Lần đầu tiên, con người có cơ hội trò chuyện với một phiên bản lớn tuổi hơn của chính mình về cuộc sống và những ước mơ tương lai thông qua một chatbot sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến.
Dự án mang tên "Future You" được phát triển bởi các nhà nghiên cứu tại MIT Media Lab cùng với các cộng sự quốc tế, cho phép người dùng tương tác với một mô phỏng của bản thân ở độ tuổi 60 đến 70.
Theo Live Science, người dùng có thể giao tiếp với AI qua giao diện văn bản, thảo luận về cách đạt được mục tiêu trong cuộc sống dựa trên hoàn cảnh, niềm tin và quan điểm hiện tại. Mục tiêu của hệ thống là giúp người dùng cảm thấy gắn kết hơn với phiên bản tương lai của chính mình.
Tiến sĩ Hal Hershfield, đồng tác giả nghiên cứu và giáo sư về marketing tại Đại học UCLA, cho biết việc nhận lời khuyên từ phiên bản lớn tuổi hơn của bản thân thay vì từ một chatbot thông thường giúp con người cảm thấy lạc quan hơn về tương lai. Ông nhấn mạnh: “Các yếu tố sống động và tương tác của nền tảng này cung cấp cho người dùng một điểm tựa, biến những lo âu trừu tượng thành điều cụ thể và mang tính xây dựng hơn.”
Hệ thống "Future You" sử dụng mô hình tạo ảnh có tên StyleClip. Sau khi người dùng tải lên một bức ảnh chân dung, hệ thống sẽ tạo ra hình ảnh của họ ở tuổi 60, thêm các chi tiết như nếp nhăn và tóc bạc. Dữ liệu huấn luyện cho chatbot đến từ các câu trả lời của người dùng về tình trạng cuộc sống hiện tại, thông tin nhân khẩu học, cũng như các mục tiêu và lo ngại về tương lai. Những câu trả lời này được xử lý bởi ChatGPT, phiên bản GPT-3.5 của OpenAI, để tạo ra một “bộ nhớ tương lai”.
Mô hình StyleClip sẽ tạo ra hình ảnh của người dùng ở tuổi 60.
Chatbot này sẽ trả lời các câu hỏi về cuộc sống tương lai của người dùng và đưa ra những lời khuyên về các lộ trình có thể để đạt được những gì họ mong muốn. Hệ thống cũng được thiết kế để bảo vệ người dùng khỏi các diễn biến tiêu cực, liên tục nhắc nhở rằng đây chỉ là một kịch bản tương lai tiềm năng.
Dự án đã tuyển chọn 344 người nói tiếng Anh từ 18 đến 30 tuổi để tương tác với hình ảnh đại diện của chính họ trong tương lai, mỗi người tham gia từ 10 đến 30 phút. Kết quả thu được cho thấy, phần lớn người tham gia cảm nhận được sự giảm lo âu, tăng cường động lực và cảm giác gắn kết sâu sắc hơn với phiên bản tương lai của bản thân.
Theo các nhà nghiên cứu, sự gắn kết này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các quyết định dài hạn của mỗi cá nhân, mở ra hướng đi mới cho việc phát triển tâm lý và hành vi trong tương lai.
Jeremy Bailenson, giám đốc Phòng thí nghiệm Tương tác Con người Ảo tại Đại học Stanford, nhận xét: “Nghiên cứu này đã mở ra một con đường mới bằng cách kết hợp kỹ thuật tâm lý đã được chứng minh về việc hình dung thời gian tương lai với AI tiên tiến.” Ông cho rằng đây là loại nghiên cứu mà giới học thuật nên tập trung vào khi công nghệ xây dựng các mô hình bản thân ảo kết hợp với các mô hình ngôn ngữ lớn.