Smartphone thời nay không khác gì một chiếc máy ảnh vậy: trong buổi ra mắt các nhà sản xuất sử dụng đến quá nửa thời gian để nói về chất lượng hình ảnh thay vì bất cứ thứ gì khác. Đây có lẽ cũng là điều dễ hiểu khi smartphone đang dần bão hòa, có những sự nâng cấp trong quá khứ rất quan trọng như hiệu năng, thiết kế giờ đã không còn quá quan trọng nữa rồi. Người dùng hiện nay rất quan tâm đến việc chụp hình, đến việc chia sẻ những khoảnh khắc của bản thân với những người thân quen.
Với trường hợp của chiếc Galaxy S20 Ultra thì Samsung có lý do để dành nhiều thời gian nói về camera, khi hệ thống này có những nâng cấp rất lớn, thậm chí 'vượt cả thời đại'. Camera chính lên tới 108MP, quay phim độ phân giải 8K, Zoom Vũ trụ 100x hay chụp 1 lần được cả chục tấm ảnh với Single Take, tất cả đều là những con số làm người dùng phải ngạc nhiên vì hiếm, hoặc chưa bao giờ xuất hiện ở các sản phẩm khác.
Hệ thống camera của Galaxy S20 Ultra
Có lẽ không cần nhìn vào những con số này, ta cũng có thể thấy được độ 'khủng' của hệ thống camera S20 Ultra qua thiết kế của nó: một cụm hình chữ nhật siêu lớn, lồi lên hẳn khỏi mặt lưng, gồm toàn những ống kính 'ngoại cỡ'. Nhiều người nói thiết kế này là 'thô', có hơi hướng công nghiệp, nhưng chắc chắn họ cũng hiểu rằng hãng phải làm vậy để có được những thông số 'trong mơ' đã kể trên.
Vậy sau khi đã 'mơ' xong và trở lại thực tại, những con số khủng này ảnh hưởng như thế nào đến trải nghiệm thực tế?
Camera chính 108MP 'nét đứt tay'
Tốc độ tăng độ phân giải trên camera còn nhanh hơn cả trên máy ảnh chuyên nghiệp. Hiện nay, máy ảnh Full-frame cao cấp cũng chỉ có độ phân giải nằm ở ngưỡng trên dưới 50MP, cá biệt chỉ có một chiếc Sony a7R IV vọt lên tới 61MP. Thế mà Samsung đã 'dám' tăng độ phân giải của camera chính trên S20 Ultra lên tới 108MP!
Con số cũng chỉ là con số, trên thực tế có rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến chất lượng ảnh như chất lượng ống kính, màu sắc,... nên smartphone vẫn chưa thể đuổi kịp được những dòng máy ảnh thay ống kính cao cấp. Mặc định, máy cũng không chụp ảnh 108MP mà sử dụng kỹ thuật ghép điểm ảnh để tạo ra các bức ảnh 12MP giúp giảm độ nặng tệp, tăng kích thước thu nhận ánh sáng để tránh nhiễu.
Cảm biến chính của Galaxy S20 Ultra mặc dù vẫn bé hơn Full-frame rất nhiều, nhưng lại to hơn tất cả những smartphone khác: 1/1.33 inch! Để so sánh, cảm biến này chỉ nhỏ hơn cảm biến 1-inch trên nhiều máy ảnh compact cao cấp khoảng 40%, và lớn hơn 3 lần loại 1/2.5 inch trên nhiều smartphone. Nhờ vậy, hình ảnh được chụp từ camera chính của S20 Ultra có thể 'xóa phông vật lý' khá tốt khi chụp những sự vật ở gần.
Ảnh từ camera chính của S20 Ultra trước và sau khi chỉnh màu để giống với thực tế
Các tính chất khác của những hình ảnh này vẫn đậm chất Samsung: hơi dư sáng hơn thông thường, màu đậm đà. Có lẽ như trên Galaxy S20, hãng đã làm màu sắc ngả xanh dương, nên nhìn ảnh có vẻ 'lạnh' hơn các dòng máy trước đây, có lẽ không phải vấn đề lớn vì ta vẫn có thể chỉnh lại được nhanh chóng.
