Là người dùng máy tính chạy Windows, cho dù thích Windows 10 hay không thì bạn cũng sắp phải nâng cấp lên hệ điều hành này, nếu không muốn chuyển sang hệ máy Mac của Apple. Bạn có thể lựa chọn phiên bản Professional hoặc Home, và dù chúng không khác nhau nhiều lắm nhưng với phiên bản Pro bạn sẽ cần tìm hiểu nhiều hơn để có thể khai thác hết lợi điểm của nó.
Những thủ thuật dưới đây sẽ giúp bạn làm chủ Windows 10 Pro, quản trị hệ thống tốt hơn và tăng hiệu suất làm việc của máy. Lưu ý là một số thủ thuật không khả dụng với phiên bản Windows 10 Home.
1. Dùng tài khoản quản trị ẩn
Khi quá trình cài đặt Windows 10 sắp hoàn tất, bạn sẽ được nhắc tạo ra một tài khoản người dùng. Tài khoản này mặc nhiên có quyền quản trị, nhưng vẫn chưa phải là tài khoản quản trị cấp cao nhất. Nghĩa là với nó, bạn vẫn bị các lưu ý User Account Control (UAC) làm phiền, đòi hỏi phải khẳng định mỗi khi thực hiện những tác vụ nào đó yêu cầu thẩm quyền cao. Nếu bạn thấy điều đó là phiền toái thì hãy bật tài khoản quản trị ẩn lên để sử dụng. Thực hiện như sau:
Từ menu Start gõ cmd rồi nhấn phải chuột vào dòng kết quả tìm thấy ‘Command Prompt’ và chọn ‘Run as Administrator’. Giao diện dòng lệnh hiện ra, từ dấu nhắc hãy gõ: net user administrator /active:yes rồi nhấn phím Enter. Theo mặc định, tài khoản quản trị này chưa có mật khẩu, do vậy bạn cần gán mật khẩu cho nó, bằng cách gõ vào dòng lệnh: net user administrator * để tạo mật khẩu tài khoản.
Kể từ đây, tài khoản quản trị ẩn sẽ xuất hiện tại màn hình đăng nhập. Nếu về sau muốn ẩn nó thì tại dấu nhắc giao diện dòng lệnh bạn gõ: net user administrator /active:no rồi nhấn phím Enter.
Đối với Windows 10 Pro, bạn có thể thực hiện điều tương tự bằng cách nhấn phải chuột vào nút Start rồi chọn Computer Management
2. Thiết lập chính sách cập nhật
Group Policy Editor (GPEdit.msc) là một tính năng rất mạnh của Windows và có sẵn trong các phiên bản Pro, thường được dùng để tinh chỉnh Windows nhằm tối ưu hóa hệ thống. Với Windows 10 mới được cài đặt, chúng ta cần tới GPEdit trước tiên là để thiết lập chính sách cập nhật. Để nạp GPEdit.msc, chỉ việc gõ gpedit.msc vào hộp tìm kiếm hệ thống rồi nhấn Enter, sẽ mở ra cửa sổ Local Group Policy Editor. Để thiết lập chính sách cập nhật Windows hãy chọn nhánh Computer Configuration
Thêm nữa, chúng ta hầu như đều không muốn bên thứ ba sử dụng máy của mình và chiếm dụng một phần băng thông cho việc cập nhật Windows 10 của họ. Ý tưởng này của Microsoft không tồi, tải về một lần và chia sẻ ngang hàng với các PC khác trên mạng. Nếu nó được kích hoạt, bạn có thể chọn chỉ chia sẻ với PC trên cùng mạng LAN hay với bất kỳ máy nào trên Internet. Dĩ nhiên điều đó thì tốt cho những người cài sau. Nhưng rồi vẫn tiếp tục có những người khác cài Windows 10. Do vậy như đã nói, để tránh băng thông bị chiếm dụng một phần ngoài ý muốn, tốt nhất là hãy tắt chế độ cập nhật ngang hàng. Cách làm như sau: truy cập Start Microsoft, người dùng PC khác trên mạng cũng không có cơ hội làm phiền bạn khi họ cài Windows 10.
3. Tăng tốc khởi động thông qua Task Manger
Windows 10 cũng như những phiên bản cũ hơn sau một thời gian sử dụng dễ gặp “bệnh” khởi động chậm. Đó thường là do nhiều chương trình, dịch vụ được nạp ngay từ đầu, và tiếp tục chạy ở chế độ nền. Chúng xuất hiện vì bạn chủ động hoặc vô tình cài thêm các ứng dụng trong quá trình sử dụng. Một số trong chúng có thể hữu ích, như Google Drive hay One Drive để thường xuyên đồng bộ dữ liệu lên mây, nhưng số khác lại không cần thiết hoặc rất ít khi bạn sử dụng, vì thế bạn nên tắt chúng đi để giải phóng tài nguyên giúp hệ thống chạy mượt hơn.
