Những thú vị đáng biết về sạc không dây

Dù hiện tại có tới hai tổ chức lớn đứng sau công nghệ sạc không dây cho môi trường di động: gồm Wireless Power Consortium (WPC) và AirFuel Alliance (AA) - trước đây là A4WP và PMA (Power Matters Alliance), nhưng thực tế thị trường chỉ có một thương hiệu thống trị về thị phần, đó chính là chuẩn Qi của WPC - với tỉ lệ hiện diện trên hơn 90% các thiết bị dành cho người dùng cuối.

Cuộc chiến giữa các tiêu chuẩn 

Sau một thời gian dài dền dứ, năm 2017 đánh dấu thắng lợi lớn của WPC khi Apple chính thức triển khai công nghệ Qi trên các thiết bị của mình, đặc biệt là iPhone 8 và iPhone X. Động thái này nhanh chóng được ngành công nghiệp công nghệ thông tin coi là lựa chọn mang tính quyết định, tạo ra tiền đề cho việc mở rộng triển khai các sản phẩm phụ kiện, cũng như sản phẩm di động theo chuẩn sạc Qi.

Đây cũng là điều chưa từng xảy ra trước đó, bởi lẽ dù Samsung đã triển khai sạc không dây từ khá lâu, nhưng do cố gắng hỗ trợ cả Qi và PMA, nên mọi sản phẩm mới của hãng đều không mang tính chất quyết định như những chiếc iPhone thế hệ mới nhất.

Charging Spot 4.0 của Powermat hỗ trợ cả Qi lẫn PMA, tương thích với hầu hết mọi sản phẩm số trên thị trường.

Bước sang năm 2018, WPC lại càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết khi bất ngờ kết nạp được Powermat - vốn là đơn vị đứng sau chuẩn công nghệ mà PMA đang thúc đẩy. Công ty Israel này cũng thẳng thắn cho biết, nguyên nhân chính của việc "đổi bên" chính là để nối bước Apple. Giờ đây, Powermat đã cung cấp các công nghệ của mình cho WPC, giúp các sản phẩm số vốn một thời chỉ tương thích Qi đã có thể hỗ trợ cả chuẩn PMA. Bản thân họ cũng tung ra bộ sạc Charging Spot 4.0 với đặc tính tương tự.


Trong khi đó, PMA hiện vẫn phát triển công nghệ sạc không dây cảm ứng và cộng hưởng của riêng mình. Tuy nhiên trong bối cảnh thành viên có vai trò quan trọng bậc nhất là Powermat đã chuyển sang hợp tác với Qi và WPC, tương lai của nhóm này trở nên mong manh hơn bao giờ hết.