Chắc hẳn không chỉ có mình tôi mà còn cả những người sở hữu thiết bị công nghệ đắt tiền này đòi hỏi nó phải đáng với số tiền mà họ bỏ ra. Nếu như trước đây chúng ta có thể mua chiếc điện thoại giá hàng ngàn USD thậm chí là khảm đá quý trên bề mặt nhưng xu hướng ấy giờ đây đã dần mờ nhạt. Những gì mà người dùng hiện đại ngày nay cần, không chỉ là lớp sơn đẹp, mà bên cạnh đó còn là phần gỗ bên trong phải thật sự hữu dụng.
Về những công nghệ đến từ tương lai, hay cấu hình phần cứng mạnh mẽ phục vụ cho công việc lẫn giải trí, có lẽ chiếc Galaxy Fold này không có gì phải bàn đến. Đó là lý do vì sao tôi quyết định chọn nó mang theo dịp công tác mới đây và để laptop ở nhà, nhưng bên cạnh những tác vụ ấy, chụp ảnh trên chiếc Galaxy Fold này có thực sự xứng tầm với cái mác "luxury" của nó hay chỉ là "thùng rỗng kêu to"?
Thật sự tôi đã phải chiến đấu trong tư tưởng rất nhiều rằng có nên mang máy ảnh theo hay không, và cuối cùng các bạn biết đấy, đây là lần đầu tiên đi công tác mà tôi bỏ cả laptop lẫn máy ảnh ở nhà!
Ở ngày đầu tiên của chuyến đi, cảm xúc của tôi khá lẫn lộn, một phần là vì lo lắng không biết chiếc điện thoại này có đủ gánh trọng trách, tiêu chí mà mình mong muốn hay không và phần còn lại thì trái ngược hoàn toàn, hồ hởi mong chuyến bay sớm hạ cánh để còn trải nghiệm khả năng chụp ảnh tại hòn đảo Maui xanh mướt.
Tấm ảnh đầu tiên chụp bằng Galaxy Fold là cửa sổ máy bay.
Cảm giác cầm chụp Galaxy Fold thế nào?
Câu trả lời của tôi là rất SƯỚNG!
Tôi còn nhớ lần đầu cầm iPhone 11 Pro hay Galaxy Note10 xuống phố chụp khi mới về hàng, nó khiến tôi trở nên đẳng cấp hơn khi cầm trên tay con điện thoại có phần cứng đỉnh nhất. Nhưng ở Galaxy Fold, nó không chỉ có thế, cảm giác đắt tiền là một, nhưng cái cảm giác khác biệt với cả thế giới này mới là thứ ghi điểm tuyệt đối.
Sẽ không có gì đáng nói nếu cầm một chiếc điện thoại có "form factor" quá đỗi bình thường mà ta hay thấy từ trước đến nay. Không thể phủ nhận sự hứng khởi khi chụp ảnh từ những chiếc điện thoại mới, nhưng cái hứng khởi ấy đến từ cụm camera, còn ở Galaxy Fold, nó là một trải nghiệm hoàn toàn khác.
Cầm Galaxy Fold, tôi tự cảm thấy mình như đang cầm một thứ gì đó rất quyền năng và khác lạ. Quyền năng mà chiếc điện thoại này mang lại có thể thu hút bất kỳ ai xung quanh đều ngoái nhìn vì nét thiết kế lạ lẫm, cái cảm giác ấy giống với việc tôi đi dạo phố cầm máy ảnh có logo Leica đỏ huyền thoại hay một chiếc máy chụp ảnh phim cổ điển toát vẻ lạnh lùng của cơ khí từ vài thập kỉ vậy.
Chỉ cần có sự chú ý, tôi bỗng cảm giác như mình được "buff" thêm mấy phần công lực, tự tin và thích thú hơn trong chuyện chụp. Với tôi, ý nghĩa tinh thần của một thiết bị mang đến là rất quan trọng, nó là yếu tố đầu tiên để tôi có thật sự đặt niềm tin và có cảm hứng chụp ảnh hay không.
Chất lượng ảnh chụp có xứng tầm với giá tiền không?
Không ít người bạn của tôi khi nhìn thấy chiếc điện thoại này thắc mắc, rằng màn hình nào sẽ phù hợp cho chuyện chụp ảnh. Thú thật, ban đầu trước khi cầm máy tôi cũng lăn tăn hệt như họ.