Windows cho phép bạn chặn một số chương trình tự khởi chạy ngay từ đầu. Công cụ thường dùng trước đây là MSConfig, nhưng với Windows 10 thì dùng Task Manager. Để bật màn hình Task Manager, bạn nhấn tổ hợp phím Ctrl-Shift-Esc hoặc nhấn phải chuột vào chỗ trống trên thanh tác vụ rồi chọn Task Manager. Tiếp theo chọn thẻ Startup (nếu cửa sổ Task Manager ở dạng thu gọn thì nhấn nút More details để hiện các tab), bạn sẽ thấy một danh sách các chương trình và dịch vụ khởi động cùng Windows. Chọn chương trình bạn muốn chặn không cho khởi động cùng Windows, sau đó nhấn nút Disable là xong.
Thao tác này không vô hiệu hóa chương trình hoàn toàn mà chỉ ngăn không cho nó nạp khi hệ thống khởi động, và bạn có thể chạy chương trình bất cứ khi nào muốn. Nếu về sau bạn muốn chương trình khởi động cùng Windows 10 thì chỉ việc trở lại chuỗi thao tác vừa rồi và chọn Enable thay vì Disable.
Tab Performance cho phép bạn theo dõi tài nguyên hệ thống đang được huy động. |
4. Quản lý các phiên bản và giấy phép Windows bằng DISM
DISM - Deployment Image Servicing and Management là một công cụ mạnh mẽ được tích hợp sẵn trong Windows 10, cho phép người quản trị sử dụng trong cửa sổ lệnh hay Windows PowerShell để gắn kết (mount) một đĩa ảo hay ảnh Windows phục vụ cho công tác cứu hộ. DISM còn được sử dụng để cài đặt, cấu hình, gỡ bỏ hay cập nhật những tính năng và các gói dịch vụ. Vì vậy, công cụ này chủ yếu dành cho các chuyên gia hệ thống, quản trị mạng.
Là người dùng thông thường, bạn có thể sử dụng công cụ DISM để cập nhật giấy phép sử dụng Windows 10 phù hợp với phiên bản đang dùng. Điều này là hữu ích nếu bạn đã cài Windows 10 từ tính năng nâng cấp miễn phí, sau đó mới trả tiền cho quyền sử dụng. Với DISM bạn không cần cài lại để hợp thức hóa quyền sử dụng phiên bản đã cài. DISM còn cho phép bạn tạo ra nguồn bảo dưỡng phòng hờ để về sau sử dụng phục hồi hay khắc phục khi Windows 10 xảy ra sự cố.
Nếu máy nối mạng và có vài tập tin hệ thống bị hỏng, bạn có thể khắc phục nhanh bằng lệnh: dism /online /cleanup-image /restorehealth.
5. Thao tác nhanh với Windows Explorer cải tiến
Microsoft tiếp tục cải tiến trình quản lý tập tin File Explorer. Đáng chú ý nhất là tab Share cho phép bạn nhanh chóng chia sẻ tập tin với nút Share. Đặc biệt là với nút Email bạn có thể gửi ngay một hay vài tập tin đã được đánh dấu trên File Explorer với tài khoản đã cấu hình mà không cần mở ứng dụng email. Tab Share còn có các nút Print, Zip, Fax, và Burn to disc giúp bạn thao tác nhanh gọn các công việc liên quan tập tin, tương ứng: in, nén, gửi fax, và ghi đĩa.
Trong cửa sổ giao diện File Explorer, khu vực truy cập nhanh Quick Access ở ngay trên cùng là nơi hiển thị đường dẫn tắt tới các folder (thư mục) thường được sử dụng. Điều này đặc biệt hữu ích trong môi trường nhiều ổ đĩa mạng được gắn vào, bạn đỡ tốn thời gian cuộn xuống tìm kiếm mỗi khi cần truy cập. Khu vực Quick Access cũng là nơi hiển thị các tập tin hay dùng chứ không riêng gì thư mục. Ribbon của File Explorer thông minh hơn trước, vì đã nhận biết bạn đang tương tác với kiểu tập tin nào. Nếu bạn chọn (làm sáng) một tập tin ảnh sẽ xuất hiện thêm tab Manage có các công cụ xử lý ảnh như xoay hay trình chiếu. Hay trường hợp nếu đó là tập tin thực thi EXE thì có lựa chọn ghim vào taskbar hay khởi chạy với quyền Admin hoặc người dùng cuối.
