Năm 1995, PlayStation chính thức ra mắt làng game toàn thế giới vào tháng 09. Thế nhưng trước đó, tại sự kiện E3 năm đó, diễn ra vào tháng 05, Sony, hay chính xác hơn là chủ tịch Sony Computer Entertainment of America, Steve Race đã có một bài diễn văn vỏn vẹn 1 từ, và đó chính là khoảnh khắc phũ nhất lịch sử làng game mà đến nay không phải ai cũng biết hay còn nhớ.
Dĩ nhiên trước khi nói đến khoảnh khắc này, chúng ta cũng cần phải nhắc đến những chi tiết lịch sử dẫn đến quyết định của Sony, tự mình thiết kế và bán chiếc máy chơi game huyền thoại PlayStation. Tất cả mọi chuyện hóa ra đều liên quan tới Nintendo và Sega.
Nintendo và âm mưu đầy tráo trở
Trước đây, chúng tôi đã đăng tải một bài viết nói về mối lương duyên không thành giữa Nintendo và Sony năm 90. Sony, họ hoàn toàn không muốn bỏ qua thị trường máy chơi game gia đình đang bùng nổ thời điểm đó. Tính đến đầu những năm 90, dù là một gã khổng lồ trong ngành công nghiệp điện tử gia đình, thế nhưng ở thị trường game, Sony chẳng tạo ra bất kỳ ấn tượng nào trong mắt người yêu game cả.
Khi vẫn còn đang tuyệt vọng trong việc chiếm lấy cho mình một mảnh của chiếc bánh khổng lồ ngon lành mang tên thị trường game, thứ mà Nintendo và Sega đang độc chiếm, Sony đã tung ra không ít sản phẩm thất bại, trong đó có mẫu máy tính MSX và thương hiệu phát hành game mang tên ImageSoft. Và thế là, việc bắt tay với Nintendo trở thành lựa chọn có vẻ hợp lý nhất.
Ở bề ngoài, chúng ta có thể thấy Nintendo là một công ty với bề ngoài thân thiện, với những tựa game vui nhộn hợp với trẻ em trên toàn thế giới. Thế nhưng nếu đã xét tới vấn đề kinh doanh, thì một kẻ đầu óc đầy mưu mô và tài năng kinh doanh như Yamauchi đã biến Nintendo trở thành một tập đoàn tham lam, sẵn sàng làm mọi thứ chỉ vì đồng tiền. Ngay cả những nhà phát triển làm game cho họ cũng bị tước mất một khoản tiền để đổi lấy "tem đảm bảo" độc quyền cho hệ máy NES hay SNES.
Những khoản phí mà các hãng game phải nộp cho Nintendo lên tới vài triệu USD mỗi năm. Ở vị thế của một kẻ độc tôn như vậy, việc đòi hỏi họ phải chia một phần thị trường cho Sony là điều có nằm mơ cũng không thể trở thành sự thật, ít nhất là khi họ còn đang hợp tác với nhau. Về phần Sony, mục đích của họ rất đơn giản và rõ ràng: Bước chân vào thị trường game. Nếu mục tiêu của họ thành công, thì từ một thỏa thuận hợp tác, Nintendo sẽ tự tạo ra một đối thủ cạnh tranh mới! Hệ quả, Yamauchi đến nhờ Philips, tập đoàn điện tử Hà Lan tạo ra ổ đĩa CD cho SNES trong một thỏa thuận bí mật. Trong khi đó, Sony vẫn tập trung hoàn thành kế hoạch của riêng họ.
Cái bắt tay trở thành cuộc chiến khi cả Sony, Nintendo và Philips tham dự hội chợ điện tử tiêu dùng CES năm 1991. Trong khi Sony hoan hỷ giới thiệu định dạng Super CD, cùng với ổ đĩa dành cho SNES, kỳ vọng rằng nó sẽ là tấm vé đưa họ đến với cuộc chơi lớn của các ông trùm console, thì ngay ngày hôm sau, Nintendo lại đạp đổ hết mọi nỗ lực của Sony, khi chính thức công bố thỏa thuận với Philips mà chúng ta đã biết.