Thế nhưng Samsung đã chứng minh được những gì họ đang làm là rất đúng, rất logic, thậm chí ở cả chuyện trải nghiệm sản phẩm.
Vì sao lại cần một màn hình ngoài khi ta đã có không gian rộng lớn bên trong? Mọi thứ đều có lý do cả. Khi cần xem notification nhanh hoặc nghe điện thoại, chỉ cần ở thiết kế gập gọn là đủ, lại dễ cầm hơn hẳn so với nghe điện thoại trên tablet ‘lai’.
Với việc chụp ảnh trên chiếc điện thoại này cũng thế, tôi đã nhận ra thiết kế hai màn hình của nó mang lại sự tự do cho bản thân người sử dụng: Không bó buộc trong một hoàn cảnh nào và mang cảm giác chụp ảnh lên một tầm cao khác.
Cần chụp nhanh? Tôi rút Fold từ trong túi quần ra và nhấn hai lần vào phím Power, màn hình nhỏ bên ngoài đã bật sáng giao diện camera ngay tức khắc, không có chuyện hụt khoảnh khắc nào nữa.
Còn khi tôi cần nhìn rõ hơn, bố cục chỉn chu hơn, hay đơn giản là để che bớt ánh Mặt Trời chói chang đang chiếu thẳng vào mắt? Một cú lật mở màn hình là có thể giải quyết được hết.
Thật ra, màn hình lớn rất quan trọng không chỉ cho chúng ta bố cục tốt hơn, mà nó còn giúp những người dùng lớn tuổi có thể dễ dàng thao tác, nhìn chi tiết rõ ràng hơn, giúp ảnh chụp ra đẹp hơn trước. Những chiếc tablet trước đây có thể giải quyết được chuyện này nhờ màn hình lớn, tuy nhiên chất lượng hình ảnh thì bạn biết đấy, nó lại rất tệ.
May mắn thay, Galaxy Fold lại không như thế. Bản thân sản phẩm này là một chiếc smartphone, mà lại là "luxury" nên chất lượng camera cũng được dành phần quan tâm không kém.
Thông số camera sau không khác gì một chiếc Galaxy Note10, đầy đủ các giải pháp từ A đến Z như zoom quang 2x, xoá phông, siêu rộng… nên nếu đã từng hài lòng với chiếc smartphone này thì Galaxy Fold càng không thể làm bạn thất vọng.
Bên cạnh đó, nhờ tích hợp các tính năng phụ trợ như "Tối ưu bối cảnh" hay "Đề xuất chụp" giống với người anh em Galaxy S và Note, Galaxy Fold trở thành trợ lý chỉn chu và giúp bạn dễ sử dụng hơn dù có là người dùng chuyên nghiệp hay "low tech", bởi AI của máy đã lo hết phần này.
Có thể đến đây bạn sẽ hỏi chiếc điện thoại này có gì đặc biệt hơn nữa ở khả năng chụp ảnh? Câu trả lời của tôi: Đấy đã là tất cả! Tất cả những gì tôi cảm nhận được ở camera của chiếc điện thoại này, nó vừa đủ để làm ta hài lòng và không thể thất vọng ở một thiết bị giá 50 triệu. Nhưng nếu bạn mong rằng nó phải có chất lượng camera phải-tốt-hơn flagship Galaxy S10 hay Note10 thì tiếc rằng điều đó không trở thành hiện thực.
Đặt xuống bàn cân với Galaxy Note10 tôi dùng cách đây không lâu và Galaxy Fold hiện tại, camera của cả hai hoàn toàn không có gì mới ở mặt chất lượng, tất cả đều đã đạt ngưỡng rất tốt theo đánh giá của cá nhân tôi.
Giá trị mà ta bỏ ra cho Galaxy Fold, nó không chỉ ở camera, mà còn ở tính sáng tạo, ở cái màn hình gập kia, ở cái thiết kế độc lạ mà không có sản phẩm thương mại hoá nào hiện tại có thể làm được. Với camera, Samsung mang trải nghiệm người dùng ở một tầm cao hơn, đó là sự tự do, phóng khoáng trong việc điều khiển máy, sự đẳng cấp, tự tin khi cầm một chiếc máy giá trị cao đi chụp ảnh; và với tôi, như thế đã là quá đủ.