Không chỉ các nhà thiên văn chuyên nghiệp mà giờ đây sinh viên đại học cũng có thể tự tìm ra cho mình những hành tinh ở bên ngoài Hệ Mặt Trời. Với công cụ được cung cấp miễn phí từ NASA, nữ sinh tiến sĩ ngành vật lý thiên văn Michelle Kunimoto (25 tuổi) ở ĐH British Columbia, Canada vừa tìm ra 17 ngoại hành tinh mới.
Những hành tinh vừa được tìm thấy chủ yếu là các hành tinh khí với kích thước khổng lồ, nhưng nổi bật trong số đó có KIC-7340288 b với kích thước lớn hơn Trái Đất khoảng 50% và nằm trong vùng có thể hỗ trợ sự sống phát triển và có thể tồn tại nước lỏng so với ngôi sao mẹ.
Hành tinh khí to lớn dễ tìm thấy hơn nhiều so với những hành tinh đất đá, bởi vì chúng to lớn hơn. NASA cung cấp cho cộng đồng dữ liệu khoa học miễn phí được ghi nhận bởi Kính thiên văn Không gian Kepler - đài quan sát khổng lồ ở vũ trụ chuyên quan sát những ngoại hành tinh - từ đó ai cũng có thể phân tích và tìm ra cho mình những hành tinh mới.
Không chỉ là tìm ra những hành tinh mới, phát hiện này còn xác định một hành tinh giống Trái Đất ở bên ngoài Hệ Mặt Trời. Ảnh: UBC.
“KIC-7340288 b cách xa chúng ta đến 1.000 năm ánh sáng, vì thế chúng ta sẽ không đến đó ngay được. Thay vào đó, phát hiện này thật sự rất thú vị bởi vì cho đến nay chỉ có 15 hành tinh nhỏ và nằm trong vùng có thể tồn tại sự sống như vậy”, Kunimoto chia sẻ về phát hiện của mình.
Chu kỳ quỹ đạo của hành tinh này chấn động quanh ngôi sao chủ của nó kéo dài khoảng 142,5 ngày và nó chỉ nhận được ánh sáng từ ngôi sao mẹ khoảng ⅓ lượng ánh sáng mà Trái Đất nhận được từ Mặt Trời. Kunimoto hiện đang tiếp tục phân tích dữ liệu để tìm xem liệu có hành tinh nào khác như vậy trong hệ hành tinh KIC-7340288 hay không.
17 ngoại hành tinh vừa được phát hiện sắp xếp theo thứ tự kích thước tăng dần. Trong đó KIC-7340288 b lớn hơn Trái Đất 1,5 lần và nằm trong vùng có thể hỗ trợ sự sống so với ngôi sao chủ. Ảnh: Michelle Kunimoto.
Để tìm kiếm một hành tinh ở bên ngoài Hệ Mặt Trời, các nhà thiên văn sẽ quan sát ngôi sao chính của một hệ hành tinh bất kỳ. Khi hành tinh chấn động qua phía trước ngôi sao, nó sẽ tạo thành một vết đen di chuyển làm ngôi sao chính thay đổi độ sáng, rồi từ đó chúng ta phân tích các thông số như kích thước, khối lượng, khoảng cách,...
Mặc dù những phát hiện này dường như không có ích gì trong thực tế trước mắt, nhưng chúng giúp các nhà thiên văn học hiểu thêm về các hệ hành tinh khác ngoài Hệ Mặt Trời trong vũ trụ bao la, từ đó họ sẽ hiểu thêm về không gian và cách vũ trụ hoạt động.
Michelle Kunimoto và giáo sư hướng dẫn Jaymie Matthews tại ĐH British Columbia, Canada. Ảnh: UBC.
“Kết quả nghiên cứu này giúp chúng tôi dần hình thành được bức tranh về vũ trụ, liệu rằng có bao nhiêu hành tinh giống Trái Đất đang ở ngoài kia? Trái Đất là một hành tinh rất may mắn vì nằm ở khoảng cách hoàn hảo so với Mặt Trời, từ đó nó có thể hình thành và phát triển sự sống.
Nếu các hành tinh ở ngoài kia cũng như vậy, có lẽ ta sẽ sớm tìm được một nền văn minh khác và biết được rằng người địa cầu không cô độc trong vũ trụ”, giáo sư Jaymie Matthews, giảng viên hướng dẫn của Kunimoto, chia sẻ.