Có 108MP thì phải thử 108MP! Ta sẽ thử chụp những bức ảnh độ phân giải cao để biết được độ nét 'thực sự' của cảm biến mới trên Galaxy S20 Ultra như thế nào. Chế độ chụp độ phân giải 108MP được đặt riêng, khác biệt so với ảnh thông thường, và khi chuyển vào chế độ này ta sẽ không chuyển được sang các tiêu cự khác - điều hiển nhiên!
Ảnh chụp 12MP (bên trái) và 108MP (bên phải)
Nhìn từ xa, bức ảnh ở chế độ thông thường (12MP) và 108MP không có bất cứ sự khác biệt nào! Chỉ là khi ta zoom lớn lên mới thấy được sự khác biệt:
Các chi tiết nhỏ như khung cửa sổ, lá cây hay chữ, số trở nên rõ nét hơn một cách rõ rệt. Như ví dụ cuối cùng, ta khó lòng có thể đọc được tên website nằm trên biển quảng cáo ở bức ảnh 12MP, nhưng khi chuyển qua ảnh 108MP thì điều này 'dễ như ăn kẹo'.
So sánh độ nặng của ảnh 12MP (bên trái) và 108MP (bên phải)
Nét thì nét thật, nhưng không phải vì thế mà ảnh 108MP không có những yếu điểm. Đầu tiên là về độ nặng: ảnh độ phân giải cao sẽ chiếm bộ nhớ cao hơn gấp 6.5 lần so với bức ảnh thông thường, trong trường hợp cụ thể phía trên là 24.4MB so với 3.72MB. Tốc độ xử lý ảnh cũng bị chậm lại, mặc dù vẫn không thể gọi là 'chậm' vì S20 Ultra được trang bị cấu hình rất cao.
Ta cũng phải tự hỏi về tính hữu dụng của chế độ này, vì nếu đăng ảnh lên mạng xã hội thì độ nét cao cũng không thể hiện được rõ ràng. Còn nếu muốn chụp ảnh xa hơn, thì ta đã có camera zoom (rất mạnh mẽ) để sử dụng. Có lẽ, chế độ chụp 108MP sẽ dành cho một đối tượng nhất định đam mê độ phân giải cao, như những ai hay chụp phong cảnh bằng smartphone chẳng hạn!
Zoom Vũ trụ 100x hiệu quả ở một số trường hợp nhất định
Tôi cũng đã có một bài đánh giá riêng dành cho tính năng Zoom Vũ trụ 100x của S20 Ultra, và đưa ra kết luận đó là không phải trường hợp nào người dùng cũng phải sử dụng tới những tầm zoom xa nhất ( có lẽ chỉ dành cho những thám tử tư! ), và chất lượng cũng giảm quá nhiều. Tuy vậy thì ở những tầm zoom 'vẫn xa nhưng không đến mức quá xa' như 5x, 10x và 30x hữu dụng với người dùng thông thường thì máy làm tốt.
Zoom 10x, 30x và 100x
Nếu camera chính độ phân giải cao sẽ làm hài lòng đối tượng chụp ảnh phong cảnh, thì camera siêu zoom sẽ là 'món quà' cho những người thích chụp động vật. 2 điểm chú ý dành cho những ai muốn thử làm nhiếp ảnh gia động vật với S20 Ultra đó là chọn những ngày có điều kiện sáng tốt (vì zoom càng xa chất lượng ảnh càng thấp, cần có nhiều sáng) và không nên chọn những con vật di chuyển quá nhanh vì việc tìm chúng trong khung hình giống như mò kim đáy bể vậy!
