TV 3D màn hình cong (2010)
Kể từ khi "Avatar" làm mưa làm gió trên thị trường điện ảnh quốc tế vào năm 2009, rất nhiều người đã tin rằng kỷ nguyên của công nghệ 3D đã chính thức quay trở lại. Cũng chính từ thời điểm đó, các nhà sản xuất TV cũng tự tin rằng nếu như các rạp chiếu phim có thể bán những chiếc vé xem phim 3D với giá đắt hơn so với các công nghệ chiếu phim thông thường, tại sao họ lại không thể làm điều tương tự với các sản phẩm TV ứng dụng công nghệ này.
Đây chính là nguyên nhân khởi đầu cho một thời kỳ mà hàng loạt các sản phẩm TV được thiết kế không chỉ được trang bị công nghệ trình chiếu 3D, mà còn đi liền với màn hình bẻ cong, với tham vọng có thể hình thành một cuộc cách mạng trong thói quen xem truyền hình của mọi người từ trước đến giờ.
Thật không may, đó là một thất bại ê chề. TV màn hình cong nhìn thật kỳ cục khi chúng được gắn lên tường, trong khi đó chất lượng hình ảnh không có gì nổi trội so với các dòng TV màn hình phẳng thông thường. Trong khi đó, công nghệ 3D dường như cũng không làm người xem cảm thấy hứng thú. Chẳng ai muốn lúc nào cũng phải đeo một loại kính đặc biệt trong phòng khách của mình chỉ để nhìn thấy những con rồng trong các bộ phim trông "thật" hơn một chút. Thật may là giờ đây chúng ta không còn mấy quan tâm đến điều đó nữa. Tâm điểm tại thời điểm hiện tại là làm thế nào các nhà sản xuất có thể chế tạo ra những chiếc TV mỏng hơn nhiều so với các thế hệ TV màn hình phẳng trước đó.
Máy tính bảng Sony P
Sony vốn là một công ty nổi tiếng là "chăm chỉ" thử nghiệm các tính năng và các thiết kế mới trên sản phẩm của mình. Kết quả là đã có những sản phẩm hết sức thành công như Walkman. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những "thảm họa", và điển hình là chiếc máy tính bảng Sony P. Hiện tại, các sản phẩm công nghệ có 2 màn hình đang dần thu hút được sự chú ý từ người dùng và ngày càng trở nên phổ biến, nhưng có lẽ Sony mới là "người tiên phong" trong lĩnh vực này.
Ngay từ năm 2011, Sony đã chính thức phát triển dòng sản phẩm này và đó được coi là một bước "nhảy vọt" trong làng công nghệ. Tuy nhiên, các bộ phận phần cứng cũng như phần mềm tại thời điểm đó chưa đủ phát triển kịp để phục vụ dòng sản phẩm phức tạp này. Sony đã rất chật vật để có thể tối ưu hóa thiết kế của dòng máy tính bảng Sony P, nhưng đã thất bại vì không thể tìm ra cách có thể biến thiết bị hai màn hình của mình trông giống như một thiết bị máy tính bảng một màn hình thông thường khi chúng được mở ra.
Hơn nữa, sản phẩm Sony P sở hữu duy nhất một chip đơn nhân. Điều đó là một bất lợi khi kích thước của sản phẩm quá lớn. Nhiều người dùng đã phàn nàn về thời gian khởi động thiết bị, cũng như sự thiếu chính xác trong các thao tác cảm ứng. Dường như sau thất bại của Sony P, Sony đã từ bỏ tham vọng của mình khi không một sản phẩm thế hệ tiếp theo nào được cho ra đời tính đến thời điểm hiện tại.
Nintendo Wii U (2012)
Dựa trên sự nổi tiếng của dòng máy trò chơi cầm tay Switch, Nintendo hoàn toàn có lý khi phát triển sản phẩm Wii U. Các sản phẩm này giúp giải phóng người chơi khỏi việc phải ngồi suốt nhiều giờ đồng hồ trước màn hình TV. Nhưng công tác chế tạo dường như chưa thể đạt đến sự hoàn hảo. Được trang bị màn hình lên tới 6,2 inch, máy chơi game này có bề ngoài khá cồng kềnh, và khối lượng lớn. Đôi lúc, người chơi sẽ gặp phải nhiều tình huống khó chịu khi kết nối máy chơi game này với một màn hình ngoại vi.
