Papua New Guinea - một quốc gia nhỏ bé nằm ở Nam Thái Bình Dương, vừa ra lệnh cấm tạm thời đối với Facebook trong vòng một tháng để làm rõ những vấn đề có liên quan đến tin tặc và tài khoản giả mạo. Đây cũng là quốc gia đầu tiên ra lệnh cấm Facebook.
Theo trang tin công nghệ Business Insider, lệnh cấm của giới chức Papua New Guinea sẽ có hiệu lực trong vòng 30 ngày, giúp chính phủ tìm ra phương thức sử dụng của mạng xã hội này, đồng thời tìm ra những kẻ đã cố tình nhắm đến các mục tiêu là tung ra những thông tin sai sự thật, cũng như tạo ra những tài khoản tung tin giả.
Ông Sam Basil, Bộ trưởng Bộ Truyền thông Papua New Guinea đã chia sẻ với tờ Post Courier, rằng: "Khoảng thời gian 1 tháng sẽ giúp chúng tôi có thêm thời gian thu thập thông tin, xác định và lọc bỏ những tài khoản không chính chủ, những tài khoản phát tán thông tin sai lệch, giả mạo hay kể cả những tài khoản thường xuyên đăng ảnh đồi trụy. Điều này giúp cho những người dùng có danh tính thực sự sẽ dùng mạng xã hội một cách trách nhiệm hơn. Chúng tôi cũng sẽ không để Facebook tiếp tục bị lạm dụng với những mục đích xấu trong chính quốc gia của mình".
Papua New Guinea vừa ra lệnh cấm tạm thời đối với Facebook trong vòng một tháng để làm rõ những vấn đề có liên quan đến tin tặc và tài khoản giả mạo và đây cũng là quốc gia đầu tiên ra lệnh cấm Facebook. |
Cũng có liên quan đến vấn nạn tin nhắn giả trên Facebook, nhiều ý kiến đối kháng với mạng xã hội Facebook cũng đang gia tăng ở khắp Châu Á. Chẳng hạn vào năm 2016, một tuần trước khi Rodrigo Duterte được bầu làm tổng thống Philippines, hãng tin Rappler của nước này đã tìm thấy 26 tài khoản giả bí mật tham gia bầu cử, có thể khiến cho kết quả của ít nhất 3 triệu tài khoản thật khác bị ảnh hưởng.
Hay hồi đầu năm nay, Sri Lanka đã tạm thời khóa hàng loạt ứng dụng Facebook, WhatsApp và Instagram sau khi phát hiện các mạng xã hội nói trên được dùng để lan truyền những thông tin kích động bạo lực đối với những người dân theo đạo Hồi ở nơi đây.
Rồi Facebook cũng được cho là đã góp phần làm bùng nổ cuộc xung đột ở Myanmar vào tháng 3 vừa qua. Liên quan đến vụ việc, một quan chức của Liên Hiệp Quốc đã cho rằng, "mạng xã hội này đã khiến xung đột nơi đây ngày càng căng thẳng với những bài đăng mang tính kích động thù địch". Hoặc, một điều tra viên khác - cũng từ Liên Hiệp Quốc, cho rằng "tất cả mọi chuyện trên đều do Facebook mà ra" và giờ nó "đã biến thành một con thú vô thức, mất kiểm soát".
Điều tương tự cũng đã xảy ra ở Campuchia vào năm ngoái, khi lượng fanpage trên Facebook của thủ tướng nước này "bất ngờ có đến 10 triệu lượt like", trong khi số dân Campuchia chỉ có 16 triệu người. Cũng vì việc này mà lãnh đạo phe đối lập của Campuchia đã kiện Facebook lên tòa án California với mục đích "tìm ra lượng like" đó đến từ đâu.
Cùng thời điểm trên, Campuchia cũng là một trong những quốc gia được Facebook chọn thử nghiệm thay đổi cách hiển thị News Feed, sắp xếp bài đăng từ các nhà xuất bản vào cùng một trang riêng biệt giữa lúc chính phủ thực hiện đàn áp các phương tiện truyền thông độc lập.
"Thật bất ngờ khi Facebook chọn nhóm quốc gia đang phát triển làm "chuột bạch" để thí điểm cho các kế hoạch mới của công ty, đặc biệt từ khi có bằng chứng cho thấy việc tách News Feed ấy có thể gây tác động xấu với thị trường truyền thông địa phương.", Phil Robertson - phó giám đốc bộ phận Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, đã phát biểu vào năm 2017.
Vậy nên, việc "khóa Facebook" chính là một phần nằm trong chiến dịch thực thi "Đạo luật chống tội phạm trên mạng Internet" của chính phủ Papua New Guinea, được thông qua vào năm 2016 và chính thức có hiệu lực vào 2017. Sau khi được đưa ra, Đạo luật này đã nhận được phần lớn sự ủng hộ từ mọi người dân nước này, vì nó cho thấy được sự quan tâm của chính phủ về an ninh mạng và dữ liệu số.
Ông Sam Basil cũng cho rằng, việc Papua New Guinea không cần đến Facebook trong tương lai vốn dĩ rất bình thường và sẵn sàng xem xét đưa ra một lựa chọn thay thế mạng xã hội lớn nhất hành tinh này. "Nếu cần thiết, chúng tôi có thể tập hợp các nhà phát triển ứng dụng địa phương để tạo ra một trang mạng xã hội giúp người dân Papua New Guinea giao tiếp cả trong và ngoài nước.", ông nói.
Về phía Facebook, công ty đã có những nổ lực tiếp cận chính phủ Papua New Guinea để "giãi bày" thêm, phát ngôn viên của Facebook đã trả lời với Business Insider như vậy.