinnon (SN 1966, người Anh) có biệt hiệu “Solo” trên internet, khét tiếng với vai trò điều phối vụ tấn công mạng máy tính quân sự lớn nhất mọi thời đại.
Trong 13 tháng từ tháng 2/2001 tới 3/2002, McKinnon truy cập trái phép 97 máy tính của quân đội Mỹ và NASA. Anh ta nói rằng mình chỉ tìm kiếm thông tin về năng lượng sạch, miễn phí và về việc che giấu UFO (vật thể bay không xác định-đĩa bay). Nhưng theo cơ quan chức năng Mỹ, McKinnon đã xóa một số file quan trọng và khiến hơn 300 máy tính không thể hoạt động được, gây thiệt hai hơn 700.000 USD.
Có gốc gác Scotland và hoạt động bên ngoài Vương quốc Anh, McKinnon tránh được cơ quan chức năng Mỹ đến năm 2005 thì đối mặt lệnh dẫn độ. Sau nhiều thủ tục pháp lý, tháng 10/2012, Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May (sau trở thành thủ tướng và mới đây từ chức) không đồng ý cho dẫn độ sang Mỹ với lý do hacker này “đang ốm nặng” và việc dẫn độ “không tương thích với nhân quyền (của McKinnon).
Gary McKinnon. Ảnh: Telegraph.
(còn nữa)