6. Đọc bài “sạch” với reader mode của Edge
Các trang Web ngày nay trông rối do quảng cáo hiển thị loạn xạ, khiến bạn dễ bị phân tâm khi đọc một bài viết. Hơn nữa những hiệu ứng quảng cáo cùng các video phát tự động còn làm cho máy chạy không được mượt mà. Trình duyệt Edge có cách đối phó tình trạng này với một chế độ chuyên cho việc đọc bài online, gọi là reader mode. Để bật chế độ này sau khi mở bài viết, bạn chỉ việc nhấn vào biểu tượng hình quyển sách ở bên phải ô hiển thị đường link, khi đó mọi thứ “râu ria” sẽ được dọn sạch, chỉ còn lại nội dung bài viết hiện trên màn hình. Điều kiện cần có là website phải hỗ trợ reader mode.
Trình duyệt Edge liên tục được Microsoft cải tiến, mới nhất là khả năng quản lý tab. Giờ đây không cần rời khỏi trang hiện tại bạn vẫn có thể biết nội dung các tab khác của trình duyệt Edge nhờ thanh xem trước “tab preview bar” có kích thước rộng đủ để hiển thị trang dưới dạng thumbnail. Ngoài ra, Edge còn có nút “Set tabs aside” bên trái giúp bạn dấu nhanh các tab sang một bên, và nhanh chóng phục hồi lại khi cần dùng với một lần nhấn.
7. Sử dụng phím tắt
Nhấn phím WinKey để kích hoạt nhanh menu Start thì có lẽ ai cũng thích dùng. Nhưng Windows 10 còn cung cấp nhiều phím tắt khác, rất tiện cho thao tác nhanh. Dưới đây là một số tổ hợp phím có lẽ người dùng Windows 10 nào cũng nên biết để tăng tốc độ làm việc:
WinKey + I – mở ứng dụng Settings
WinKey + A – mở trung tâm hành động Action Center
WinKey + E – mở File Explorer
WinKey + R – mở hộp thoại Run
WinKey + M – thu nhỏ toàn bộ các cửa sổ đang mở
WinKey + S – mở hộp tìm kiếm Cortana
WinKey + Number – mở ứng dụng tương ứng vị trí ghim trên taskbar, tính từ trái qua
Ctrl + C và Ctrl + V – hai tổ hợp phím tắt để sao chép (copy) và dán (past) này có tác dụng cả với cửa sổ lệnh và Windows PowerShell mở ra từ menu ngữ cảnh khi nhấn WinKey + X.
8. Đa nhiệm với desktop ảo
Desktop ảo (virtual desktop) là một trong những tính năng mới và thú vị nhất trên Windows 10. Nó cho phép bạn tạo và quản lý nhiều môi trường desktop khác nhau để tổ chức các cửa sổ chương trình đang chạy theo từng mục đích riêng trong mỗi desktop ảo. Chẳng hạn bạn tạo một desktop ảo để quản các công cụ giám sát mạng, desktop thứ hai cho các ứng dụng văn phòng, và một desktop nữa cho những tác vụ cá nhân như chơi game, truy cập mạng xã hội.
Khi nhấn biểu tượng Task View nằm ngay cạnh biểu tượng Windows hoặc Cortana trên thanh Taskbar, hoặc nhấn tổ hợp phím WinKey + Tab, bạn sẽ thấy loạt cửa sổ dạng thumbnail của các ứng dụng đang chạy thuộc desktop chính. Ngang bên dưới màn hình là danh sách các desktop ảo (Desktop 1, Desktop 2,…). Bạn có thể nhanh chóng thêm hay đóng bớt một desktop, hoặc kéo và thả để chuyển một cửa sổ ứng dụng từ desktop này sang desktop khác. Việc chuyển qua lại giữa các desktop thì dùng phím mũi tên trái/phải hoặc chuột.
9. Sử dụng Snap xếp nhanh cửa sổ ứng dụng
Tính năng Snap của Windows 10 cho phép bạn sắp xếp nhanh và chính xác cửa sổ ứng dụng theo ý mình. Chẳng hạn, nhấn tổ hợp phím Winkey + Mũi tên trái để thu hẹp cửa sổ đang mở sang nửa trái màn hình, tương tự Winkey + Mũi tên phải/lên/xuống là tương ứng với thu hẹp Windows sang bên phải/lên/xuống.
10. Tự động dọn dẹp ổ cứng
Đôi khi bạn cần xóa dữ liệu cũ không cần thiết nữa để tăng dung lượng chứa dữ liệu mới, ngoài ra công việc dọn dẹp ổ cứng còn có tác dụng giúp Windows chạy nhanh hơn nhờ truy tìm dữ liệu trên ổ cứng nhanh hơn. Những bản cập nhật gần đây của Windows 10 cho phép bạn đặt chế độ tự động xóa bỏ những tập tin tạm không cần dùng và làm sạch thùng rác (Recycle Bin). Để thực hiện, bạn truy cập Settings Storage sense bằng cách gạt nút trượt phía dưới sang On. Nhấn vào “Change how we free up space” để thay đổi tùy chỉnh giải phóng ổ cứng theo ý mình.
Tại đây, nếu bạn muốn thực hiện ngay thì nhấn vào nút Clean now.