Sản phẩm này còn hoàn toàn phụ thuộc vào một bộ điều khiển trung tâm, điều đó cho phép bạn có thể chạy đi chạy lại giữa các phòng trong nhà, miễn là khoảng cách không quá lớn so với bộ điều khiển trung tâm kể trên. Nhưng tất nhiên, bạn sẽ không thể ra khỏi nhà được. Nintendo cũng "lười" cập nhật sản phẩm Wii U của mình, và kết quả là, doanh số dòng sản phẩm U này chỉ đạt xấp xỉ 14 triệu, trong khi, đã có hơn 100 triệu sản phẩm Wii đã đến tay người sử dụng.
Google Nexus Q (2012)
Trước khi bị "xóa sổ" hoàn toàn, Google thậm chí đã phải gửi những sản phẩm của mình đến tay những khách hàng đặt trước hoàn toàn miễn phí. Đó chính là Google Nexus Q, sản phẩm được phát triển với mục đích vừa là thiết bị phát sóng truyền hình, vừa là máy trò chơi.
Nhưng cuối cùng, đây lại là nỗi thất vọng nặng nề của một trong những công ty lớn nhất trong làng công nghệ toàn cầu. Nexus Q không hỗ trợ các sản phẩm ngoại vi từ bên thứ 3, điều đó có nghĩa, người dùng bị hạn chế lại ở một số chức năng nhất định do Google phát triển như Play Movies, Play Music và Youtube. Giá của sản phẩm này lên đến 300 USD, mức giá được cho là khá đắt đỏ so với các sản phẩm tương tự. Khi mà Gizmodo có một bài đánh giá về sản phẩm này, họ đã tự hỏi sản phẩm này sinh ra để dành cho ai? Và câu trả lời là: không ai cả.
Microsoft Surface RT (2012)
Thật ngạc nhiên khi dòng sản phẩm Surface Laptop của Microsoft đã tạo được tiếng vang lớn trên thị trường khi mà sản phẩm Surface RT, ra đời vào năm 2012, quả thực là một thảm họa. Không chỉ chạy hệ điều hành Window 8, một hệ điều hành nhận rất nhiều chỉ trích từ phía người dùng, sản phẩm máy tính này còn được trang bị một hệ điều hành riêng biệt có tên Window RT (chạy trên nền tảng Window 8) buộc người dùng phải sử dụng Window Store nếu như họ muốn tải bất cứ một phần mềm nào. Surface RT sử dụng chip Nvidia Tegra 3, có tốc độ xử lý rất chậm so với các sản phẩm khác. Cảm giác gõ phím mà sản phẩm này mang lại cũng chưa khiến người sử dụng hài lòng. Trải nghiệm trên dòng máy này là đáng thất vọng.
Microsoft sau đó đã phải chấp nhận sự thất bại của dòng Surface RT, nhưng "sự cố" này chưa quá nghiêm trọng để công ty từ bỏ tham vọng sản xuất các dòng máy tính cá nhân của mình. Cuối cùng thì, các dòng sản phẩm như Surface Pro 3 đã hoàn toàn thuyết phục được khách hàng, khiến người tiêu dùng có thêm niềm tin vì Microsoft hoàn toàn có thể cho ra đời các sản phẩm đáp ứng được yêu cầu khắt khe của họ.
Google Glass (2013)
Video giới thiệu sản phẩm Google Glass thực sự ấn tượng. Các dòng thông báo hiện lên mượt mà, định vị thời gian thực và cả khả năng quay phim. Người xem cảm thấy một công nghệ của tương lai sắp trở thành hiện thực. Tuy nhiên Google đã không thể mang lại những giá trị giống như họ đã từng hứa, thay vào đó là nỗi sợ hãi về tính riêng tư của mọi người.
Nghiêm trọng đến nỗi, một nhà báo công nghệ đã bị tấn công trong một quán bar tại thành phố San Francisco sau khi một số khách trong quán cho rằng họ đang bị quay lén. Nhiều người còn gọi sản phẩm này với cái tên "Glassholes" khi sản phẩm này có giá lên đến 1.500 USD, quá cao so với thu nhập trung bình của phần lớn khách hàng. Tóm lại là sản phẩm này đem lại cho người dùng nhiều rắc rối hơn mà những tiện ích mà họ thực sự cần.
