Apple đang làm hỏng Siri?

Đây là nhận định của nhà đồng sáng lập Siri Norman Winarsky. Ông nói Apple đang “làm hỏng” Siri!
Trong vài năm trở lại đây, trợ lý ảo Siri của Apple đã được cải thiện rất nhiều, nhưng trợ lý ảo này vẫn không phải là "sản phẩm thay đổi cuộc chơi", khi mà nhiều người từng dự đoán về nó sau khi Siri xuất hiện trên iPhone 4s vào năm 2011.
 
Có vẻ như trợ lý ảo Siri của Apple đang bị lấn lướt bởi các trợ lý ảo của các hãng công nghệ khác, đang cạnh tranh mạnh mẽ với Apple, như Google, Amazon hay Samsung. Ngay cả khi đứng trước một điều rất cơ bản là nhận dạng giọng nói, Siri cũng đang nằng trong xu hướng đứng sau các đối thủ.
Có vẻ như trợ lý ảo Siri của Apple đang bị lấn lướt bởi các trợ lý ảo của các hãng công nghệ khác.
Mặc dù Apple có hẳn một đội ngũ rất đông đảo và hùng hậu là các chuyên viên và các kỹ sư tài năng, kể cả các nhà nghiên cứu để nâng cao trải nghiệm Siri, song câu hỏi này vẫn luôn được người dùng đặt ra: Rằng, tại sao Siri không phải là trợ lý ảo thông minh xuất sắc trên thị trường?
 
Giải đáp thắc mắc này, Norman Winarsky - đồng sáng lập Siri (Apple đã mua lại Siri trong năm 2010), mới đây đã phát biểu rằng, các mục tiêu của Apple cho Siri chỉ đơn giản là quá rộng. Nói cách khác, Winarsky tin rằng Apple muốn Siri phải giỏi nhiều thứ thay vì chỉ tập trung vào một vài thứ.
 
Winarsky cho biết, trước khi về với Apple, Siri đã có được những dự định rất cụ thể, sẽ là một trợ lý ảo chuyên về du lịch và giải trí. Ví dụ, nếu bạn đến sân bay và phát hiện ra chuyến bay bị huỷ bỏ, Siri sẽ tìm kiếm cho bạn một chuyến bay khác để thay thế, giúp bạn đến nơi cần đến nhanh nhất
có thể. Hoặc, nếu như không có chuyến bay nào khác, nó sẽ tìm cho bạn một phòng khách sạn, sẵn sàng để bạn trú ngụ trong lúc chờ. Và còn nhiều tiện ích khác nữa nó có thể giúp bạn trong quá trình di chuyển và đi du lịch. Nhưng khi về với Apple, Apple đã giới thiệu Siri như một "trợ lý đa năng", có thể giúp bạn trong tất cả các lĩnh vực, đó là một thách thức lớn chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian để hoàn thiện.
 
Cũng cần lưu ý rằng, theo một số người, những thiếu sót của Siri có thể là do nỗi ám ảnh của Apple trong việc bảo vệ dữ liệu riêng tư của người dùng và không gửi dữ liệu đó lên đám mây như các công ty khác. Từ lâu, Apple đã duy trì các khả năng AI đặc biệt và bảo vệ dữ liệu người dùng không phải là các mục tiêu loại trừ lẫn nhau.
 
Về điều này, ông Greg Joswiak - Giám đốc Apple, từng nói với trang Fast Company hồi năm ngoái rằng: "Đúng là chúng tôi muốn dữ liệu càng tối ưu càng tốt, đó chắc chắn là điều rất nhiều người dùng mong đợi, và họ biết rằng chúng tôi xử lý dữ liệu riêng tư của họ khác với các công ty khác".
 
Bản thân Apple tất nhiên cũng nhận thức được những thách thức mà Siri đang phải đối mặt. Theo đó, Apple đã và đang thực hiện một số vụ mua lại, với những nỗ lực để nhằm tăng năng lực cho Siri. Và người dùng vẫn đang trông chờ xem liệu Siri có cải tiến mới nào không tại sự kiện WWDC trong tháng 6 tới đây.