Micro:bit là một chiếc máy tính tí hon (máy tính mini), với kích thước chỉ bằng nửa chiếc thẻ ATM vô cùng nhỏ gọn, nhưng lại có "một sức mạnh đáng nể" với nhiều tính năng độc đáo và thú vị, giúp những đứa trẻ yêu công nghệ khám phá thế giới.
Đây là sản phẩm của một dự án hợp tác giữa BBC với Microsoft, ARM, Samsung, cùng một số đối tác khác với mục đích dạy cho trẻ em những nguyên lý lập trình cơ bản cũng như cách thức mà các thiết bị điện tử hoạt động như thế nào để qua nó, trẻ khám phá thế giới.
Vào năm 2015, chiếc máy tính Micro:bit được giới thiệu lần đầu tiên ở Anh và không lâu sau đó, hàng triệu học sinh nước Anh đã được sử dụng miễn phí sản phẩm này.
Chiếc máy tính mini Micro:bit có hỗ trợ kết nối với các thiết bị khác, giúp cho ta có thể tạo ra được các sản phẩm thú vị hơn. Đây là cách dùng chiếc máy tính Mico:bit kiểm tra sự dẫn điện của cà chua. |
Tuy nhiên cho đến nay, thiết bị công nghệ hữu ích này còn chưa được nhiều người biết đến. Thế nên việc truyền bá và phổ cập rộng rãi về chiếc máy tính mini này, cũng như giới thiệu cho mọi người biết đến các tính năng hữu ích của nó là vô cùng cần thiết, để ngày càng có nhiều trẻ em được tiếp xúc sớm với công nghệ, thay vì suốt ngày "cắm đầu" vào những chiếc máy điện thoại, máy tính bảng hay máy chơi game.
Về mặt kĩ thuật, Micro:bit sử dụng chip ARM, và các nhà sản xuất dùng 25 đèn LED để gắn trên các mạch điện, khiến những đèn này có thể hiển thị ra những chữ cái, số, kí tự… khi được lập trình. Ví như khi đứa trẻ lập trình một vẽ hình trái tim thì chương trình chạy trên chiếc máy Micro:bit - tức các đèn LED, sẽ hiển thị hình trái tim. Với những tính năng vô cùng thú vị và độc đáo này, chiếc máy Micro:bit rất hấp dẫn đối với trẻ nhỏ và giúp chúng học tập "có trải nghiệm tương tác" theo suy nghĩ của mình rất tốt, là điều mà không nhiều chiếc máy tính khác trên thị trường có được.
Ngoài ra, Micro:bit cũng hỗ trợ kết nối micro USB và Bluetooth. Điều này đem lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng khi có thể dùng sản phẩm một cách linh động hơn.
Để thiết bị này làm việc được, trước hết ta cần viết chương trình chạy máy tính, sau đó nạp vào Micro:bit. Khi mọi việc hoàn tất, chiếc máy tính Micro:bit sẽ chạy theo chương trình mà ta đã viết. Có 2 phần mềm chính thức được Micro:bit khuyên dùng để viết chương trình, đó là "Microsoft Makecode" (là một nền tảng lập trình hỗ trợ rất nhiều thiết bị, phần mềm) và "MicroPython".
Microsoft Makecode là ngôn ngữ lập trình theo dạng kéo thả. Thay vì viết những dòng lệnh, ta chỉ cần thực hiện kéo thả những thẻ lệnh lại với nhau. Việc này khá giống với trò xếp hình Puzzle, và điều này khiến cho việc lập trình trở nên dễ dàng và đơn giản hơn bao giờ hết, rất phù hợp với trẻ nhỏ.
Thế nên với phần mềm Microsoft Makecode, tất cả học sinh bậc tiểu học cho đến trung học đều có thể viết được chương trình. Ngoài ra, Microsoft Makecode cũng có thể tạo ra 1 "chiếc Micro:bit ảo", giúp người học có thể tương tác một cách dễ dàng và nhanh chóng trước khi chạy trên máy tính thật.
Cách thứ hai để lập trình với Micro:bit là sử dụng phần mềm MicroPython. Việc này sẽ yêu cầu người học có một chút hiểu biết về ngôn ngữ Python để có thể viết ra những dòng lệnh. Python là ngôn ngữ lập trình hiện đại, được rất nhiều lập trình viên trên thế giới khuyên học. Thế nên việc lập trình bằng chiếc máy tính mini Micro:bit thông qua ngôn ngữ Python còn là một cơ hội để các em học sinh có thể định hướng nghề nghiệp ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Không chỉ vậy, chiếc máy tính mini Micro:bit cũng hỗ trợ kết nối với các thiết bị khác, giúp cho ta có thể tạo ra được các sản phẩm thú vị hơn như: tạo robot, tạo hệ thống tưới nước tự động, tạo thiết bị đo bước chân, hay tạo ứng dụng đèn giao thông, thông báo thời tiết,…
Ngày nay, trẻ em được tiếp cận thiết bị điện tử rất sớm và thời gian sử dụng các thiết bị điện tử của chúng ngày càng nhiều. Thay vì cấm đoán trẻ, chúng ta hoàn toàn có thể hướng dẫn trẻ sử dụng các thiết bị hữu ích như chiếc máy tính mini này để học tập. Qua đó, ta vừa tạo cho trẻ một môi trường để chúng thỏa sức khám phá sáng tạo, vừa giúp trẻ yêu thích khoa học và điều này sẽ giúp cho chúng chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.
Được biết, chiếc máy tính mini Micro:bit với giá khoảng 600.000 đồng, rẻ hơn cả những "chiếc điện thoại cục gạch" nữa, nên mọi bậc cha mẹ đều có thể trang bị cho con mình, giúp trẻ chuẩn bị tốt hơn cho tương lai của chúng.