Apple Mac Pro (2013)
Sản phẩm thùng rác thông minh Mac Pro là một sản phẩm ưu việt. Đó là một ví dụ cho khả năng chế tạo và sự tinh tế của Apple. Nhưng vấn đề ở đây là Mac Pro có kết cấu quá phức tạp so với nhiệm vụ chính mà Apple muốn sản phẩm này thực hiện. Việc thay thế, nâng cấp các linh kiện của sản phẩm này dường như là không thể.
Điều mọi người có thể thấy bây giờ đó là một sản phẩm rất cũ đã được chào bán trên website của Apple trong một thời gian rất dài. Những linh kiện lỗi thời, khả năng nâng cấp khó khăn cũng như một vẻ bề ngoài "độc" đã khiến Mac Pro trở thành một trong những "trò cười" trong làng công nghệ. Sự thật là Mac Pro là một chiếc thùng rác được thiết kế rất cuốn hút nhưng thực sự không giúp ích được gì nhiều.
Amazon Fire Phone (2014)
Nhiều người nghĩ rằng tham vọng sản xuất ra các sản phẩm phần cứng của Amazon là không thể dừng lại sau khi đã đạt được những thành công ngoài mong đợi với các sản phẩm như Kindle và Echo. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến công ty này cho ra đời Fire Phone. Jeff Bezos đã "tâng bốc" sản phẩm của mình là "lộng lẫy" và "sang trọng", nhưng thực tế lại chứng minh hoàn toàn ngược lại khi Amazon đã phải chính thức ngừng chào bán sản phẩm này trong chưa đầy một năm sau khi ra mắt.
Các phần mềm thật khó để có thể sử dụng. Thiết kế kỳ lạ của cụm camera ở mặt trước, nhằm tạo ra những bức ảnh có hiệu ứng 3D, lai khiến người dùng cảm thấy quá "cường điệu". Sau thất bại đó, Amazon chưa một lần nào có ý định sản xuất thêm một mẫu điện thoại nào nữa.
Apple Macbook (2015)
Thoạt nhìn, Macbook dường như là phiên bản kế cận của dòng sản phẩm Macbook Air. Sản phẩm này khá nhỏ gọn, sang trọng và có một màn hình với độ phân giải cao. Nhưng sức mạnh chip xử lý của dòng máy này khá hạn chế, thêm vào đó là mức giá quá cao, đã khiến cho sản phẩm này không nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng.
Phần tệ nhất phải kể đến bàn phím, khiến cho người dùng có cảm giác mình đang gõ những đầu ngón tay của mình vào đá vậy. Chỉ một tác động nhẹ đã khiến bàn phím có phản ứng ngay lập tức, đôi khi gây ra phiền toái cho người dùng. Macbook sẽ không khiến người ta nhớ khi là dòng sản phẩm tiên phong sử dụng màn hình retina độ phân giải cao, mà chính là hệ thống bàn phím "thảm họa" mà Apple đã trang bị cho các sản phẩm laptop của mình.
Samsung Gear VR (2015)
Trước khi Oculus và HTC phần nào giúp xóa nhòa đi những ký ức đau thương về các sản phẩm thực tế ảo đời đầu như Nintendo’s Virtual Boy, Samsung đã tiến hành sản xuất hàng loạt sản phẩm Gear VR. Đây là một giải pháp đơn giản sở hữu một màn hình kết nối với một thiết bị điện thoại thông minh với một hệ thống âm thanh trọng lượng nhẹ. Điều đặc biệt là thiết bị này hầu như không sử dụng hệ thống dây dẫn.
Nhưng sau nhiều năm, Gear VR đã không có quá nhiều sự thay đổi, cải tiến, và với sự ra đời của các thiết bị như Oculus Quest, Gear VR hầu như không còn lý do để tồn tại. Với sản phẩm mới nhất của mình - Galaxy Note 10, không có chức năng hỗ trợ Gear VR, giường như Samsung đã chấp nhận buông bỏ sản phẩm này.