Sega cũng chối từ
Bẽ bàng sau khi bị Nintendo phản bội. Sony đem ý tưởng máy chơi game với ổ đĩa CD đến với đối thủ kình địch của Nintendo khi ấy là Sega. Sếp sòng Sony đến tận nơi gặp Tom Kalinske, CEO Sega Mỹ để bàn chuyện làm ăn. Giám đốc mảng phát hành game của Sony, Olaf Olafsson cùng chủ tịch Sony Bắc Mỹ, Mickey Schulhoff nói với Kalinske: "Chúng tôi chẳng ưa gì Nintendo. Các bạn cũng vậy. Chúng tôi có cái studio làm game ở Santa Monica, nhưng chẳng biết nên làm gì với nó. Chúng tôi muốn nhờ Sega chỉ cách làm game cho họ, và cũng nghĩ rằng CD sẽ là nền tảng phân phối game tuyệt nhất."
Tom Kalinske
Sony không sai một chút nào cả. Trước khi CD trở thành định dạng hoàn hảo của thập niên 90, tuyệt đại đa số những cỗ máy chơi game đầu thập kỷ đều sử dụng băng game. Thế nhưng, việc sản xuất băng thì đắt đỏ, nhưng dung lượng thì ít. Thời đó tựa game nặng nhất chỉ có... 6MB. Dung lượng càng cao, game càng tốn tiền sản xuất băng, chứ không như bây giờ, game càng bom tấn thì game thủ càng tốn tiền mua ổ cứng mới để tải về.
Mọi thứ nghe ổn cho đến khi chủ quản của Sega tại Nhật Bản lắc đầu và nói "không". Họ, với cách nghĩ của những nhà làm phần cứng và game tại Nhật Bản, cũng đang ủ mưu cho ra mắt thế hệ console 32 bit chạy đĩa CD mang tên Saturn. Một lần nữa bị chối từ, Sony và Ken Kutaragi quyết định, sẽ tự làm PlayStation, không nhờ cậy đến ai nữa.
"299"
Thiên thời địa lợi nhân hòa bỗng nhiên đứng về phía Sony vào năm 1995, khi người Nhật, cụ thể hơn là những vị giám đốc của Sega Nhật Bản quyết định đẩy Sega Saturn ra mắt tại Mỹ sớm hơn 4 tháng so với dự định là cùng lúc với PlayStation. Họ nghĩ rằng ra mắt trước sẽ có lợi thế, vì ngay tại Nhật Bản, PlayStation đang vượt mặt Sega Saturn, bất chấp việc cỗ máy của Sega ra mắt trước hẳn 2 tuần. Cần nhớ khi ấy, console không ra mắt đồng loạt trên toàn thế giới như bây giờ.
Chủ tịch Sega Nhật Bản, Nakayama đòi Tom Kalinske phải làm mọi thứ để khán giả đến tham dự E3 1995 ra về có thể mua Sega Saturn ngay, và sự bất ngờ này khiến cả làng game tức giận. Ngày ra mắt, Sega Saturn chỉ có vỏn vẹn 6 game, và không một nhà phát triển nào muốn làm việc cùng Sega nữa, vì máy đã khó lập trình game, lại còn ra mắt không báo trước, khiến mọi kế hoạch của họ đều đổ sông đổ bể.
Về phần game thủ, họ không kịp trở tay. 399 USD khi ấy cho một chiếc Sega Saturn là quá sức đối với họ, không làm cách nào tiết kiệm kịp. Và khi ấy, Sony đóng chiếc đinh cuối cùng vào cỗ quan tài dành cho Sega, chấm dứt mọi nỗ lực của gã khổng lồ khi ấy với bài phát biểu vỏn vẹn 1 từ: "299" của Steve Race:
Sony PlayStation: 299 (E3 1995)
"299" là mức giá tính theo USD của PlayStation tại Mỹ. Cộng đồng game thủ có mặt trong khán phòng phát điên vì mức giá này và reo hò ầm ĩ, hệt như cách họ làm hồi năm 2013 khi biết giá của chiếc máy chơi game PS4 rẻ hơn Xbox One tới 100 USD vậy. Khoảnh khắc đó đã trở thành pha "phản dam" phũ phàng nhất lịch sử game, chưa một ai đủ sức lặp lại được.
Về phần Sega, không phải Dreamcast năm 2000, mà chính Saturn với những bước đi sai lầm, cùng hành động của Sony năm 1995 đã khiến họ bị loại khỏi cuộc chơi. Còn Sony, chính việc tự thân vận động đã khiến PlayStation nói riêng và Sony Interactive Entertainment nói chung trở thành một trong những mảng đem về nhiều tiền nhất cho tập đoàn điện tử khổng lồ này.