Trong quá trình sử dụng thông thường, máy tính thường vận hành khá êm ái. Có thể quạt sẽ ồn hơn khi thực hiện các tác vụ nặng như chơi game hay biên tập video, nhưng nếu bạn nghe thấy những âm thanh như tiếng sột soạt, tiếng bíp, hay tiếng lách cách phát ra từ thùng máy, có lẽ đang có vấn đề gì đó.
Liệu có phải một linh kiện đã hỏng và cần thay thế? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những tiếng ồn khác nhau có thể phát ra khi máy tính hoạt động, và ý nghĩa của chúng.
1. Tiếng lách cách hay sột soạt
Ổ đĩa cứng (HDD) từng một thời là chuẩn mực trong việc lưu trữ dữ liệu trên máy tính bởi chúng có giá rẻ nhưng dung lượng lớn. Tuy nhiên, ổ đĩa thể rắn (SSD) hiện nay đã phải chăng hơn và là một lựa chọn tốt hơn nhiều.
Khi sử dụng SSD, máy tính của bạn sẽ khởi động cũng như truy cập đến các tập tin nhanh hơn. SSD cũng khó hư hỏng hơn so với HDD bởi chúng sử dụng bộ nhớ flash, có nghĩa là không có thành phần nào di chuyển cả.
Nếu vẫn sử dụng HDD, điều quan trọng cần biết là chúng là loại thiết bị cơ học. Để đọc dữ liệu trên HDD, một cây kim sẽ chạy dọc theo một đĩa từ khá nhạy cảm - bất kỳ thiệt hại nào xảy ra đối với đĩa này đều có thể dẫn tới thất thoát dữ liệu.
Đó là lý do tại sao bạn không nên di chuyển một ổ HDD khi nó đang chạy, bởi bạn có thể gây rung lắc cây kim và làm đĩa bị trầy xước. Ngoài ra, HDD còn bị hư hỏng nếu bụi bẩn lọt vào bên trong.
Nếu HDD sắp hỏng, bạn sẽ nghe một âm thanh ken két, lách cách, hay sột soạt. Tất cả đều báo hiệu tình huống nghiêm trọng và có khả năng cao bị mất dữ liệu. Lúc đó, bạn nên ngay lập tức sao lưu dữ liệu và ngừng sử dụng ổ đĩa đó, mua một ổ HDD mới hoặc tranh thủ cơ hội nâng cấp lên ổ SSD.
2. Tiếng rít của cuộn dây
Tiếng rít của cuộn dây (từ gốc tiếng Anh là Coil Whine) là một âm thanh chói tai, cường độ cao, phát ra từ các linh kiện điện tử. Trong máy tính, nó thường bắt nguồn từ card đồ hoạ hoặc bộ cấp nguồn.
Khi điện chạy qua các cuộn dây trong các linh kiện đó, chúng rung lên và tạo ra tiếng ồn như rên rỉ. Tiếng ồn này sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào cường độ dòng điện đang chạy qua - do đó nếu bạn đang chơi một tựa game nặng, card đồ hoạ sẽ cần nhiều điện năng hơn, dẫn đến tiếng rít cuộn dây lớn hơn.
Các linh kiện trong máy tính có thể không tạo ra tiếng rít nghe được. Ngoài ra, nếu bạn không nhạy với những tiếng ồn cường độ cao, bạn cũng sẽ hiếm khi để ý thấy nó. Dù sao đi nữa, tiếng rít cuộn dây không báo hiệu tình huống nguy hiểm, đó chỉ là một sản phẩm phụ tự nhiên của một linh kiện điện tử mà thôi.
Nói là vậy, nhưng tiếng rít cuộn dây đôi lúc cũng gây bực bội. Một số nhà sản xuất linh kiện sẽ xếp nó vào nhóm "lỗi" và thay thế miễn phí cho bạn, do đó hãy liên hệ với nơi bán nếu bạn cảm thấy tiếng ồn này quá khó chịu nhé.
3. Tiếng vù vù hay vo vo
Quạt giúp máy tính bạn luôn mát. Bộ vỏ và bộ cấp nguồn sẽ có quạt đi kèm, và vi xử lý lẫn card đồ hoạ cũng tương tự.
