Pin không giống như một bình nhiên liệu, có nghĩa là điện thoại sẽ không thể đo lượng nhiên liệu hoặc năng lượng trong pin. Điều duy nhất mà điện thoại có thể làm, cùng với các thiết bị điện tử được tích hợp pin khác, là ước tính dựa trên độ bền của pin và đo năng lượng đã được sử dụng kể từ lần sạc pin gần đây nhất.
Để hiểu rõ hơn, chúng ta cần tìm hiểu về cách tính toán dung lượng % pin của điện thoại. Ví dụ, điện thoại có thể theo dõi lượng pin mà người dùng đã sử dụng kể từ lần sạc đầy gần đây nhất và trừ nó cho giá trị dung lượng cuối cùng của pin. Nhưng giá trị dung lượng hiện tại cũng là ước tính dựa trên việc sử dụng trong quá khứ. Nếu pin không bao giờ rơi vào trạng thái cạn kiệt hoàn toàn, điện thoại sẽ khó biết được thời gian sạc đầy có thể kéo dài bao lâu, do đó ước tính sẽ khó khăn hơn.
Một giải thích đơn giản cho việc tại sao 1% có thể tồn tại trong thời gian dài là do điện thoại đã đánh giá thấp dung lượng pin hiện tại. Vì vậy, khi người dùng đến mức mà mình nghĩ là pin sắp hết (1%) nhưng thực tế pin còn nhiều dung lượng hơn những gì mà điện thoại đang ước tính.
Về cơ bản, do việc đưa ra ước tính sẽ rất khó nên các nhà thiết kế thuật toán phần mềm cho rằng sẽ tốt hơn hết là đánh giá mức tối đa mà pin có thể hết, sau đó đưa ra kết quả thấp nhất để tránh trường hợp điện thoại bất ngờ hết pin. Hay nói đúng hơn, pin có thể còn 5% trong thực tế nhưng thuật toán tính toán chỉ để mức 1% nhằm giúp mọi người chuẩn bị tốt hơn trước khi pin hết thực sự, chẳng hạn sao lưu dữ liệu hoặc tìm bộ sạc để nạp pin cho máy.
Trên thực tế, các thuật toán được sử dụng để ước tính dung lượng và mức sử dụng hiện tại rất phức tạp, thậm chí thay đổi theo kiểu pin và nhà sản xuất. Hơn nữa, các yếu tố như nhiệt độ cũng ảnh hưởng đến phép đo. Trong trường hợp người dùng muốn cải thiện ước tính, ít nhất là tạm thời, cho thuật toán đo trên smartphone, người dùng cần thực hiện một chu kỳ sạc/xả lại hoàn toàn. Có nghĩa là máy nạp đến 100%, sau đó sử dụng cho đến khi tắt hoàn toàn (0%).