Những thách thức quan trọng khi triển khai 5G

5G sẽ là công nghệ mang tính chuyển đổi, kéo theo đó là một loạt các dịch vụ mới, bao gồm cả khả năng quản lý năng lượng, vốn rất quan trọng trong việc giải quyết các thách thức ngày càng tăng về năng lượng và tính bền vững.

Song, một nghiên cứu mới gần đây đã nêu bật những thách thức thực tế của việc quản lý năng lượng 5G mà các nhà khai thác viễn thông đang phải đối mặt.

Ước tính cho thấy mạng 5G có thể hiệu quả hơn tới 90% trên mỗi đơn vị lưu lượng so với mạng 4G trước đó, nhưng chúng vẫn đòi hỏi nhiều năng lượng hơn do mật độ mạng tăng, phụ thuộc nhiều vào hệ thống và cơ sở hạ tầng CNTT cũng như việc sử dụng mạng và lưu lượng truy cập tăng cao.

Những thách thức quan trọng khi triển khai 5G - 1

Theo báo cáo của công ty tư vấn viễn thông STL Partners và Vertiv, các nhà khai thác viễn thông nên giải quyết những thách thức này theo hai cách: Áp dụng các phương pháp về hiệu suất năng lượng và khuyến khích khách hàng áp dụng các dịch vụ hỗ trợ 5G để giảm tiêu thụ và phát thải ở mọi tầng lớp.

STL Partners ước tính lưu lượng 5G toàn cầu sẽ vượt qua 3G/4G ngay sau năm 2025, khiến tính bền vững trở thành ưu tiên cấp thiết của các nhà khai thác.

Trên thực tế, 40% doanh nghiệp được khảo sát cho biết tiết kiệm năng lượng nên là ưu tiên hàng đầu hoặc thứ hai đối với các nhà khai thác viễn thông khi triển khai mạng 5G.

“Các nhà khai thác viễn thông đang thực hiện việc giảm năng lượng và chi phí bằng cách đánh giá toàn bộ hệ sinh thái xung quanh hoạt động mạng của họ - con người, mục tiêu, cơ sở hạ tầng và đối tác”. Scott Armul, Phó chủ tịch của Vertiv cho biết.

“Do sự phụ thuộc vào CNTT để kích hoạt các ứng dụng 5G, nên cần có sự hợp tác cao độ giữa các nhà khai thác, OEM, nhà cung cấp cơ sở hạ tầng cũng như khách hàng để đảm bảo việc triển khai được tối ưu hóa và mọi hiệu năng khả dụng đều có thể được thực hiện.”

5G là công cụ đảm bảo tính bền vững

Báo cáo chỉ ra rằng những cải tiến về hiệu quả và việc ứng dụng các phương pháp hay nhất, mặc dù quan trọng, nhưng vẫn chỉ là mảnh ghép trong một bức tranh mang tên Năng lượng 5G.

Những nỗ lực đó phải được kết hợp với cách tiếp cận toàn diện hơn, mang tính xã hội để hạn chế việc sử dụng năng lượng và phát thải, thúc đẩy khả năng 5G theo những cách vượt xa tầm kiểm soát của nhà khai thác viễn thông.

Cơ hội để tiến bộ

Báo cáo đã xác định ba ngành có tiềm năng cải thiện đáng kể thông qua việc sử dụng dịch vụ 5G. Lĩnh vực sản xuất có thể đạt được lợi ích lên đến 730 tỉ USD vào năm 2030 thông qua việc sử dụng 5G để kích hoạt nâng cao dự đoán bảo trì và tự động hóa.

Ngành Giao thông vận tải và Logistic (chuyên chở hàng hóa) có thể nhận được lợi nhuận lên tới 280 tỉ USD vào năm 2030 thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng, giao thông được kết nối và giao hàng tận nhà tự động. Và cuối cùng là các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho 1 tỉ bệnh nhân vào năm 2030, giảm việc đi lại của bệnh nhân và bác sĩ.

“Châu Á - Thái Bình Dương sẽ là khu vực dẫn đầu về việc áp dụng công nghệ 5G với 1,14 tỉ thuê bao dự kiến vào năm 2024, theo GlobalData. Mặc dù điều này thực sự thú vị đối với khu vực, nhưng thách thức để cân bằng hiệu quả với kỳ vọng và nhu cầu của khách hàng là điều không thể bỏ qua.

Đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng là một cách tiếp cận để đạt được tính bền vững và phải là một phần trong kế hoạch dài hạn của các nhà khai thác trong việc triển khai mạng 5G ”, Danny Wong, Giám đốc cấp cao phụ trách viễn thông Vertiv tại khu vực châu Á cho biết.