Chị em Kylie-Kendall Jenner sảy chân: Làm liều bán AirPods fake trên Instagram vì ham tiền quảng cáo?

Không phải cứ dùng nhiều thì sẽ đủ sức phân biệt AirPods thật-giả đâu nhé.

Mới đây, 2 chị em đình đám trong làng showbiz thế giới - Kylie Jenner và Kendall Jenner - đã khiến dân tình bất ngờ khi bị "tố" bán AirPods hàng nhái trên Instagram cá nhân. Dù vậy, đây không phải sự việc đầu tiên xảy ra với những người nổi tiếng. Lý do chủ yếu là do họ vô tình bất cẩn trong việc kiểm tra sản phẩm vì thiếu các công cụ chuyên nghiệp, hoặc do sản phẩm làm giả quá tinh vi.

Cụ thể, Kylie và Kendall đều đã công khai đăng tải hình ảnh quảng cáo cho mẫu sản phẩm AirPods trên Instagram mà sau đó bị phát hiện là hàng "fake". Apple cho biết hành động bán hàng giả là vi phạm luật sở hữu bản quyền trí tuệ của họ. Trước đây, công ty cũng đã mạnh tay xử lý với một số người nổi tiếng lầm lỡ, nhưng hiện họ và cả 2 chị em Jenner vẫn chưa đưa ra thêm bình luận gì.

Chị em Kylie-Kendall Jenner sảy chân: Làm liều bán AirPods fake trên Instagram vì ham tiền quảng cáo? - Ảnh 1.

Chuỗi stories mà Kylie Jenner đăng tải quảng cáo cho sản phẩm nhái AirPods.

Chân tướng vụ việc

Hầu hết sản phẩm hàng fake được giới thiệu bởi người nổi tiếng rồi sau đó bị "bóc phốt" đều do một nguồn khác đề nghị quảng cáo trên mạng xã hội. Trong đó, AirPods và Apple Watch là những mặt hàng hay được tìm thấy nhất. Tuy nhiên, dù có cố thế nào thì việc tìm ra nguồn sản xuất hàng giả đứng sau hành động đó cũng vô cùng khó khăn, bởi chúng đều trỏ về những đường link vận chuyển hàng ẩn danh từ Trung Quốc.

Trải qua quãng đường vận chuyển hàng xa xôi, người dùng chỉ có thể phát hiện ra đó là hàng giả khi sử dụng. Tất nhiên, họ không có cơ hội liên lạc để trả hàng và hoàn tiền.

Chị em Kylie-Kendall Jenner sảy chân: Làm liều bán AirPods fake trên Instagram vì ham tiền quảng cáo? - Ảnh 2.

Trong nhiều vụ việc, đối tác liên hệ tới những người nổi tiếng để quảng cáo thường đảm nhận vai trò "drop shipping" - thuật ngữ dành cho những nhà bán lẻ trung gian, không phải nhà sản xuất gốc mà chỉ thực hiện tìm kiếm khách rồi liên hệ và kết nối tới nguồn hàng, kiếm lợi nhuận từ việc bán lãi cao hơn giá gốc nhưng vẫn đảm bảo hấp dẫn với người mua. 

Thị trường hàng hóa Trung Quốc có rất nhiều loại hàng hóa giá rẻ (bao gồm cả hàng giả) nên rất được các drop-shipper ưa chuộng. Họ có thể kiếm lãi khổng lồ như một doanh nhân thực thụ mà chẳng bao giờ phải lo sản xuất hàng hóa, bởi họ chỉ đảm nhận khâu kết nối trung gian và nguồn khách hàng ổn định là đủ.

Dĩ nhiên, nhiều người thừa nhận những mặt tối đằng sau hình thức này, nhất là rủi ro về quyền lợi người mua khi nhận phải hàng giả, hoặc hàng lỗi nhưng không được phục vụ bảo hành tối ưu.