Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 5/8 đã công bố kế hoạch hạn chế sự sẵn có của các ứng dụng và dịch vụ Trung Quốc “không tin cậy” từ các nhà sản xuất “gây ra mối đe dọa đáng kể đối với thông tin cá nhân của công dân Mỹ”.
Các kế hoạch mà chính phủ Hoa Kỳ đưa ra bao gồm động thái bảo vệ dây cáp dưới biển; bảo vệ mạng di động Hoa Kỳ; ngăn nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc không đáng tin cậy cài đặt ứng dụng Trung Quốc tạo ra; cấm sử dụng các ứng dụng Mỹ trên điện thoại Trung Quốc (như đã xảy ra với Huawei); cũng như ngăn đưa các hành động đưa tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ lưu trữ lên kho đám mây của các công ty Trung Quốc.
Những ứng dụng và nhà sản xuất nào “không đáng tin cậy”?
“Không tin cậy” là từ chính trong tuyên bố của ông Pompeo. Ngoại trưởng Mỹ không làm rõ ứng dụng, dịch vụ hoặc nhà sản xuất nào hoặc sẽ bị coi là không đáng tin cậy, nhưng Nhà Trắng đã có những động thái chống lại hai công ty quan trọng của Trung Quốc mà họ coi là mối đe dọa an ninh.
Đầu tiên, chính phủ Hoa Kỳ đã tấn công Huawei vào năm ngoái bằng lệnh cấm thương mại, gán cho công ty này gây ra các rủi ro bảo mật; đồng thời cấm sử dụng các dịch vụ và ứng dụng từ Google hoặc bán công nghệ của mình cho các nhà mạng tại Hoa Kỳ. Huawei thậm chí không được truy cập vào các nhà sản xuất chip sử dụng công nghệ Mỹ như TSMC, điều này có thể ảnh hưởng đến chip được sử dụng trong các thiết bị tương lai của hãng.
Tổng thống Donald Trump cũng đe dọa sẽ cấm TikTok trừ khi công ty thuộc sở hữu của ByteDance bán chi nhánh tại Mỹ cho một công ty Mỹ. Microsoft hiện đang là công ty đi đầu trong việc mua lại chi nhánh này, với kế hoạch hoàn tất trước ngày 15/9.
Nhưng những nhận xét của ông Pompeo có thể đưa ra một vấn đề rất lớn đối với các OEM Trung Quốc khác, như OnePlus, TCL, Lenovo… Hơn nữa, chiến lược mở rộng hoạt động trên toàn cầu của các thương hiệu lớn như OPPO và Xiaomi có thể bị ảnh hưởng khi nhìn vào những gì mà Huawei và TikTok đã phải gánh chịu trước đó.
Việc hạn chế các OEM Trung Quốc truy cập các ứng dụng do Mỹ sản xuất cũng sẽ khiến các thiết bị này trở nên vô dụng. Về cơ bản, điều này có nghĩa các dịch vụ như Instagram, WhatsApp, Twitter và của Google sẽ không tồn tại trên các thiết bị không đáng tin cậy trong nước. Hơn nữa, về mặt lý thuyết, các biện pháp có thể dẫn đến việc chính phủ Hoa Kỳ chặn cài đặt trước các ứng dụng và dịch vụ của Google trên các thiết bị không tin cậy.
Các biện pháp được lên kế hoạch mới nhất của Nhà Trắng chống lại ngành công nghệ của Trung Quốc được đưa ra sau khi ngày càng có nhiều quốc gia quay lưng với Trung Quốc trong thời gian qua. Ấn Độ gần đây đã chuyển sang tẩy chay các ứng dụng Trung Quốc, bao gồm TikTok và WeChat, sau những căng thẳng chính trị gia tăng giữa hai quốc gia. Các quốc gia khác cũng quyết định không sử dụng công nghệ Huawei trên mạng 5G của họ, bao gồm cả Vương quốc Anh.
Ông Pompeo không đưa ra mốc thời gian để triển khai các biện pháp hoặc đề xuất cách chúng được thi hành, nhưng nếu Nhà Trắng thực hiện chúng, phía Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ không ngồi yên.