Những ngày cuối tháng 10, một số người dùng ở Việt Nam nhận thông báo từ Facebook rằng tài khoản của họ đã bị mạng truyền thông xã hội này tạm khóa. Lý do rất chung chung là "vi phạm Tiêu chuẩn cộng đồng". Theo đó, chủ tài khoản được cho 30 ngày để khiếu nại, dù đã bị khóa rồi, trước khi có thể bị xóa vĩnh viễn tài khoản.
Những người bị cảnh báo nhẹ hơn thì nhận tin nhắn có hoạt động bất thường với tài khoản nên bị Facebook tạm khóa. Chủ nhân được hướng dẫn quy trình khôi phục lại tài khoản. Tuy nhiên, điều này đã khiến nhiều người hoang mang vì sợ lại dính chiêu trò của hacker để chiếm đoạt tài khoản. Ai cũng phải cẩn thận tối đa và thường là hỏi thăm thông tin để xác thực.
Cũng có những lỗi chỉ bị Facebook xử nhẹ bằng cách chỉ được mở xem, cấm bình luận hay chia sẻ nội dung trong vài ba ngày.
Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên Facebook tiến hành thanh lọc tài khoản người dùng với quy mộ lớn. Gần đây là tối 18-8 và sáng 21-9, nhiều tài khoản Facebook tại Việt Nam lại bị "bay màu" (khóa, vô hiệu hóa truy cập) trong đợt truy quét thông tin xấu của mạng truyền thông xã hội này.
Các đợt thanh lọc của Facebook hầu như luôn bất ngờ và không có lý do cụ thể. Trong lần thanh lọc tối 18-8, nhiều người suy đoán lý do có liên quan đến việc chia sẻ video đồi trụy trẻ em. Không phải chỉ có Facebook, mà trong thời gian qua, các mạng truyền thông xã hội lớn đều liên tục truy quét, làm trong sạch nền tảng của mình. Họ cũng đưa ra nhiều tính năng, công cụ mới, hầu như dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), để giúp phát hiện các hành vi vi phạm.
Theo báo cáo của nền tảng video ngắn TikTok, từ tháng 4 đến 6-2021, có 81.518.334 video đã bị nền tảng này xóa trên toàn cầu do vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng hoặc Điều khoản Dịch vụ, chiếm gần 1% tổng số video được đăng tải trên TikTok. Trong số những video này, có 93% đã bị TikTok phát hiện và xóa trong vòng 24 giờ sau khi được đăng tải, 94,1% bị xóa trước khi có bất kỳ báo cáo nào từ người dùng và 87,5% nội dung bị xóa trước khi nhận được bất kỳ lượt xem nào. Đây được xem là sự cải thiện đáng kể so với con số 81,8% video vi phạm đã bị TikTok phát hiện và xóa trong vòng 24 giờ sau khi được đăng tải trong báo cáo của Quý 1/2021.
Ngoài yếu tố pháp lý và quan hệ với chính quyền sở tại, các mạng xã hội này còn phải đáp ứng các phản ánh của người dùng, kể cả từ các đối tác quảng cáo gồm các doanh nghiệp lớn, có tên tuổi hay các doanh nghiệp nghiêm túc. Người ta chỉ an tâm chơi và quảng báo trên các nền tảng có uy tín, sạch sẽ, lành mạnh, không là điểm đen của ai đó.
Vậy thì làm sao để giảm thiểu nguy cơ bị Facebook khóa tài khoản của bạn?
Theo lý thuyết, người dùng phải hiểu rõ các tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook, bởi đơn giản thì sân chôi nào cũng có luật lệ riêng của nó mà người chơi bắt buộc phải tuân thủ mới được chơi. Vấn đề ở chỗ, các tiêu chuển cộng đồng này không chỉ nhiều mà rất mơ hồ, chung chung.
Vì thế, các chuyên gia khuyên người dùng Facebook luôn phải cẩn trọng. Cụ thể, né bàn tán, chia sẻ các thông tin "nhạy cảm" như kích động tội phạm, tội ác, phá hoại, bạo lực, khủng bố, kỳ thị chủng tộc, báng bổ tôn giáo, tình dục, đặc biệt là những hành vi xấu xí vi phạm đạo đức chung có liên quan tới trẻ em, hàng hóa thuộc diện kiểm soát như thuốc men, ma túy.
Thường bị nhất là trong chuyện chia sẻ thông tin cho nhau. Đó là lý do mà người dùng Facebook phải suy nghĩ cặn kẽ trước khi chia sẻ một thông tin nào cho người khác.
Tất nhiên, với số lượng người dùng quá lớn phủ toàn cầu. cho dù có trợ lực của AI, có lẽ với nhận thức "thà xử lầm còn hơn để lọt", Facebook vẫn thường xuyên gặp những trường hợp xử oan, thậm chí bị coi là "độc tài". Tuy nhiên, số này cực nhỏ và người dùng có thể khiếu nại để được lấy lại tài khoản.
Hầu hết những người bị Facebook khóa tài khoản thường trong khi khiếu nại đã ngay lập tức tạo tài khoản mới (rất đơn giản khi chỉ cần có một địa chỉ email hay số điện thoại mới).
Nhưng trên hết, mỗi người dùng phải có trách nhiệm với cộng đồng của mình nếu muốn sân chơi của mình hữu ích và lâu bền. Có một tác giả lưu ý rằng: "Sống tích cực, lành mạnh thì không ai khóa tài khoản Facebook của bạn làm gì."