Video 8K độc nhất vô nhị và cũng hơi 'vượt thời'
Hiện nay chắc chắn vẫn nhiều gia đình vẫn sử dụng TV FullHD và cho đây là 'đủ dùng', ai có điều kiện kinh tế hơn thì chuyển dùng 4K. Có vẻ thời thế đã thay đổi quá nhanh khi các nhà sản xuất TV lại đã chuyển qua chuẩn 8K với số điểm ảnh tiếp tục nhân 4 thêm một lần nữa! Một điều phàn nàn của người dùng dành cho 8K đó là không có nhiều nội dung để thưởng thức, mặc dù trên thị trường cũng đã có những máy quay chuyên dụng có thể quay được ở độ phân giải này.
Samsung không sản xuất máy quay chuyên dụng, nên đã tích hợp luôn tính năng quay 8K vào...smartphone. S20 Ultra là chiếc smartphone đầu tiên trên thị trường có thể làm được điều này! Có vẻ như 8K vẫn đang ở thời kỳ 'sơ khai', nên tính năng này trên chiếc smartphone của chúng ta có cảm giác hơi 'vượt thời'.
Chất lượng hình ảnh quả thực là ấn tượng, giúp tôi có thể zoom video lớn hơn 200% mà vẫn đủ để xuất ra video 4K. Ngược lại ta có 1 loạt những nhược điểm:
- Khi quay video 8K, ta sẽ chỉ có thể lựa chọn 1 frame-rate duy nhất là 24fps, không có 30fps hoặc 60fps.
- Hiện tượng méo ảnh do di chuyển (Jelly effect) xuất hiện nhiều hơn so với 4K, vì máy phải xử lý lượng thông tin lớn hơn rất nhiều.
- Ta không thể cắt ghép video ngay trên smartphone, và để làm điều này tôi đã phải chuyển video vào máy tính.
- Việc chơi video 8K là rất khó khăn, hoặc vì giới hạn của phần cứng hoặc giới hạn của đường truyền mạng. Nếu tự tin thiết bị của bạn đủ mạnh, mạng siêu nhanh thì bạn có thể 'thử sức' với video gốc độ phân giải 8K tại đây .
8K chắc chắn sẽ trở nên phổ biến khi những nhược điểm được giải quyết. Nhưng trong thời điểm hiện nay, có rất ít lý do để quay ở độ phân giải này trên S20 Ultra, đặc biệt là khi chế độ quay 4K30 / 60fps kết hợp Pro video (điều chỉnh thông số, lấy nét tay dành cho video giống như trước đây ta có thể thực hiện ở ảnh tĩnh) đã rất tốt rồi!
Lười chụp nhiều ảnh? Dùng Single Take
Chán việc mỗi lần chụp ảnh, video lại phải...nhấn thêm một lần gây mỏi tay? Giờ bạn có thể chụp được cả chục tấm ảnh và thêm vài video chỉ với 1 lần bấm với chế độ Single Take. Sau khi nhấn chụp và giữ máy khoảng 10 - 20 giây, bạn sẽ có một album ảnh và video, trong đó có 1 bức ảnh đẹp nhất được máy tự chọn.
Bức ảnh mà máy cho là đẹp nhất (Best shot)
Vẫn hình ảnh đó, nhưng được thêm một lớp filter nhìn khá 'vintage'
Đôi lúc tính năng này không thực sự cần thiết, vì bức ảnh đẹp nhất mà máy chọn cũng chính là thời điểm mà người dùng bấm máy, nên ta hoàn toàn có thể dùng chế độ chụp thông thường. Ngược lại như ở ví dụ trên, Single Take cũng đã giúp tôi có được video boomerang nhìn khá hay ho mặc dù chủ đích ban đầu chỉ là chụp ảnh tĩnh.
Có thể thấy rằng, tất cả những tính năng chụp ảnh trên Galaxy S20 Ultra đều là những thứ 'đẩy giới hạn', mang tính chuyên dụng rất cao. Câu hỏi giờ không còn là "S20 Ultra chụp ảnh có tốt không?", mà là "Liệu bạn có thấy được lợi ích của những tính năng mặc dù rất mạnh mẽ nhưng không phải lúc nào cũng dùng được hay không?". Đặc biệt khi chiếc smartphone cũng 'đẩy giới hạn' luôn về giá bán nữa (gần 30 triệu Đồng).