Cuộc thi lập trình trí tuệ nhân tạo Pikalong War được FPT Japan (Đơn vị thành viên của FPT Software tại Nhật Bản) tổ chức tại Nhật Bản từ ngày 25/9/2018 – 27/10/2018, thu hút 67 đội thi với hơn 200 thí sinh đến từ Nhật Bản và Việt Nam với hai vòng thi. Đây là lần đầu tiên FPT Japan tổ chức cuộc thi lập trình quy mô lớn tại Nhật Bản, với mong muốn mang đến cơ hội tìm hiểu, học hỏi, phát triển các công nghệ mới như AI, Blockchain cho cộng đồng công nghệ tại Nhật Bản và Việt Nam.
Ông Đỗ Văn Khắc, Giám đốc Khối Sản xuất của FPT Japan cho biết rất vui mừng khi Pikalong War đã thu hút được những lập trình viên hàng đầu trên thế giới. Trong số thành viên của các đội lọt vào vòng chung kết có đến 10 thí sinh đã từng tham dự vòng chung kết Cuộc thi Lập trình sinh viên quốc tế (ACM/ICPC), và một số bạn đã từng là nhà vô địch tại vòng chung kết này vài năm trước.
Tại vòng 1, các đội thi sẽ trực tuyến giải các thuật toán trên website của cuộc thi. Hệ thống sẽ tự động chấm điểm và cập nhật theo thời gian thực kết quả thi của các đội trên bảng tổng sắp. Ban tổ chức chọn 11 đội xuất sắc nhất để thi chung kết tập trung tại Nhật Bản, trong đó có 9 đội của Nhật Bản và 2 đội của Việt Nam. Kết quả, Đội Vookie đến từ Đại học Tokyo, Nhật Bản đã xuất sắc vượt qua 10 đội tại vòng chung kết với 2.546 điểm trong thời gian 11 giờ 30 phút 16 giây.
Đội Vookie đến từ Đại học Tokyo, Nhật Bản đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi. |
Kawasaki Riku, đại diện Đội Vookie, đội đạt giải nhất cuộc thi cho biết các thành viên đều đến từ Đại học Tokyo. Đây là lần đầu tiên 3 thành viên thi cùng nhau. Kawasaki Riku từng dự nhiều cuộc thi lập trình nhưng anh cho biết thêm đây là lần đầu tiên tham gia một cuộc thi lập trình do công ty Việt Nam tổ chức. Kawasaki Riku hy vọng sẽ được giao tiếp nhiều hơn với các bạn Việt Nam trong Gala Dinner tối 27/10.
Được biết, đây là Cuộc thi lập trình có quy mô lớn nhất đến thời điểm này dành cho những người đam mê công nghệ, cộng đồng yêu thích lập trình. Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng 17.000 USD tiền mặt, trong đó, phần thưởng cho giải nhất là 10.000 USD.
Trong các thí sinh tham dự có nhiều lập trình viên, kỹ sư CNTT của các công ty hàng đầu tại Nhật Bản như Fujitsu, NTT, Hitachi, Google Nhật Bản, Adsol Nissin, SBIS... và Việt Nam – FPT Software. Đặc biệt, trong 11 đội lọt vào vòng chung kết thi tập trung tại Nhật Bản có nhiều thí sinh từng đạt huy chương vàng và bạc Cuộc thi Lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC.
Năm 2005, FPT đã tiên phong thành lập Công ty CNTT Việt Nam đầu tiên tại Nhật Bản, mở đường cho các doanh nghiệp CNTT khác của Việt Nam bước chân vào thị trường này. Năm 2016, sau 11 năm có mặt tại thị trường Nhật Bản, FPT Japan cán mốc doanh thu 100 triệu USD. Năm 2018, dự kiến doanh thu tại thị trường Nhật Bản đạt 200 triệu USD, tăng khoảng 25% so với năm 2017. Hiện FPT Japan là công ty CNTT nước ngoài có quy mô nhân sự lớn nhất tại Nhật Bản với hơn 1.200 nhân sự làm việc trực tiếp tại 11 văn phòng, chi nhánh ở Hokkaido, Tokyo, Yokohama, Shizuoka, Nagoya, Toyota-shi, Kariya, Osaka, Hiroshima, Fukuoka và Okinawa. Bên cạnh đó, FPT có 8.000 nhân sự tại Việt Nam làm việc trong các dự án với thị trường Nhật Bản. FPT Japan kỳ vọng trong vòng 2-3 năm tới sẽ trở thành một trong 20 doanh nghiệp công nghệ lớn nhất Nhật Bản với doanh số từ thị trường này đạt 500 triệu USD và 3.000 nhân sự làm việc trực tiếp tại Nhật.
Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp đều được thúc đẩy bởi sự phát triển của công nghệ, sự xuất hiện của động cơ hơi nước cho đến sự bùng nổ của máy vi tính đã đưa loài người và toàn bộ nền công nghiệp đến với kỷ nguyên mới. Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain và Kết nối vạn vật (IoT) sẽ là những công nghệ chủ chốt, trong đó AI là nhân tố hạt nhân. Đối với FPT Japan, AI là lĩnh vực công nghệ cấp thiết nhất cần được tập trung đầu tư một cách tổng thể từ xây dựng nguồn lực về con người, xác định phạm vi áp dụng đến việc xây dựng các ứng dụng. Trong đó, điều quan trọng nhất là xây dựng một nền tảng AI nâng cao như akaminds giúp FPT Japan trở thành một công ty công nghệ cạnh tranh toàn cầu.