Âm lượng của các quạt này trong điều kiện sử dụng bình thường sẽ tuỳ thuộc vào loại quạt và khả năng làm mát của thùng máy. Khi máy tính cần nhiều điện năng hơn, các linh kiện sẽ nóng lên và quạt sẽ tăng tốc để giữ mọi thứ mát mẻ.
Chính vì vậy, nếu bạn nghe tiếng vù vù hay vo vo, không hẳn có điều gì xấu đang xảy ra. Đó chỉ là tiếng quạt quay thôi. Nhưng nếu quạt luôn quay ở tốc độ tối đa, có thể nó đang báo hiệu máy tính bị quá nhiệt và bạn cần tăng cường các biện pháp để làm mát.
Có khá nhiều cách để giảm tiếng ồn quạt máy tính, như mua các loại quạt gắn thùng máy yên lặng hơn từ các nhà sản xuất có tiếng, cài đặt đế chống rung, hoặc sử dụng phần mềm để kiểm soát biểu đồ quạt (thiết lập tốc độ quạt tương ứng với từng mức nhiệt độ cụ thể).
4. Máy tính của bạn kêu cạch cạch?
Nếu bạn nghe tiếng cạch cạch từ máy tính, điều đầu tiên cần làm là gỡ bỏ bất kỳ thứ gì bạn đang đặt trên thùng máy - ổ cứng gắn ngoài, headset, tượng trang trí... Rung động bên trong máy tính có thể truyền sang vỏ thùng và làm rung lắc những thứ bên trên.
Nếu vấn đề chưa được giải quyết, tiếng cạch cạch có thể do quạt gây ra. Đầu tiên, tắt máy tính, mở thùng máy ra, và đảm bảo mọi sợi cáp đều đã được buộc chặt với nhau và đặt xe các cánh quạt. TIếng cạch cạch có thể là do quạt đang chém vào dây, và trong tình huống xấu nhất, nó sẽ dẫn đến sự cố đoản mạch.
Thứ hai, khi đang mở thùng máy, kiểm tra kỹ mọi linh kiện đã được gắn chặt chưa, có con ốc nào bị lỏng không. Nhiều khả năng nguyên nhân ở đây là các ổ đĩa không ổn định trong khu vực khay, hoặc bo mạch chủ được gắn chưa chính xác.
Nếu hai cách trên đều không giải quyết được vấn đề, tiếng cạch cạch rất có thể xuất phát từ quạt. Sử dụng bình khí nén để thổi bay bụi bẩn đọng trên các cánh quạt. Ngoài ra, theo thời gian, ổ xoay của quạt sẽ bị mòn. Nếu tự tin, bạn có thể tháo rời quạt ra và cho vào đó một ít nhớt.
Tuy nhiên, đừng làm điều này với quạt của bộ cấp nguồn. Mở bung một bộ cấp nguồn khi điện vẫn còn bên trong có thể gây tử vong. Nếu bộ cấp nguồn vẫn còn bảo hành, hãy gửi nó đi sửa. Nếu không, hãy cân nhắc mua một cái mới.
5. Sửa lỗi khi máy phát ra tiếng bíp
Khi bạn bật máy tính lên, nó sẽ thực hiện bước tự kiểm tra (POST). Bước này về cơ bản sẽ kiểm tra xem mọi thứ có hoạt động hay không, sau đó sẽ khởi động vào hệ điều hành.
Nếu bước POST thất bại, bạn sẽ nghe một loạt tiếng bip. Chúng phát ra từ bo mạch chủ nhằm báo cho bạn biết vấn đề xảy ra là gì. Những tiếng bíp này có thể là dấu hiệu của nhiều thứ, bao gồm hỏng RAM, CPU, GPU, hay chính bo mạch chủ.
Tuy nhiên, nếu thường xuyên nghe một tiếng bíp duy nhất và máy tính vẫn vượt qua bước POST, thì không có gì phải lo lắng đâu.
Bạn nên xem hướng dẫn sử dụng của bo mạch chủ để biết những tiếng bíp kia có ý nghĩa gì. Không có một định nghĩa chung nào. Nếu máy tính của bạn thuộc loại máy bộ lắp sẵn bởi các công ty như Dell hay HP, hãy xem hướng dẫn đi kèm trong thùng máy, hoặc liên hệ bộ phận chăm sóc khách hàng. Dù là vấn đề gì đi nữa, khi nghe tiếng bíp, bạn cũng nên giải quyết càng sớm càng tốt.